Kinh nghiệm của tôi (Du học - Nhân lực chất lượng cao)

thumbnail20
By KOKORO(Báo Mainichi+VAIJ;Đơn vị hỗ trợ: Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, v.v.)

Gặp gỡ sempai số này

HỒ LÊ THỊ XUÂN TRINH

Sinh năm 1982 tại Đà Lạt
Tháng 11/2000: Vào học Trường trung cấp kiểm soát không lưu thuộc Học viện Hàng không Việt Nam (VAA)
Tháng 4/2005: Vào học Đại học ngắn hạn nữ sinh Hakuho
Tháng 4/2007: Vào học Đại học nữ sinh Baika, khoa Biểu đạt văn hoá, ngành Anh ngữ quốc tế, hệ liên thông
Tháng 4/2009: Vào học Thạc sĩ tại Đại học nữ sinh Baika, khoa Nghiên cứu Văn học (chuyên ngành tiếng Anh và Văn học Anh-Mỹ)
Tháng 3/2011: Học xong Thạc sĩ tại Đại học nữ sinh Baika, khoa Nghiên cứu Văn học (chuyên ngành tiếng Anh và Văn học Anh-Mỹ) và về nước
Tháng 10/2011: Vào làm tại công ty KUBOTA Việt Nam
Tháng 5/2012: Vào làm tại công ty SECOM Việt Nam
Tháng 8/2015: Thôi việc tại công ty SECOM Việt Nam, bắt đầu tự kinh doanh
Tháng 10/2019: Thành lập công ty TNHH Xuân Trinh Hồ

Quyết tâm thay đổi cuộc đời bằng việc đi du học

Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, tôi vào trường dạy nghề kiểm soát không lưu. Thành tích học tập cũng tốt, nhưng ngay trước khi thi tốt nghiệp, tôi cứ băn khoăn “không biết công việc này thực sự có ổn hay không?", để rồi thi trượt và không tốt nghiệp được. Để cứu vãn, tôi nghĩ “hay là đi Nhật du học để thay đổi cuộc đời nhỉ?". Tôi chọn Nhật Bản vì ông bà ngoại, dì và 2 cậu của tôi đang sống ở tỉnh Gunma, và bà đã khuyên tôi sang Nhật.

Thăm Kinkakuji (chùa Vàng) ở Kyoto khi du học (2009)

Tôi học tiếng Nhật một năm tại trường Nhật ngữ ở thành phố Hồ Chí Minh, tiền học bà ngoại trả cho. Tại đây, tôi thấy bảng tin có giới thiệu về Đại học ngắn hạn nữ sinh Hakuho (nay là Đại học ngắn hạn Hakuho), trong đó ghi là “có thể nhận được học bổng", “chi phí sinh hoạt ở Nhật có thể trang trải bằng tiền làm thêm", “trường sẽ giới thiệu việc làm thêm”. Thấy học bổng hấp dẫn, tôi dự kỳ thi đầu vào của trường tổ chức ở thành phố Hồ Chí Minh. Mặc dù lúc đó tiếng Nhật của tôi còn kém, nhưng tôi đã nhìn vào mắt người phỏng vấn và đề đạt nguyện vọng “tôi sẽ cố gắng, hãy cho tôi đến Nhật Bản”, và tôi trúng tuyển. Tôi tự chuẩn bị hồ sơ xuất cảnh và chỉ phải trả cho trường tiếng Nhật khoảng 200.000 VND phí đăng kí hộ.

Lễ trà đạo ở Kyoto (Tháng 11/2010)

Học lên đại học qua hệ ngắn hạn

Trong 2 năm kể từ 2005, tôi học tại trường Đại học ngắn hạn nữ sinh Hakuho. Ở đây, mỗi năm có khoảng 60 du học sinh, chủ yếu là người châu Á. Ngôn ngữ chung của chúng tôi là tiếng Nhật. Trong lớp chỉ có du học sinh và bài giảng cũng là dành cho du học sinh.

Ngày hội trường ở trường Đại học ngắn hạn nữ sinh Hakuho (2005)

Sau 2 năm, tôi tốt nghiệp và học liên thông lên đại học tại trường Đại học nữ sinh Baika ở Osaka. Các du học sinh cùng khoá với tôi ở đại học ngắn hạn phần đông cũng học lên đại học. Sau đó, tôi học tiếp cao học (thạc sỹ) ngành tiếng Anh. Công việc của tôi hiện nay sử dụng cả tiếng Anh và tiếng Nhật để phiên dịch và biên dịch. Hồi ở đại học ngắn hạn, đại học và cao học, tôi kết bạn với rất nhiều người Nhật, nhờ đó tiếng Nhật tiến bộ hẳn lên. Hơn nữa, ở kí túc xá tôi nghiêm túc học hành nên vào năm thứ 2 đại học ngắn hạn, tôi đã đỗ kì thi năng lực tiếng Nhật (JLPT) trình độ N2.

