Cuộc sống - Visa | Tin mới nhất

7 vấn đề trong cuộc sống cần được hỗ trợ tư vấn nhiều nhất

Chào các bạn! Mình là nhân viên tổng đài người Việt Nam tại một công ty cung cấp dịch vụ điện thoại di động cho người nước ngoài, chuyên tư vấn hỗ trợ cuộc sống hàng ngày cho khách hàng. Các bạn nghĩ rằng những vấn đề nào mà người Việt Nam đang sinh sống tại Nhật cần được hỗ trợ nhiều nhất? Có rất nhiều cuộc gọi tư vấn đã gọi đến tổng đài như “Tôi đã nhận được khiếu nại về tiếng ồn”, “Tôi đột nhiên bị cắt điện”, “Tôi muốn đi khám nha khoa”, và “Tôi không biết cách đổ rác”. Trong số đó, mình sẽ nói về...

02/05/2024
  • Ví dụ về các gói SIM giá rẻ của Nhật: Hãy cùng lựa chọn điện thoại di động...

    18/03/2024
    Ở Nhật Bản, dịch vụ điện thoại di động được cung cấp dưới hình thức hợp đồng với mức cước nghe gọi・dữ liệu rất đắt đỏ. Bài viết lần này sẽ gửi tới các bạn sắp sửa sang Nhật cũng như những ai đang sinh sống tại Nhật mà có ý định đăng ký sử dụng dịch vụ lần đầu hay chuyển công ty điện thoại di động (công ty viễn thông = nhà cung cấp dịch vụ) cách lựa chọn dịch vụ nghe gọi・dữ liệu (SIM) một cách khôn ngoan để tiết kiệm chi phí. 〈Nội dung bài viết〉 1. Những trường hợp cần có hợp đồng nghe gọi・dữ liệu 2. Nhà mạng lớn có chất lượng dịch vụ tốt nhưng giá cao 3. SIM giá rẻ ở Nhật 4. SIM giá rẻ mà người nước ngoài có thể dễ dàng đăng ký tại Nhật 5. Một số ví dụ về các gói cước SIM giá rẻ 6. Nhược điểm của SIM giá rẻ và cách khắc phục 7. Tổng kết 1. Những trường hợp cần có hợp đồng nghe gọi・dữ liệu Ở Nhật, cước dịch vụ di động nghe gọi・dữ liệu hàng tháng rất đắt đỏ. Do đó, có nhiều bạn thực tập sinh kĩ năng chỉ chủ yếu sử dụng Wi-Fi ở ký túc xá của công ty (hoặc nhà riêng) và không hề dùng thẻ SIM cho đến tận khi về nước. Thế nhưng, nếu như bạn là du học sinh hoặc kỹ sư, thì sẽ có những lúc cần có số điện thoại của riêng mình để đi xin việc hoặc liên lạc với chỗ làm. Vì vậy, có thể cuộc sống của bạn sẽ trở nên bất tiện nếu không có số điện thoại (SIM). Ngoài ra, sở hữu số điện thoại (SIM liên lạc) cũng sẽ có ích trong những trường hợp cần gọi cho cảnh sát (110) hay cứu thương (119). Ở Việt Nam, SIM trả trước được sử dụng rất phổ biến, nhưng ở Nhật lại gần như không có hình thức này. Chính vì vậy, bạn cần phải kí hợp đồng với nhà mạng (công ty viễn thông) và trả cước dịch vụ nghe gọi・dữ liệu hàng tháng. Tùy theo nhà mạng cũng như nội dung hợp đồng (gói cước + lựa chọn thêm) mà mức phí hàng tháng này có thể rất khác nhau. 2. Nhà mạng lớn có chất lượng dịch vụ tốt nhưng giá cao 3 nhà mạng lớn 3 nhà mạng (công ty viễn thông) lớn ở Nhật Bản là docomo, au và Softbank, cung cấp dịch vụ dữ liệu tốc độ cao và chất lượng nghe gọi tốt. Các nhà mạng này cũng có nhiều cửa hàng cung cấp dịch vụ hỗ trợ. Khách hàng có thể sử dụng dịch vụ nghe gọi trong nước không giới hạn và dung lượng dữ liệu cao (không giới hạn) với mức giá cố định. Cước dịch vụ hàng tháng Tuy nhiên, đa số cước dịch vụ nghe gọi・dữ liệu hàng tháng sẽ rơi vào khoảng từ 5,000 đến 8,000 yên. Nếu cộng thêm cả tiền mua điện thoại di động vào thì con số này sẽ vô cùng đắt đỏ. Nếu bạn mua một chiếc điện thoại được nhiều người ưa thích như iPhone chẳng hạn, rồi kí hợp đồng dịch vụ nghe gọi・dữ liệu nữa thì nhiều khả năng số tiền bạn phải trả hàng tháng (gồm tiền cước nghe gọi・dữ liệu + trả góp điện thoại) sẽ vượt quá 10,000 yên. Phí hủy dịch vụ (phí hủy hợp đồng) Tính đến năm 2021, nếu bạn chuyển sang sử dụng nhà mạng khác thì sẽ phải mất khoảng 10,000 yên. Nếu hủy hợp đồng vào giữa thời hạn hợp đồng hai năm, thì phải trả khoảng 10.000 yên "phí vi phạm hợp đồng" và thêm 3,300 yên cho thủ tục chuyển