Kinh nghiệm của tôi (Du học - Nhân lực chất lượng cao)

sumb_16
By KOKORO(Báo Mainichi+VAIJ;Đơn vị hỗ trợ: Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, v.v.)

Gặp gỡ sempai số này

Nguyễn Thị Hồng Minh

Sinh năm 1994 tại tỉnh Bắc Ninh

Tháng 6/2012: Tốt nghiệp Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên – Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội

Tháng 10/2012: Nhập học Khoa Kỹ thuật Đại học Kyushu

Tháng 9/2016: Tốt nghiệp Khoa Kỹ thuật Đại học Kyushu

Tháng 10/2016: Nhập học Khoá đào tạo thạc sỹ Khoa sau đại học - Khoa Kỹ thuật Đại học Kyushu

Tháng 8/2018: Tốt nghiệp Khoá đào tạo thạc sỹ Khoa sau đại học - Khoa Kỹ thuật Đại học Kyushu

Tháng 11/2018: Làm việc cho Tổ chức Giáo dục STEM Hoa Kỳ tại Hà Nội

Tháng 11/2019: Chuyển đến thành phố Fujimi, tỉnh Saitama

MỞ ĐẦU

    Cha của Minh mất do tai nạn từ khi cô còn nhỏ. Từ đó, một mình mẹ Minh nuôi dạy Minh và anh trai. Thông minh sáng dạ, lại ham học hỏi, Minh đỗ vào trường phổ thông trung học thuộc loại nhất nhì Việt Nam. Trước khi tốt nghiệp phổ thông, Minh tham gia Hội thảo du học Nhật Bản do JASSO (Tổ chức hỗ trợ sinh viên Nhật Bản) tổ chức tại Hà Nội. Khi biết rằng có thể đi du học tại Nhật bằng học bổng chính phủ Nhật Bản, Minh đã ứng tuyển. Minh trúng tuyển và vào học tại một trường đại học quốc lập Nhật Bản - Đại học Kyushu, rồi sau đó tiếp tục học lên cao học.

Cơ sở Ito của Đại học Kyushu - nơi tôi du học (Tháng 3/2017)
Đi nhậu cùng các nghiên cứu sinh của Khoa sau đại học (Tháng 5/2017)

    Tại Đại học Kyushu, Minh học cả chương trình đại học và thạc sĩ bằng tiếng Anh, nhưng trong cuộc sống hằng ngày cô vẫn trau dồi khả năng tiếng Nhật. Hãy cùng tham khảo những kinh nghiệm dưới đây của Minh .

LẤY ĐƯỢC BẰNG ĐẠI HỌC VÀ BẰNG THẠC SỸ NHỜ HỌC BỔNG

    Thời gian đó, Đại học Kyushu (tỉnh Fukuoka), một trường đại học quốc lập danh tiếng của Nhật Bản, trường được lựa chọn tham gia dự án Global30 của Bộ Giáo dục, Văn hoá, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản. Đây là dự án nâng cao số lượng các khoá học đại học đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh và tăng cường tiếp nhận du học sinh người nước ngoài. Nhờ dự án này, tại Đại học Kyushu, các du học sinh người nước ngoài có thể nhận học bổng chính phủ (học bổng của Bộ Giáo dục), và nếu không giành được học bổng chính phủ, còn có chế độ để các du học sinh được nhận học bổng của Đại học Kyushu. Tôi được nhận học bổng chính phủ trong thời gian 4 năm kể từ năm 2012, mỗi tháng nhận khoản tiền 12 vạn yên để chi tiêu, ngoài ra, tôi còn được miễn hoàn toàn học phí. Không chỉ vậy, trong 2 năm học cao học, tôi cũng nhận được học bổng 12 vạn yên một tháng của Panasonic, và cũng được miễn học phí.

 

Cả 2 bức ảnh đều chụp trong chuyến đi “Công viên hoa Kuju” ở tỉnh Oita cùng bạn bè người Việt (Tháng 5/2017)
Du lịch trong ngày đến làng Hoshino, thành phố Yame, tỉnh Fukuoka (Tháng 5/2017)

TẬN DỤNG CƠ HỘI TỪ HỘI THẢO DU HỌC CỦA JASSO

    Tôi xuất thân từ gia đình nông dân trồng đậu tương. Cha tôi mất vì tai nạn giao thông khi tôi mới 8 tuổi. Mẹ tôi đã nuôi dạy hai anh em tôi khôn lớn. Thời phổ thông, học phí rẻ nên tôi có thể đến trường, nhưng nếu muốn học tại các trường đại học hàng đầu, chi phí sẽ tốn kém hơn. Vì vậy, tôi đã tìm con đường học đại học nhờ tiền học bổng. Sau khi tìm hiểu, tôi được biết là đi du học ở nước ngoài, các chương trình học bổng sẽ nhiều hơn so với học trong nước, nên tôi bắt đầu suy nghĩ đến việc đi du học nước ngoài.

    Đúng lúc ấy, tôi tình cờ tham dự hội thảo du học Nhật Bản của JASSO. Trong ngày hội giới thiệu về du học do JASSO tổ chức có rất nhiều trường đại học của Nhật Bản. Các trường đã giới thiệu về khoá học và chế độ hỗ trợ dành cho du học sinh nước ngoài. Tại buổi hội thảo tổ chức tại Hà Nội, tôi nhận được tờ rơi giới thiệu về chương trình du học của Đại học Kyushu và đã gửi hồ sơ đăng kí đến trường này. Hằng năm, JASSO đều tổ chức hội thảo du học Nhật Bản tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi nơi một lần. Ngoài ra, tổ chức này còn thường xuyên trao đổi, tư vấn về du học Nhật Bản tại văn phòng JASSO Việt Nam đặt tại Hà Nội. Các bạn cũng thử tận dụng các cơ hội này xem sao nhé!