Lễ hội giao lưu Nhật Bản, Việt Nam, Thái Lan, Mông Cổ (2006)
Đi ngắm hoa anh đào (Tháng 4/2010)

Học bổng

Trong 6 năm du học, 3 năm tôi được học bổng. Do kết quả học tập của năm học trước mà cũng có những năm tôi không được học bổng. Tuy nhiên, năm đầu tiên (khi học đại học ngắn hạn), tôi được học bổng 34.000 yên/tháng của thị trấn Oji, địa phương có trường của tôi. Đến năm thứ 4 (khi học đại học), tôi được học bổng 50.000 yên/tháng của Tổ chức hỗ trợ sinh viên Nhật Bản (JASSO). Năm thứ 6 (khi học cao học), tôi được học bổng 140.000 yên/tháng của Rotary Yoneyama. Khi có học bổng, có thể giảm làm thêm và dành nhiều thời gian hơn cho việc học, con đường tương lai sẽ rộng mở.

Họp mặt định kì của Câu lạc bộ Rotary địa phương với tư cách học sinh nhận học bổng Rotary (2009)

【Lời khuyên từ Ban biên tập】

Học bổng mà Trinh nhận được do Hội khuyến học kỷ niệm Yoneyama Rotary cấp. Đây là một tổ chức sử dụng nguồn quỹ do Hội viên câu lạc bộ Rotary trên khắp nước Nhật quyên góp để làm học bổng chu cấp cho các du học sinh lưu trú tại Nhật Bản. Hội này hoạt động với mục đích hỗ trợ những lưu học sinh ưu tú có ước mơ đóng góp cho cộng đồng quốc tế với tư cách cầu nối giữa Nhật Bản và mẫu quốc của mình. Hằng năm, hội có chỉ tiêu cấp học bổng cho số lượng đến 860 sinh viên và là Quỹ học bổng Quốc tế tư nhân lớn nhất Nhật Bản.

http://www.rotary-yoneyama.or.jp/english/

Làm thêm và cuộc sống ở Nhật

Công việc làm thêm đầu tiên của tôi là ở quán gyoza. Trước khi sang Nhật, tôi đã gửi e-mail cho trường đại học ngắn hạn nhờ giới thiệu việc làm thêm, và thông qua trường, các du học sinh người Việt khoá trước đã giới thiệu cho tôi cửa hàng này. Tôi dậy từ 5 giờ sáng, đạp xe khoảng 30 phút đến chỗ làm, và từ 6 giờ sáng bắt đầu làm việc khoảng 2 tiếng đồng hồ. Công việc của tôi là lấy gyoza đông lạnh ra cho vào hộp, hoặc cho gyoza vào tủ đông, hay dùng máy cắt bắp cải rồi cho vào túi đựng. Sau khi xong việc, tôi vội vã về nhà để đi học. Thứ Bảy và Chủ Nhật, mỗi ngày tôi làm 8 tiếng. Sau đó, tôi còn dạy tiếng Anh ở trường mầm non. Hồi học đại học, tôi từng làm việc tiếp đón khách ở quán ăn Thái, nhưng để tập trung hơn cho việc học, tôi đã giảm bớt thời gian đi làm.

Dạy tiếng Anh tại trường mầm non ở tỉnh Nara (Tháng 2/2007)

Sổ tay chi tiêu của tôi (trung bình 1 tháng)

※ Thời gian 2 năm học đại học (được nhận học bổng)
※ 100 yên = 21.540 VND (Tỉ giá ngày 7/4/2020)

Thu nhập (tổng cộng khoảng 90.000 yên)

Tiền làm thêm (tại quán Thái) 40.000 yên
※ Để ưu tiên việc học, chỉ làm thêm ở mức tối thiểu.
Học bổng (JASSO)  50.000 yên

Các khoản chi (tổng cộng khoảng 120.000 yên)

Tiền thuê nhà 20.000 yên
※ Nhà 2LDK = 2 phòng ngủ và phòng sinh hoạt chung rộng.
※ Ở chung 3 người, chia tiền nhà với một du học sinh cùng khoá người Thái Lan và một người bạn của du học sinh đó.
Tiền điện, nước, ga 5.000 yên
※ Đây là số tiền tính trên đầu người, sau khi đã chia 3
Học phí                        50.000 yên
Tiền ăn 20.000 yên
※ Trưa mang cơm hộp đi, tối đa phần tự nấu
Chi phí đi lại 20.000 yên
※ Tiền vé tàu điện đi học, đi giao lưu trà đạo.
Chi phí lặt vặt 5.000 yên
※ Tiền mua quần áo, v.v…

Khoản tiền chênh lệch (tiền để dành được): Trung bình mỗi tháng bị âm 30.000 yên

※ Phần tiền thiếu được cha mẹ và họ hàng trợ giúp
※ Trong kỳ nghỉ dài, đến ở nhà người thân (gia đình 3 thế hệ) ở tỉnh Gunma

Lễ trà đạo mùa Hè (2009)