nhượng. Tuy nhiên, hiện nay cả hai khoản phí này đều đã được loại bỏ. Nhưng nếu bạn vẫn đang trả góp tiền điện thoại thì bạn cần phải thanh toán nốt số tiền còn lại khi hủy hợp đồng với nhà mạng. 3. SIM giá rẻ ở Nhật Gần đây, số lượng người sử dụng SIM giá rẻ không phải của các nhà mạng lớn đang dần tăng lên. Nếu bạn muốn giữ cước phí nghe gọi・dữ liệu trên điện thoại di động của mình ở mức thấp, thì hãy thử cân nhắc đến “SIM giá rẻ” nhé. Để sử dụng được SIM giá rẻ thì cần phải có điện thoại chưa lắp SIM, nhưng bù lại lại có những gói cước với giá dưới 1.000 yên mỗi tháng. Ngoài ra còn có cả loại SIM giá rẻ mà bạn có thể đăng ký thông qua website. Nếu chọn ký hợp đồng tại cửa hàng, thì cũng nhiều nơi có nhân viên người Việt, tuy nhiên nếu có người từ đoàn thể, công ty, trường học hoặc bạn bè đi cùng vẫn sẽ an toàn hơn. Các gói cước và mức giá Gói cước có nghe gọi và gói cước chỉ dùng dữ liệu Đối với SIM giá rẻ, có hai loại gói cước chính là “gói cước có nghe gọi” và “gói cước chỉ dùng dữ liệu”. Điểm khác nhau của hai gói cước này chính là khả năng nghe gọi điện thoại. Với gói cước có nghe gọi thì bạn có thể thực hiện cuộc gọi từ số điện thoại có đầu số là 080 hoặc 090. Cước cuộc gọi Giá cước nghe gọi trung bình của gói cước nghe gọi là 22 yên cho 30 giây. Ngoài ra còn có các gói và lựa chọn khác như “cước cố định 5 phút” cho phép bạn thực hiện các cuộc gọi có thời lượng dưới 5 phút không giới hạn số lần, “cước cố định 10 phút”, hay gói “gọi không giới hạn'' cho phép thực hiện cuộc gọi không giới hạn. Tuy nhiên, nếu bạn gọi điện bằng SNS (chẳng hạn như LINE hoặc Messenger) thì sẽ không bị tính phí. Có cả các gói cước nghe gọi với giá dưới 1.000 yên Một số gói SIM giá rẻ có giá dưới 1.000 yên mỗi tháng. Bạn có thể chọn gói cơ bản hoặc các gói lựa chọn tùy thêm dựa trên nhu cầu sử dụng dữ liệu và thời gian nghe gọi của mình. Nếu bạn có thói quen kết nối Internet qua Wi-Fi ở nhà, ký túc xá, trường học, hoặc nơi làm thêm v.v. và không sử dụng Internet nhiều ở những nơi khác, thì có thể đăng ký gói cước có dung lượng dữ liệu thấp. Các giấy tờ cần thiết để ký hợp đồng ・ Giấy tờ chứng minh nhân thân (như thẻ lưu trú v.v.) ・ Trường hợp thanh toán tiền qua tài khoản ngân hàng → Sổ ngân hàng (hoặc thẻ ATM) và con dấu cá nhân ・ Trường hợp thanh toán bằng thẻ tín dụng→Thẻ tín dụng 4. SIM giá rẻ mà người nước ngoài có thể dễ dàng đăng ký tại Nhật GTN Mobile GTN Mobile – Đăng ký không cần tài khoản ngân hàng Nhật Bản hay thẻ tín dụng〈quảng cáo〉 Sau đây, chúng tôi sẽ giới thiệu đến các bạn hai loại SIM giá rẻ mà người nước ngoài có thể dễ dàng đăng ký. GTN Mobile chỉ cung cấp dịch vụ cho người nước ngoài và cũng là một trong những loại SIM rẻ nhất mà người nước ngoài có thể đăng ký tại Nhật Bản. Nó có các ưu điểm như sau: có thể ký hợp đồng ngay cả khi bạn không có tài khoản ngân hàng tại Nhật hoặc thẻ tín dụng, có thể thanh toán tại cửa hàng tiện lợi và có thể đăng ký bằng tiếng Việt. [iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] GTN Mobile Đặc điểm của GTN Mobile Ngay cả những người mới đến Nhật Bản và chưa có tài khoản ngân hàng ở Nhật hoặc thẻ tín dụng cũng có thể đăng ký. Có thể thanh toán tại cửa hàng tiện lợi hoặc bằng cách tự động trừ tiền từ tài khoản ngân hàng. Có thể sử dụng tiếng Việt (khi đăng ký hoặc liên hệ với nhà mạng). Có thể đăng ký SIM từ nước ngoài và nhận SIM tại sân bay ở Nhật. Có thể đăng ký thẻ tín dụng dành riêng cho người nước ngoài cùng lúc với thẻ SIM. Có thể nhận hỗ trợ, tư vấn miễn phí bằng tiếng Việt. 