Kinh nghiệm của tôi (Thực tập kỹ năng - Kỹ năng đặc định)

15_sumb
By KOKORO(Báo Mainichi+VAIJ;Đơn vị hỗ trợ: Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, v.v.)

Gặp gỡ sempai số này

Nguyễn Huy Hùng

Sinh năm 1995 tại Hải Phòng Tháng 6/2013: Tốt nghiệp trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm Từ năm 2013 đến năm 2017: Làm xây dựng, nhân viên nhà hàng, làm nông nghiệp... Tháng 12/2017: Vào công ty phái cử tại Hà Nội Tháng 1/2018: Đỗ phỏng vấn Tháng 10/2018: Bắt đầu thực tập kỹ năng tại Aqtis

E-mail: Huyhung25081995@gmail.com

Lời mở đầu

Chúng tôi đến thăm ký túc xá của Hùng, thực tập sinh kỹ năng đang làm việc tại một công ty trong ngành xây dựng. Hùng cùng 2 thực tập sinh khác đang sống trong một căn hộ chung cư ở ngoại ô thành phố Fukuoka. Căn hộ 3 người đang ở có 2 phòng ngủ và 1 phòng khách rộng. Các đàn anh người Nhật của họ cũng thường hay ghé qua chơi. Dù là mùa hè nóng bức hay mùa đông lạnh giá, 3 người luôn nỗ lực hết mình làm việc trên công trường và được các đàn anh người Nhật quý trọng. Công việc thực tập, cuộc sống của họ cũng như phương pháp học tập để sau khi sang Nhật chưa đầy 1 năm đã đạt chứng chỉ N3 sẽ được chia sẻ qua câu chuyện của Hùng.

Hùng (ngoài cùng bên trái) chụp cùng đàn anh người Nhật và bạn cùng phòng trong ký túc xá. (Tháng 10/2019)

Công việc thực tập ngành xây dựng

Cốt thép tại công trường chúng tôi làm việc. Công trường xây dựng chung cư cao tầng ở thành phố Fukuoka. (Tháng 7/2019)

Tôi thực tập tại công ty xây dựng Aqtis ở thành phố Onojo, tỉnh Fukuoka. Công ty có khoảng vài chục nhân viên. Thực tập sinh người Việt của công ty tại Fukuoka thì có 3 người chúng tôi, còn ở cơ sở Kanto thì có thêm 6 người nữa.

Ở Nhật thường xuyên xảy ra động đất, nên người ta sử dụng rất nhiều cốt thép trong cột trụ của công trình xây dựng. Cốt thép được chở đến từ các nhà máy chỉ dài 4 mét, nên tại công trường xây dựng, người ta dùng kỹ thuật “hàn” hoặc “hàn áp lực” để nối các đoạn cốt thép đạt đến độ dài cần thiết. Cốt thép được buộc dọc, ngang để tạo hình cột trụ, sau đó bê tông sẽ được đổ vào xung quanh. Công việc của chúng tôi ở công trường là hàn cốt thép, còn phần việc sau đó sẽ do công ty khác thực hiện.

Cốt thép nối bằng hàn áp lực

Công việc của thực tập sinh là chuẩn bị sẵn sàng để các công nhân lành nghề thực hiện hàn cốt thép bằng áp lực (bao gồm làm vệ sinh công trường, khuân vác cốt thép và máy móc, cài đặt, cắt bỏ các phần cốt thép bị gỉ sét v.v…) và cả dọn dẹp. Trước 7 giờ sáng, chúng tôi phải có mặt ở công ty, sau khi họp đầu giờ sáng, chúng tôi lên ô tô ra công trường. Thông thường, thời gian làm việc ngoài công trường là từ 8 giờ sáng đến khoảng 5 giờ chiều (tổng thời gian nghỉ giải lao giữa giờ là 2 tiếng đồng hồ). Sau đó, chúng tôi lại trở về công ty và chuẩn bị máy móc cho ngày hôm sau. Để thực hiện được kỹ thuật hàn áp lực tại công trường, bắt buộc phải có kinh nghiệm, vì vậy, thực tập sinh chúng tôi cứ mỗi tháng 1 lần lại được tập huấn về kỹ năng hàn áp lực. Những hôm tập huấn hay phải dự họp (tuần 1 lần) và về nhà muộn, hoặc đi làm tại công trường ở xa, phải xuất phát từ sáng sớm, chúng tôi đều được trả tiền làm thêm giờ.

Hoàng hôn nhìn từ công trường ở phía Bắc thành phố Fukuoka (Tháng 1/2019)

Môi trường làm việc dễ chịu

Hồi mới sang Nhật, tiếng Nhật của chúng tôi còn kém và cũng chưa hiểu công việc, nhưng các đàn anh người Nhật đã dạy bảo cho chúng tôi hết sức chu đáo. Khi chúng tôi làm sai, họ cũng chẳng cáu giận mà chỉ ôn tồn chỉ bảo. Ở công ty chúng tôi, mọi người đều rất tốt bụng, đây quả thực là một môi trường làm việc rất dễ chịu. Em trai tôi hiện nay còn đang học cấp 3 nhưng tôi định bảo em mình đi phỏng vấn vào công ty này sau khi tốt nghiệp.