Về nước, làm việc tại công ty Nhật

Sau khi học xong cao học, tôi về nước và vào làm tại một công ty lớn của Nhật tên là KUBOTA Việt Nam (chế tạo máy nông nghiệp). Công việc của tôi là biên dịch, phiên dịch và hành chính. Tuy nhiên, từ thành phố Hồ Chí Minh đến công ty ở tỉnh Bình Dương đi bằng xe buýt của công ty mất khoảng 3 tiếng đồng hồ cả đi lẫn về, nên sau khi về đến nhà, tôi chẳng còn thời gian cũng như sức lực để học nữa. Vì vậy, sau 6 tháng, tôi thôi việc. Sau đó, tôi làm cho một công ty lớn khác của Nhật tên là SECOM Việt Nam (dịch vụ an ninh) trong 3 năm rưỡi, công việc tương tự như ở chỗ trước. Ở đây có môi trường làm việc dễ chịu, đến năm thứ 4, khoản tiền lương về tay của tôi đã lên tới khoảng 900 USD. Ngoài ra, tôi còn làm gia sư tiếng Anh và tiếng Nhật, nên cũng khá dư dả tiền bạc và thường xuyên đi du lịch các nước trong khu vực. Đặc biệt là ở Thái Lan, tôi có bạn cùng du học ở đại học ngắn hạn nên tôi sang Thái Lan khá nhiều lần. Ngoài đi du lịch, tôi còn mua sắm rất nhiều quần áo hàng hiệu.

Giúp tổ chức lễ trà đạo ở thành phố Hồ Chí Minh (2018)

Tự kinh doanh để tìm động lực thực sự

Dù có đi du lịch nước ngoài hay mua sắm nhiều đồ đến mức nào tôi vẫn không có cảm giác thực sự thoả mãn. Đó là vì tôi không tìm được động lực thực sự trong công việc. Tháng 10/2019, tôi quyết tâm tự kinh doanh riêng. Từ đó, tôi vừa phiên dịch, biên dịch, vừa tham gia các sự kiện như tổ chức sự kiện giới thiệu sách xuất bản của người quen. Trước đó, tôi đã mở các lớp dạy kĩ năng cho trẻ em trước khi đi học như cách dùng dao, cách nấu ăn, tư thế ngồi, cách ăn uống, yoga, cách đi chợ mua đồ v.v… Tuy nhiên, chi phí tài liệu dạy học rất tốn kém nên hoạt động này bị lỗ.

Tháng 9/2018, tôi bắt đầu mảng làm vườn kiểu Nhật. Việc này xuất phát từ chỗ một nhân viên công ty dịch vụ làm vườn khi tách ra kinh doanh riêng đã đề xuất hợp tác vì biết tôi rành văn hoá Nhật. Gần đây, tôi tập hợp những người trong lĩnh vực làm vườn lại, tổ chức hội thảo về nghệ thuật làm vườn Nhật Bản. Khi họ nhận được đơn đặt hàng làm vườn Nhật thì tôi cũng tham gia giúp đỡ họ. Khi công ty của tôi nhận đơn đặt hàng dịch vụ làm vườn, đôi khi tôi lại phối hợp với chính các học viên này để hoàn thành công việc.

Hội thảo nghệ thuật làm vườn Nhật Bản tại TP. Hồ Chí Minh (Tháng 11/2019)

Giảng viên đại học - công việc hằng ao ước

Mùa Thu năm 2019, tôi trở thành giảng viên khoa tiếng Nhật tại Đại học Quốc tế Hồng Bàng ở thành phố Hồ Chí Minh. Tôi phụ trách mảng tiếng Nhật, văn học Nhật Bản và tác phong công sở Nhật Bản. Hiện nay, do ảnh hưởng của vi-rút corona chủng mới, tôi giảng dạy qua mạng. Với lòng biết ơn nước Nhật, tôi luôn nỗ lực hết sức khi giảng dạy tiếng Nhật cũng như văn hoá Nhật Bản cho sinh viên.

Tôi trở thành giảng viên đại học là nhờ Câu lạc bộ cựu sinh viên du học Nhật Bản thành phố Hồ Chí Minh (JUACH). JUACH thường giúp JASSO tổ chức Hội thảo du học Nhật Bản và tổ chức các sự kiện riêng của câu lạc bộ. Từ tháng 2/2016 đến tháng 9/2019, tôi làm Hội trưởng JUACH, thông qua các hoạt động, tôi mở rộng quan hệ, sau đó được giới thiệu làm giảng viên đại học.

Tại Đại học Quốc tế Hồng Bàng (Tháng 2/2020)
Hội thảo du học Nhật Bản của JASSO (Năm 2018 tại TP. Hồ Chí Minh)

Khi du học Nhật Bản, nếu lấy việc kiếm tiền làm mục đích chính thì sẽ không thể tiến xa hơn. Còn nếu cố gắng học hỏi thật nhiều thì sau này có thể áp dụng, phát huy lâu dài trong cuộc sống. Những ai dự định đi du học, hãy cố gắng xác định mục tiêu, mục đích sao cho sau khi du học xong, cuộc sống có thể trở nên phong phú hơn, các bạn nhé.

Lễ trà đạo ở Kyoto (Tháng 11/2020)