〈Ví dụ các gói cước có kèm nghe gọi〉 ・3GB:1,200 yên/tháng ・10GB:2,200 yên/tháng ※ Tất cả các cuộc gọi trong nước là 22 yên/ 30 giây (cũng có cả gói cước gọi không giới hạn) ※ Tất cả giá đã bao gồm thuế SIM VÀNG mà người Việt ưa thích Hợp đồng SIM VÀNG yêu cầu phải có thẻ tín dụng được phát hành tại Nhật Bản, nhưng bạn cũng có thể thảo luận về các phương thức thanh toán khác. [iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] SIM VANG 〈Ví dụ các gói cước có kèm nghe gọi〉 ・1GB:1,628 yên/tháng ・3GB:2,398 yên/tháng ・5GB:2,882 yên/tháng ※ Tất cả các cuộc gọi trong nước là 22 yên/ 30 giây (lựa chọn thêm: gói cước cố định 5 phút, cước cố định 10 phút, cước cố định 15 phút) ※ Tất cả giá đã bao gồm thuế 5. Một số ví dụ về các gói cước SIM giá rẻ Ở Nhật còn rất nhiều loại SIM giá rẻ khác. Nếu tìm kiếm bằng những từ khóa như "SIM giá rẻ", "so sánh", bạn sẽ thấy rất nhiều bài viết so sánh dịch vụ, giá cả của các nhà mạng khác nhau. Tuy nhiên, nếu bạn không có thẻ tín dụng được phát hành tại Nhật Bản thì có thể sẽ khó đăng ký hơn. Chúng tôi sẽ giới thiệu tới các bạn một số gói SIM giá rẻ của các nhà mạng khác nhau. ※ Có lẽ nhiều người nước ngoài muốn có điện thoại chỉ để liên lạc với nơi làm việc của họ, vì vậy chúng tôi chỉ giới thiệu tới các bạn những gói cước nghe gọi. ※ Bài viết này giả định rằng bạn sẽ kết nối Internet chủ yếu ở nhà, quán cà phê, cửa hàng tiện lợi, v.v. và sẽ giảm thiểu các hoạt động liên lạc dữ liệu khác. ※ Tất cả giá đã bao gồm thuế. ※ Tất cả "cuộc gọi thoại" là cuộc gọi được thực hiện trong phạm vi Nhật Bản (các cuộc gọi quốc tế sẽ được tính phí riêng). ◆ Giá cước một số loại SIM giá rẻ phổ biến tại Nhật (tính đến thời điểm hiện tại là tháng 3 năm 2024) LINEMO ・ 3GB:990 yên/tháng・ 20GB:2,728 yên/tháng・ LINE có gói Giga free (dùng không giới hạn)・ Gói cước có nghe gọi là 22 yên/30 giây(Lựa chọn thêm:5 phút với mức giá cố định, nghe gọi không giới hạn) IIJmio (aiaijeimio) ・ 2GB:850 yên/tháng・ 5GB:990 yên/tháng・ 10GB:1,500 yên/tháng・ Gói cước có nghe gọi là 11 yên/30 giây(Lựa chọn thêm:5 phút với mức giá cố định, 10 phút với mức giá cố định, nghe gọi không giới hạn) mineo (maineo) ・ 1GB:1,298 yên/tháng・ 5GB:1,518 yên/tháng・ 10GB:1,958 yên/tháng・ Gói cước có nghe gọi là 22 yên/30 giây(Lựa chọn thêm:10 phút với mức giá cố định, nghe gọi không giới hạn) BIGLOBE Mobile ・ 1GB:1,078 yên/tháng・ 3GB:1,320 yên/tháng・ 6GB:1,870 yên/tháng・ Gói cước có nghe gọi là 22 yên/30 giây(Nếu dùng ứng dụng thì là 9.9 yên/30 giây) Rakuten mobile ・ 3GB:1,078 yên/tháng・ 20GB:2,178 yên/tháng・ Gói cước có nghe gọi là 22 yên/30 giây(Lựa chọn thêm:15 phút với mức giá cố định)(Nếu dùng ứng dụng thì miễn phí) UQmobile 〈Gói cước Mini mini〉・ 4GB:2,365 yên/tháng・ Gói cước có nghe gọi là 22 yên/30 giây (Lựa chọn thêm:10 phút với mức giá cố định, nghe gọi không giới hạn)〈Gói cước Komi komi〉・ 20GB:3,278 yên/tháng・ Miễn phí cho các cuộc gọi dưới 10 phút, không giới hạn số lần(Nếu vượt quá 10 phút thì cước phí là 22 yên/30 giây đối với thời gian vượt quá giới hạn)(Lựa chọn thêm:Nghe gọi không giới hạn) Y!mobile (waimobile) ・ 4GB:2,365 yên/tháng・ Gói cước có nghe gọi là 22 yên/30 giây(Lựa chọn thêm:10 phút với mức gia cố định, nghe gọi không giới hạn) 6. Nhược điểm của SIM giá rẻ và cách khắc phục Chúng tôi sẽ giới thiệu tới các bạn những nhược điểm của SIM giá rẻ và các cách khắc phục. ① Tốc độ truy cập dữ liệu không ổn định Nhược điểm của SIM giá rẻ là tốc độ truy cập dữ liệu. Các hãng SIM giá rẻ chỉ thuê lại một phần đường truyền của 3 nhà mạng lớn nên trong những khoảng thời gian có nhiều người cùng sử dụng thì tốc độ truy cập dữ liệu thường bị chậm đi. 