Mỗi năm 1 lần toàn bộ nhân viên công ty đi thực tập ở Okinawa (3 ngày 2 đêm) (Tháng 3/2019)

Tại Thủy cung Churaumi ở Okinawa trong chuyến thực tập (Tháng 3/2019)

Trong công ty, chúng tôi có một người anh lớn, đó là ông Kina Hiroshi (60 tuổi). Ông luôn đặc biệt quan tâm chăm lo cho chúng tôi. Ông hay ghé qua ký túc xá để cùng ăn với chúng tôi, thỉnh thoảng còn dẫn chúng tôi đi thăm các điểm danh lam thắng cảnh ở vùng lân cận. Giám đốc công ty cũng ghé chơi ký túc xá và ăn cơm cùng chúng tôi vài lần mỗi năm. Vào ngày sinh nhật của tôi, vợ giám đốc đã mang một chiếc bánh gato đến để chúc mừng tôi. Ngoài ra, thỉnh thoảng còn có bữa gần 20 thành viên công ty cùng nhau đi ăn thịt nướng hoặc oden (củ cải và đậu phụ, chả cá hầm).

Giám đốc công ty đến thăm ký túc xá và dùng bữa cùng chúng tôi (Tháng 8/2019)

【Phỏng vấn】Câu chuyện của ông Kina Hiroshi, người anh lớn ở công ty

Từ hồi đầu, tiếng Nhật của Hùng đã rất khá nên nói chuyện với cậu ấy rất dễ dàng và chúng tôi nhanh chóng trở nên thân thiết. Hùng sống rất chân thành nên được tất cả mọi người ở công ty quý mến. Tôi coi Hùng và hai cậu bạn cùng phòng là Mão và Cao như cháu của mình vậy. Cuối tuần tôi rất hay ghé chơi với các cậu ấy.

Công việc tại công trường của chúng tôi vô cùng bận rộn, nhưng các cậu ấy luôn thực hiện chính xác các công việc được giao. Các cậu ấy cũng nhớ tên các loại máy móc và quy trình công việc rất nhanh chóng. Thời gian gần đây, ngành xây dựng ở Nhật Bản không tuyển được những người trẻ tuổi, trong công ty chúng tôi có quá nửa nhân viên ở độ tuổi ngoài 40, 50. Người trẻ tuổi vào công ty hầu hết chỉ trong vòng nửa năm đã thôi việc, và trong 5 người chỉ có khoảng 1 người là chịu ở lại làm việc lâu dài. Trong tình cảnh như vậy, thật là may mắn khi có những người ưu tú như Hùng từ Việt Nam qua đây làm việc.

Đi hái dâu với ông Kina và Mão trong thành phố Fukuoka (Tháng 1/2019)

Công ty phái cử

Trước khi sang Nhật, tôi học tập 6 tháng ở một công ty phái cử tại Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, tôi làm việc tại một nhà máy của Trung Quốc, nhưng có một người họ hàng của tôi làm việc ở công ty phái cử đã khuyên tôi rằng “Sang Nhật làm việc sẽ có mức lương cao đấy, mà còn học được tiếng Nhật nữa. Sau khi về nước sẽ có công việc sử dụng tiếng Nhật”. Tháng 1/2018, giám đốc công ty Aqtis đã tới công ty phái cử để phỏng vấn, và trong 7 ứng viên, ông đã chọn tôi và hai cậu bạn cùng phòng bây giờ.

Cùng bạn bè tại công ty phái cử ở Hà Nội (Tháng 5/2018)

Tôi đã trả 140.000.000 VNĐ cho công ty phái cử, trong đó bao gồm tiền ký túc xá, tiền ăn, tiền học và phí thủ tục phái cử. Để trang trải số tiền này và chuẩn bị tiền để tôi mang sang Nhật, bố tôi đã phải vay ngân hàng khoảng 200.000.000 VNĐ.

Cuộc sống ở Nhật

Mặc dù phòng ở ký túc xá vừa rộng vừa đẹp, nhưng tiền ký túc xá của chúng tôi chỉ có 5.000 yên mỗi người. Mỗi tuần một lần, tôi lại gọi điện thoại video về cho gia đình bằng Messenger, và tiền Wi-fi cũng đã bao gồm trong tiền ký túc xá. Các vật dụng trong nhà cũng như đồ điện đã được công ty chuẩn bị sẵn. Những chi phí khác của tôi chỉ bao gồm tiền ăn và tiền để thỉnh thoảng đi chơi, mua sắm quần áo, mỗi tháng hết khoảng 50.000 yên.