Văn phòng JASSO Việt Nam

    Sau đó, tôi đã dự kì thi viết (Toán học và Hoá học, đề thi bằng tiếng Anh) và tham gia phỏng vấn bằng tiếng Anh tại Hà Nội. Ngoài ra, còn một điều kiện nữa là phải đạt từ 80/120 trở lên trong kì thi TOEFL IBT (Internet Based Test). Sau khi đã thi đỗ các kì thi này, tôi đã được nhận vào Khoa Kỹ thuật của Đại học Kyushu.

CUỘC SỐNG Ở NHẬT BẢN

    Trong thời gian ở Nhật, vì nhận được học bổng nên tôi có thể dành rất nhiều thời gian cho việc học. Tôi học cả đại học và cao học ngành Kĩ thuật vật liệu (Material Engineering).

    Tôi chỉ làm thêm tại nhà ăn của trường đại học, phụ trách quầy thu ngân, và làm gia sư cho du học sinh người nước ngoài. Do tôi học tốt môn Toán nên được Đại học Kyushu nhờ dạy vi phân, tích phân… cho các du học sinh khoá sau.

Tản bộ trong thành phố Fukuoka (Tháng 8/2014)

.

.

Sổ tay chi tiêu của tôi (trung bình 1 tháng)

※100 yên =21,943 VND (Tỷ giá ngày 31/3/2020)

[supsystic-tables id=20]

.

.

Hát karaoke với bạn cùng phòng nghiên cứu (Tháng 9/2015)

HỌC TIẾNG NHẬT

    Mặc dù ở trường đại học, tôi theo học chương trình hoàn toàn bằng tiếng Anh, nhưng hồi học năm thứ nhất cũng có một ít giờ tiếng Nhật. Ngoài ra, tôi tự học tiếng Nhật trên trang web “Learn Japanese” của đài NHK.

Trang web học tiếng Nhật của đài NHK
https://www3.nhk.or.jp/nhkworld/vi/learnjapanese/

    Hơn nữa, hồi học đại học, tôi còn tham gia câu lạc bộ cờ vua của trường nên có nhiều cơ hội trò truyện với các bạn người Nhật cùng câu lạc bộ. Nhờ vậy, tiếng Nhật của tôi cũng tiến bộ hơn. Từ năm thứ 3 trở đi, tôi thường ăn uống, đi chơi và du lịch với các bạn cùng phòng nghiên cứu.

Đi nhậu với các chị cùng phòng nghiên cứu tại Vườn bia Asahi ở thành phố Fukuoka (Tháng 7/2015)

TẬN HƯỞNG ĐẤT NƯỚC NHẬT BẢN

    Để tận hưởng cuộc sống ở Nhật, thời gian rảnh rỗi, tôi tham gia các sự kiện như Hội nghị Hoà bình Thanh niên Thế giới (PCY) do Hội thanh niên Osaka tổ chức, đi du lịch với bạn bè ở phòng nghiên cứu, hoặc đi du lịch cùng bạn bè người Việt.

Leo núi Koya khi tham gia PCY. Giao lưu với sinh viên Nhật Bản và các nước (Tháng 8/2014)
Ngồi thiền cùng sinh viên người Nhật tại ngôi chùa trên núi Koya khi tham gia chương trình PCY (Tháng 8/2014)

SAU KHI TỐT NGHIỆP

    Trong thời gian du học, tôi tình cờ gặp một giáo viên người Việt trợ giảng (môn Toán) tại Đại học Kyushu. Sau khi tốt nghiệp thạc sỹ, tháng 12/2018, tôi đã kết hôn với anh. Anh cũng chính là tiền bối của tôi tại trường cấp 3. Hiện nay, anh là phó giáo sư tại trường đại học tư thục Waseda danh tiếng.

Du lịch Kagoshima cùng nhóm người Việt tại Đại học Kyushu. Người thứ 2 từ phải sang là chồng tôi bây giờ (Tháng 5/2018)
Tại quán cà phê ở Hà Nội (Tháng 10/2019)

    Sau khi tốt nghiệp, trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 10/2018, tôi thực tập trong dự án Ashinaga Africa Initiative ở Uganda. Từ tháng 11/2018, tôi dạy các kiến thức khoa học tự nhiên cơ bản cho giáo viên và học sinh ở các trường cấp 1 và cấp 2 ở Hà Nội với tư cách là nhân viên của Tổ chức Giáo dục STEM (Science + Technology + Engineering + Mathematics) Hoa Kỳ. Kiến thức chuyên môn tôi học được ở Nhật đã giúp ích cho tôi rất nhiều trong công việc này.

    Từ tháng 11/2019, tôi về ở cùng với chồng tại tỉnh Saitama. Hiện nay, tôi đang tìm công việc dạy môn khoa học tự nhiên. Ngoài ra, tháng 7/2019, tôi đã cùng bạn bè lập ra trang Facebook tên là “Opportunity Hunting”, thực hiện hoạt động kinh doanh phục vụ cộng đồng, giúp đỡ các học sinh người Việt có nguyện vọng đi du học. Chúng tôi thực hiện công việc hỗ trợ các bạn học sinh có nguyện vọng đi du học tìm trường, tìm học bổng, viết lý lịch hoặc lý do ứng tuyển với chi phí thấp. Tôi muốn được giúp đỡ các em học sinh khoá sau có được thời gian du học tuyệt vời nhất.

・Opportunity Hunting  https://www.facebook.com/DuHocSanHocBong/