〈Cách khắc phục〉 ・ Nếu kết nối với Wi-Fi ở nhà, quán cafe hoặc cửa hàng tiện lợi thì sẽ giải quyết được vấn đề tốc độ truy cập dữ liệu. ・ Nên duy trì kết nối Internet ở mức tối thiểu trong các nhà hàng đông đúc hay trên các chuyến tàu vào giờ cao điểm đi lại. ② Hầu như đều thanh toán bằng thẻ tín dụng Thanh toán cước phí hàng tháng của SIM giá rẻ chủ yếu được thực hiện bằng thẻ tín dụng, nhưng cũng có những loại SIM giá rẻ cho phép bạn thanh toán tại cửa hàng tiện lợi hoặc tự động trừ tiền từ tài khoản ngân hàng. [iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] GTN Mobile, không cần thẻ tín dụng ③ Nhà mạng giá rẻ bán ít mẫu điện thoại hơn Nếu mua điện thoại khi ký hợp đồng với các nhà mạng SIM giá rẻ, bạn sẽ thấy có ít mẫu điện thoại có thể lựa chọn hơn so với 3 nhà mạng lớn. 〈Cách khắc phục〉 Gần đây có một số loại điện thoại không có sẵn SIM và có thể sử dụng bằng cách lắp thẻ SIM khác vào, vì vậy bạn có thể mua những chiếc như vậy từ Việt Nam sang, hoặc mua một chiếc đã qua sử dụng ở Nhật Bản. Tuy nhiên, tùy loại SIM mà có thể xảy ra trường hợp không tương thích với máy, thế nên khi kí hợp đồng thì hãy kiểm tra xem máy có nhận SIM không nhé. ④ Hỗ trợ 3 nhà mạng lớn có rất nhiều cửa hàng cung cấp dịch vụ hỗ trợ, nhưng nhiều nhà mạng SIM giá rẻ lại thường chỉ hỗ trợ thông qua hình thức chat. 7. Tổng kết Bạn sẽ không thể sử dụng điện thoại di động ở Nhật Bản trừ khi ký hợp đồng với nhà mạng và trả cước hàng tháng. Ba nhà mạng lớn của Nhật Bản cung cấp tốc độ truy cập dữ liệu và chất lượng cuộc gọi tuyệt vời nhưng chúng có giá từ 5.000 đến 8.000 yên mỗi tháng. Tuy nhiên, ở Nhật Bản có rất nhiều loại SIM giá rẻ, và một số gói cước có giá dưới 1.000 yên mỗi tháng. Các cuộc gọi trong nước thường có giá 22 yên/30 giây và có các sự lựa chọn thêm như ''Gọi với mức cước cố định'' cho phép bạn thực hiện bao nhiêu cuộc gọi tùy thích trong vòng 5 phút (hoặc 10, 15 phút) và ''Gọi không giới hạn'' cho phép thực hiện cuộc gọi không giới hạn. Ngoài ra còn có gói "cuộc gọi không giới hạn". Nhược điểm của SIM giá rẻ là khả năng liên lạc có thể không ổn định, nhưng điều này có thể được khắc phục bằng cách sử dụng Wi-Fi của cửa hàng, hoặc hạn chế sử dụng ở khu vực đông người. Ngoài ra, trong khi nhiều nơi yêu cầu phải có thẻ tín dụng phát hành tại Nhật Bản để ký hợp đồng thì cũng có những loại SIM giá rẻ cho phép bạn ký hợp đồng mà không cần có tài khoản ngân hàng hay thẻ tín dụng Nhật Bản.
  • Làm thế nào để vào nhà trẻ ở Nhật Bản

    13/03/2024
    Sau khi đi du học tốt nghiệp ra trường, mình quyết định ở lại Nhật làm việc từ đó đến giờ thấm thoắt đã hơn 13 năm. Năm 2012, mình kết hôn và sinh được 2 bé. Bé lớn nhà mình đi nhà trẻ (hoikuen) được 4 năm và hiện giờ đã chuyển sang học mẫu giáo (yochien). Bé nhỏ mới được hơn 1 tuổi đang chuẩn bị đi nhà trẻ. Mọi người thường nói với nhau rằng rất khó để giành được một suất vào nhà trẻ ở Nhật Bản. Trong bài viết này, thông qua kinh nghiệm của bản thân, mình sẽ chia sẻ với các bạn một số bí quyết về cách chuẩn bị và nộp đơn nhập học vào nhà trẻ của Nhật Bản. Mình hy vọng bài viết này sẽ giúp ích cho các mẹ bỉm sữa có con ở giai đoạn sắp đi nhà trẻ như mình nhé. (Bài viết được viết vào năm 2022. Sau đó, thông tin về các chế độ đã được cập nhật.) 〈Nội dung〉 1. 5 điểm khác nhau giữa nhà trẻ ở Nhật Bản và Việt Nam ・ Khác biệt 1: Tiêu chuẩn nhập học (hệ thống điểm) ・ Khác biệt 2: Nơi nộp hồ sơ ・ Khác biệt 3: Thời gian nhập học và nộp đơn ・ Khác biệt 4: Phí giữ trẻ ・ Khác biệt 5: Phân chia lớp 2. Sự khác biệt giữa nhà trẻ và mẫu giáo 3. Cách chọn nhà trẻ của mình 4. Tuân thủ nghiêm ngặt thời hạn nộp hồ sơ! 5. Tham quan nhà trẻ sớm 6. Chuẩn bị hồ sơ đăng ký 7. Bí quyết là biết số điểm mình có 8. Lời kết ◆Nội dung◆ 1. 