Trước ga Hakata vào ngày nghỉ. Cứ khoảng 2 tháng một lần, tôi lại đến các khu trung tâm thành phố như Hakata. (Tháng 8/2019)

Sổ tay chi tiêu của tôi (Trung bình 1 tháng)

※100 yên = 21.093 VNĐ (Tỷ giá ngày 20/3/2020)

Thu nhập (180.000yên ~ 220.000 yên)
Lương về tay 180.000 yên ~ 220.000 yên ※Khoản tiền về tay sau khi đã trừ thuế, bảo hiểm xã hội, tiền ký túc xá, ga, điện, nước. ※Tiền ký túc xá là 5.000 yên (2 phòng ngủ cho 3 người/đồ gia dụng như tủ lạnh, máy giặt, điều hoà nhiệt độ… đều do công ty cung cấp) ※Tiền điện, nước, ga hằng tháng là 5.000 yên ※Tiền Wi-fi đã nằm trong tiền ký túc xá
Các khoản chi (Tổng cộng 50.000 yên)
Tiền ăn, chi phí đi lại, tiền tiêu vặt 50.000 yên ※Tối tự nấu ăn. Sáng mua đồ ăn ở cửa hàng tiện lợi. Trưa mua cơm hộp, nước quả… tại công trường. ※Thỉnh thoảng đi chơi với bạn bè hoặc bạn cùng phòng ※Bao gồm cả tiền mua quần áo
Khoản tiền chênh lệch (Tiết kiệm được): 130.000 yên ~ 170.000 yên
※Tiền tiết kiệm được gửi về cho bố mẹ. Trong 1 năm trả xong khoản nợ 200.000.000 VND.
※【Lời ban biên tập】Khoản tiền tiết kiệm được rất khác nhau tuỳ từng công ty tiếp nhận thực tập sinh kỹ năng. Việc tìm hiểu thông tin từ trước rất quan trọng.

Đi du thuyền trên sông với nhóm ông Kina ở thành phố Fukuoka (Tháng 8/2019)

Sau 1 năm đỗ chứng chỉ N3

Sau khi sang Nhật 10 tháng, tôi thi năng lực tiếng Nhật (JLPT) trình độ N3. Từ khi còn nhỏ, tôi đã quen thuộc với phim hoạt hình Nhật Bản. Bộ phim tôi thích nhất là “ONE PIECE”, tôi còn có cả bản tiếng Việt của bộ truyện tranh này nữa. Bộ phim tôi thích thứ nhì là “Bảy viên ngọc rồng”. Khi bắt đầu học tiếng Nhật ở công ty phái cử, tôi dần dần hiểu được chút ít tiếng Nhật trong các phim hoạt hình anime (phụ đề tiếng Việt), còn bây giờ thì đã hiểu được khá nhiều.

Hồi ở công ty phái cử, tôi luôn cố gắng chăm chú nghe giảng, làm bài tập nghiêm túc và còn học qua YouTube nên đã đạt được thành tích học tập cao nhất trong 300 bạn cùng học ở công ty. Đến tận bây giờ, tôi vẫn được giáo viên ở công ty phái cử (trình độ N2) giảng giải thêm về tiếng Nhật, ngữ pháp v.v… qua cuộc gọi video của Messenger. Mỗi buổi học kéo dài khoảng 1 tiếng đồng hồ, trước đây tôi học qua điện thoại như vậy mỗi tuần 3 lần, còn bây giờ mỗi tháng là 10 lần.

Ảnh chụp với bạn cùng lớp và giáo viên trung tâm tiếng Nhật của công ty phái cử (giữa) (Tháng 1/2018)

Sau khi sang Nhật, mỗi tuần 2 lần, từ 7 giờ đến 9 giờ tối, công ty lại trả tiền thuê du học sinh người Việt (trình độ N1) đến công ty để dạy tiếng Nhật cho chúng tôi. Ngoài ra, tôi còn học thêm bằng sách vở và học qua YouTube. Thôi rất hay xem video trên các kênh YouTube “Nihongo no Mori” hay “Riki nihongo”.

Điện thoại di động của tôi không dùng SIM mà chỉ dùng Wi-fi. Tôi lưu lại các bài dạy từ vựng, các bài kiểm tra thử được đăng trên YouTube hoặc Facebook vào điện thoại và mang ra học trong giờ nghỉ giải lao. Khi có chỗ không hiểu, tôi thường hỏi các đàn anh người Nhật và được họ tận tình giảng giải.

Ảnh chụp màn hình trang học tiếng Nhật trên Facebook

Lưu các câu hỏi tiếng Nhật vào điện thoại di động để học trong giờ nghỉ giải lao (Tháng 10/2019)

Lời kết

Điều tôi cảm thấy thích nhất khi tới Nhật là không khí trong lành và có rất nhiều cơ hội để nói tiếng Nhật. Sau khi hoàn thành chương trình thực tập, tôi mong có thể lấy được tư cách lưu trú theo diện kỹ năng đặc định và tiếp tục làm việc tại công ty hiện nay. Tôi tin rằng trong tương lai, sẽ có lúc kỹ thuật hàn và hàn áp lực trở nên cần thiết ở Việt Nam, và mong rằng mình có thể áp dụng các kỹ thuật học được trong thời gian khoảng 10 năm làm việc ở Nhật và tiếp tục làm việc trong ngành xây dựng ở Việt Nam.

Các món ăn tự nấu tại ký túc xá (Tháng 10/2019)