5 điểm khác nhau giữa nhà trẻ ở Nhật Bản và Việt Nam ・ Khác biệt 1: Tiêu chuẩn nhập học (hệ thống điểm) ・ Khác biệt 2: Nơi nộp hồ sơ ・ Khác biệt 3: Thời gian nhập học và nộp đơn ・ Khác biệt 4: Phí giữ trẻ ・ Khác biệt 5: Phân chia lớp 2. Sự khác biệt giữa nhà trẻ và mẫu giáo 3. Cách chọn nhà trẻ của mình 4. Tuân thủ nghiêm ngặt thời hạn nộp hồ sơ! 5. Tham quan nhà trẻ sớm 6. Chuẩn bị hồ sơ đăng ký 7. Bí quyết là biết số điểm mình có 8. Lời kết 1. 5 điểm khác nhau giữa nhà trẻ ở Nhật Bản và Việt Nam Nhà trẻ ở Nhật Bản Trước tiên, mình sẽ giải thích một cách đơn giản và dễ hiểu nhất về sự khác nhau giữa nhà trẻ ở Nhật Bản và Việt Nam. ◆ Nhà trẻ/ Mẫu giáo ở Việt Nam Các trường mẫu giáo và nhà trẻ ở Việt Nam bao gồm các cơ sở như dưới đây. Và nhà trẻ cũng được phân ra thành trường công lập và trường tư thục. Nhà trẻ Nhà trẻ sẽ đón nhận các bé trong độ tuổi từ 0 tuổi đến 3 tuổi Mẫu giáo Mẫu giáo sẽ đón nhận các bé vào học ở độ tuổi từ 3 tuổi cho đến trước tuổi vào tiểu học Cơ sở giống như trường giữ trẻ ở Nhật:Mầm non Cơ sở có đặc điểm của cả nhà trẻ và mẫu giáo ◆ Nhà trẻ ở Nhật Bản Nhà trẻ ngoài chứng nhận cũng có thể đáp ứng nhiều nhu cầu khác nhau Ở Nhật cũng có nhà trẻ công lập và tư thục, nhưng chủ yếu người ta phân chia nhà trẻ theo nhà trẻ được chứng nhận và nhà trẻ ngoài chứng nhận. Nhà trẻ được chứng nhận là cơ sở giữ trẻ đáp ứng các tiêu chuẩn do chính phủ đặt ra (về quy mô cơ sở, số lượng nhân viên chăm sóc trẻ, có hay không có phòng ăn ở trường, v.v.) và được tỉnh trưởng phê chuẩn. Các nhà trẻ ngoài chứng nhận cũng đáp ứng được các nhu cầu cần thiết của phụ huynh, nhưng phí giữ trẻ thường cao hơn so với các nhà trẻ được chứng nhận. ◆ Sự khác nhau giữa nhà trẻ ở Nhật Bản và Việt Nam Sự khác nhau giữa nhà trẻ ở Nhật Bản và Việt Nam bao gồm 5 đặc điểm lớn như dưới đây: ① Tiêu chuẩn nhập học (hệ thống điểm) ② Nơi nộp hồ sơ ③ Thời gian nhập học và nộp đơn ④ Phí giữ trẻ ⑤ Phân chia lớp Khác biệt 1: Tiêu chuẩn nhập học (hệ thống điểm) Nhà trẻ ở Nhật Bản Điểm khác biệt lớn nhất giữa nhà trẻ ở Nhật Bản và Việt Nam là tiêu chuẩn nhập học (điều kiện xét tuyển). Các trường mẫu giáo công lập tại Việt Nam tiếp nhận con em theo tuyến tức là cứ là cư dân ở địa phương là có quyền nộp đơn. Tuy nhiên, để đăng ký vào nhà trẻ được chứng nhận ở Nhật Bản thì bố mẹ (người giám hộ) phải có lí do chính đáng cho việc không thể chăm sóc con cái của mình như là do công việc, bệnh tật, hay phải chăm sóc bố mẹ bị bệnh hiểm nghèo, v.v. thì mới có thể nộp đơn xin nhập học. Mỗi một khu vực có các tiêu chí xét tuyển do chính phủ thiết lập cho từng vùng và hoàn cảnh của người nộp đơn dựa trên tính thiết yếu của việc gửi sẽ được số hóa theo chỉ số xét tuyển. Các chỉ số xét tuyển được gọi là “điểm”. Nói một cách đơn giản là điểm càng cao thì nhu cầu gửi trẻ đi nhà trẻ càng tăng và ưu tiên được trúng tuyển càng cao. Dưới đây là một vài ví dụ về các yếu tố quyết định điểm số: ・ Số ngày và số giờ làm việc của bố mẹ ・ Ông bà có sống ở gần hay không? ・ Thu nhập của gia đình (thu nhập tính theo hộ gia đình) ・ Hộ gia đình có bố hoặc mẹ đơn thân hoặc hộ gia đình mà bố hoặc mẹ đi làm xa nhà ・ Có anh chị em cũng đang học tại nhà trẻ đó Khác biệt 2: Nơi nộp hồ sơ Nơi nộp hồ sơ nhập học cũng có sự khác biệt lớn. Để vào nhà trẻ ở Việt Nam, dù là nhà trẻ công lập hay tư thục, bố mẹ đều phải trực tiếp nộp hồ sơ đăng ký tại trường và sau khi có giấy báo trúng tuyển nhập học thì trẻ sẽ được vào học. Nhưng ở Nhật thì lại khác, để vào nhà trẻ được chứng nhận thì bố mẹ phải thông qua ủy ban quận để nộp đơn đăng ký. Tuy nhiên, trong trường hợp bạn muốn đăng ký cho con mình học tại nhà trẻ ngoài chứng nhận thì bạn có thể nộp đơn xin nhập học trực tiếp tại trường. ・ Ở Việt Nam, vì bố mẹ sẽ nộp đơn trực tiếp vào nhà trẻ nên khi còn chỗ trống (chỉ tiêu tuyển sinh) thì bé có thể vào học. ・ Đối với các nhà trẻ được chứng nhận ở Nhật Bản, ủy ban quận sẽ quyết định bé có thể được nhập học hay không dựa vào hệ thống điểm số nên bố mẹ không thể tự do quyết định nộp đơn đăng ký vào nhà trẻ cụ thể nào. Khác biệt 3: Thời gian nhập học và nộp đơn Kết quả xét tuyển sẽ được công bố vào tháng 1 đến tháng 2. Trong trường hợp không trúng tuyển, bố mẹ có thể nộp đơn cho bé vào đợt tuyển sinh lần 2. Điểm khác biệt thứ ba là thời điểm nhập học. Ở Việt Nam, trẻ em sẽ đi nhà trẻ vào tháng 8 hàng năm, nhưng ở Nhật Bản, thời gian vào nhà trẻ của các bé lại là tháng 4 hàng năm. Ở Nhật Bản, thời hạn nộp hồ sơ để vào nhà trẻ là 5 đến 6 tháng trước khi trẻ nhập học nên bố mẹ cần chuẩn bị sớm các giấy tờ cần thiết. Về cách thức nộp đơn, có một số ủy ban quận nhận đơn trực tiếp, nhưng cũng có những nơi chỉ chấp nhận hồ sơ được gửi qua đường bưu điện. Hạn nộp hồ sơ đăng ký rất quan trọng khi bạn muốn cho trẻ vào nhà trẻ ở Nhật Bản, vì vậy bố mẹ cũng phải cẩn thận để ý thời hạn này nhé! ◆Quy trình từ nộp đơn đăng ký đến khi nhập học nhà trẻ (ví dụ) ・ Nộp hồ sơ tại ủy ban quận: Tháng 10 đến tháng 12 năm trước ・ Xét tuyển: Tháng 1 đến tháng 2 ・ Thông báo kết quả xét tuyển: Tháng 1 đến tháng 2 ・ Phỏng vấn / Kiểm tra sức khỏe: Tháng 2 đến tháng 3 ・ Nhập học: tháng 4 Khác biệt 4: Phí giữ trẻ Phí giữ trẻ tại các nhà trẻ công lập ở Việt Nam là chi phí cố định giống nhau bất kể hoàn cảnh gia đình như thế nào, nhưng mức phí ở các nhà trẻ tư thục là hoàn toàn khác nhau tùy thuộc vào từng trường. Ở Nhật Bản, phí giữ trẻ cho bé từ 0 tuổi đến 2 tuổi đi nhà trẻ được chứng nhận sẽ thay đổi tùy thuộc vào thu nhập của hộ gia đình. Với trẻ em từ 3 đến 5 tuổi ở các nhà trẻ được chứng nhận là miễn phí hoàn toàn. Còn trẻ từ 3 đến 5 tuổi đi học tại các nhà trẻ ngoài chứng nhận thì sẽ được nhận khoản hỗ trợ không hoàn lại tối đa là 37.000 yên mỗi tháng. Khác biệt 5: Phân chia lớp Con trai lớn của mình bắt đầu học từ lớp 1 tuổi (ảnh lúc con 2 tuổi) Trong trường hợp các nhà trẻ công lập ở Việt Nam, các lớp học được xác định theo năm sinh (tháng 1 đến tháng 12), nhưng ở Nhật Bản thì hơi khác một chút. Niên khóa của các trường học, mẫu giáo và nhà trẻ Nhật Bản bắt đầu từ tháng 4 và kết thúc vào tháng 3 năm sau đó. Vì lý do này, các lớp được phân chia theo niên khóa tính theo mốc tháng 4 hàng năm. Cụ thể, các lớp học và năm học được phân chia theo độ tuổi của bé tính ở thời điểm ngày 1 tháng 4 hàng năm, và cứ vào tháng 4 các em sẽ được lên lớp. Tròn tuổi tính mốc ngày 1 tháng 4 Lớp trực thuộc 5 tuổi Lớp Nencho(trẻ 5 tuổi) 4 tuổi Lớp Nenchu(trẻ 4 tuổi) 3 tuổi Lớp Nensho(trẻ 3 tuổi) 2 tuổi Lớp trẻ 2 tuổi 1 tuổi Lớp trẻ 1 tuổi 0 tuổi Lớp trẻ 0 tuổi Tròn tuổi tính mốc ngày 1 tháng 4 Lớp trực thuộc 5 tuổi Lớp Nencho (trẻ 5 tuổi) 4 tuổi Lớp Nenchu (trẻ 4 tuổi) 3 tuổi Lớp Nensho (trẻ 3 tuổi) 2 tuổi Lớp trẻ 2 tuổi 1 tuổi Lớp trẻ 1 tuổi 0 tuổi Lớp trẻ 0 tuổi 2. Sự khác biệt giữa nhà trẻ và mẫu giáo Chỉ có nhà trẻ mới có thể nhận giữ trẻ dưới 3 tuổi Có rất nhiều điểm khác nhau giữa trường mẫu giáo và nhà trẻ ở Nhật Bản. Mình sẽ tóm tắt thông tin ở bảng bên dưới như sau: Nhóm tuổi đối tượng Các bé từ 0 đến 6 tuổi (trước tuổi đi học tiểu học) có thể đi nhà trẻ, nhưng chỉ có các bé từ 3 tuổi trở lên mới được đi học ở trường mẫu giáo. Các kỳ nghỉ dài Các trường mẫu giáo ở Nhật có nghỉ hè, nghỉ đông và nghỉ xuân nữa. Trong thời gian đó trường không nhận giữ trẻ, nhưng nhà trẻ thì nhận giữ trẻ quanh năm. Thời gian giữ trẻ Trường mẫu giáo hầu hết nhận giữ trẻ từ 9 giờ đến 14 giờ, nếu thời gian có kéo dài thì cũng chỉ là từ 8 giờ đến 17 giờ. Nhưng ở nhà trẻ, đa phần các trường nhận giữ bé từ 7 giờ đến 19 giờ. Vì cả hai vợ chồng mình đều phải đi làm, ông bà cả hai bên đều không ở gần, vì vậy bọn mình không còn cách nào khác là gửi con trai lớn vào nhà trẻ. Tuy nhiên năm ngoái do mình mang thai và nghỉ sinh bé thứ hai, đồng thời chuyển nhà nên hiện mình gửi con trai lớn ở trường mẫu giáo. 3. Cách chọn nhà trẻ của mình Con trai lớn (khi bé 1 tuổi) Mình thực sự bắt đầu công việc chuẩn bị hồ sơ để nộp đăng ký đi nhà trẻ cho con trai đầu (sinh năm 2016) là vào mùa hè năm 2017. Trong tiết trời nóng như đổ lửa, mình vẫn nhớ như in cảm giác vừa bế con vừa đi đến uỷ ban quận rồi tham quan nhà trẻ để lo đầy đủ tất cả các giấy tờ cần thiết. Khi lựa chọn nhà trẻ cho bé, mình đặc biệt chú trọng 4 điểm sau đây: ① Nhà trẻ được chứng nhận (Mình nghĩ sẽ an toàn hơn nếu trường đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc gia) ② Vị trí gần nhà (Vì công ty xa nhà nên mình muốn thời gian đưa đón bé càng ngắn càng tốt) ③ Giáo viên tốt nhiệt tình, đặc biệt chú trọng việc có nhiều thầy cô có kinh nghiệm lâu năm với trẻ nhỏ. ④ Có sân vườn với diện tích vừa đủ (để trẻ thoải mái vận động) Để xác định gần nhà mình có các nhà trẻ như thế nào cách đơn giản nhất là tải bản đồ nhà trẻ từ trên trang chủ của uỷ ban quận các bạn nhé. Đồng thời mình tải luôn danh sách ghi số lượng tuyển sinh của các trường để khoanh vùng tìm nhà trẻ phù hợp. Sau khi đọc cẩn thận và kiểm tra kỹ lưỡng các thông tin, mình đã chọn ra được 7 trường đáp ứng nhu cầu của mình và lên lịch trình tham quan. 4. Tuân thủ nghiêm ngặt thời hạn nộp hồ sơ! Trước hết, hãy tập hợp thông tin ở uỷ ban quận và trên trang chủ! Để vào nhà trẻ ở Nhật ai cũng nói là không dễ dàng chút nào. Thế nên trong đơn đăng ký, bạn hãy viết tất cả tên các nhà trẻ mà bạn nghĩ có thể gửi bé vào được theo thứ tự nguyện vọng từ cao xuống thấp nhé. Tuy vậy vì tỷ lệ cạnh tranh cao nên thường thì khả năng được chọn của nguyện vọng một là thấp và thậm chí việc bạn không trúng nguyện vọng nào cũng không có gì là lạ cả. Vậy nên cách tốt nhất là ta phải chuẩn bị kỹ lưỡng để tránh sai sót và tăng khả năng đỗ cho bé nhé. Đầu tiên, mình đã đến uỷ ban quận hỏi nhân viên tư vấn tuyển sinh nhà trẻ thời hạn nộp hồ sơ và các lưu ý và nhận đơn đăng ký. Bạn cũng có thể kiểm tra thời hạn đăng ký trên trang web hoặc qua điện thoại nhé. Mình đã thất bại trong lần “ra quân đầu tiên”...! Con trai đầu của mình sinh cuối năm 2016 (sau tháng 4 là lúc niên học bên Nhật bắt đầu). Vậy nên mình đã nộp hồ sơ xét tuyển vào tháng 11 năm 2016 để bé có thể đi nhà trẻ vào tháng 4 năm 2017, nhưng đáng tiếc là bé không được chọn. Năm 2017, một lần nữa mình nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển giữa kỳ nhưng lại không đỗ cũng cùng lý do là không còn chỉ tiêu trống cho bé. Vào tháng 11 năm 2017 mình đã nộp hồ sơ lần 3 và cuối cùng cũng đỗ nên con trai lớn của mình bắt đầu đi nhà trẻ từ tháng 4 năm 2018. Mình không có ấn tượng là xin vào nhà trẻ ở Việt Nam khó nên khi trượt hết lần này đến lần khác ở bên này thì mình đã rất bất ngờ. Xin nhà trẻ Nhật mệt thật chứ đùa đâu! Các bố mẹ cũng cần chú ý tuân thủ nghiêm ngặt thời hạn nộp đơn nhé. Một người bạn Việt Nam của mình đã gặp phải tình cảnh dở khóc dở cười là tuy chỉ nộp hồ sơ muộn có một ngày thôi nhưng đã không được ủy ban quận chấp nhận. Ngay cả khi bé nhà bạn đủ điều kiện nhập học thì cũng sẽ không thể đỗ nếu bạn trễ thời hạn, vì vậy các bố mẹ hãy cẩn thận điểm này nhé! 5. Tham quan nhà trẻ sớm Hãy đến tham quan nhà trẻ trước khi nộp đơn nhé. Nhà trẻ là nơi đầu tiên bé sinh hoạt cộng đồng và là nơi các bạn nhỏ trải qua tương đối thời gian trong 5 năm đầu đời nên mình thực sự rất lưu ý vấn đề này. Thêm một điều nữa là trong đơn đăng ký có cột điền tên nhà trẻ từ nguyện vọng 1 đến nguyện vọng 5 nên mình quyết định dành thời gian tham quan nhà trẻ cũng là để xác định thứ tự trên dưới này cho dễ nữa. Mình đã gọi điện đến từng nhà trẻ và đặt lịch hẹn, sau đó đến thăm 7 nhà trẻ trong chỉ 2 tuần. Khi đến nơi và trực tiếp tham quan các nhà trẻ, mình phát hiện ra rất nhiều điều mà mình không thể biết được nếu chỉ đọc thông tin trên bản đồ hay trang web của nhà trẻ. Ví dụ, có nhà trẻ mặc dù nhìn trên bản đồ thì thấy rất gần nhưng thực tế khi đi thử đến đó thì đoạn đường lại có rất nhiều dốc và phải dừng nhiều vì đèn tín hiệu giao thông nên rốt cuộc có thể lại tốn rất nhiều thời gian cho việc đưa đón con. Ngoài ra, có nhà trẻ mặc dù ban đầu mình không thích lắm vì có vẻ xa nhà nhưng khi đến tận nơi thì mới biết là trường mới và các giáo viên rất tận tình và tất nhiên, ngược lại cũng có nơi gần nhà nhưng cơ sở thiết bị đã cũ lại không có sân vườn nữa. Có rất nhiều điểm mà chỉ sau khi tham quan thực tế bạn mới có thể nhận ra Ngoài ra còn là vấn đề về sở thích nữa. Ví dụ đơn giản là mình thì mình nghĩ là một nhà trẻ có nhiều cây xanh thì tốt quá rồi, nhưng có một cô bạn người Nhật của mình lại chia sẻ rằng: “Nhà trẻ mà có nhiều cây xanh bao quá thì chắc sẽ có nhiều muỗi và côn trùng lắm nên mình không thích lắm đâu!”. Đó là lý do tại sao tốt nhất bạn nên xác định rõ tiêu chuẩn của riêng mình và trực tiếp tham quan trường để xác nhận trước khi ghi nguyện vọng chứ không nên cứ nghe bảo tốt là xin vào. Bạn bận thì không còn cách nào chứ nếu có đôi chút thời gian thì mình khuyên các bạn hãy đến tham quan trường vì thực sự rất hữu ích đó. 6. Chuẩn bị hồ sơ đăng ký Các hồ sơ đăng ký xét tuyển có thể hơi khác nhau tùy thuộc vào khu vực bạn sinh sống, nhưng nếu bạn sống ở quận Arakawa-ku, Tokyo thì các tài liệu sau đây là bắt buộc. ① Đơn đăng ký nhập học ② Đơn xin hỗ trợ (trợ cấp) ③ Giấy xác nhận các mục quan trọng / Giấy đồng ý ④ Giấy thông báo về tình trạng sức khoẻ của trẻ ⑤ Giấy chứng nhận việc làm * Của cả hai vợ chồng ⑥ Giấy xác nhận tổng thu nhập và số thuế phải đóng của năm gần đây nhất * Của cả hai vợ chồng Mình đã xin giấy ở mục ⑤ từ công ty qua bưu điện và mục ⑥ trực tiếp tại uỷ ban quận. 7. Bí quyết là biết số điểm mình có Kiểm tra các tiêu chí xét tuyển trên trang chủ của uỷ ban quận Ở Nhật Bản, quá trình chuẩn bị cho một đứa trẻ đi học mẫu giáo được gọi là “hoạt động tìm nhà trẻ” (tiếng Nhật đọc là “hokatsu”). Bí quyết hokatsu của mình là phải biết điểm số (chỉ số dùng để xét vào trường) của mình đang có là bao nhiêu. Mình đã tính số điểm mình theo các bước như sau: ◆ Cách kiểm tra điểm số ・ Mình đã kiểm tra các tiêu chí xét tuyển trên trang chủ của uỷ ban quận và tự thử tính điểm cho mình. Tuy nhiên có một vài điểm mình đọc mà vẫn không hiều nên mình đã gọi điện hỏi nhân viên phụ trách tuyển sinh ở uỷ ban quận. Các chuyên viên rất nhiệt tình giúp mình giải đáp mọi thắc mắc nên mình đã xác định tương đối chính xác số điểm của mình trước khi nộp hồ sơ. ・ Thêm nữa là khi đến tham quan thực tế các nhà trẻ, mình đã “khéo” hỏi mức điểm chuẩn để đỗ để xác định xem bé nhà mình có thể vào nhà trẻ với số điểm của mình đang có hay không. Dựa vào đấy để mình cân nhắc khi ghi thứ tự nguyện vọng. Tuy nhiên, một số nhà trẻ có thể không tiết lộ thông tin này nên mình có thu thập thông tin từ các mẹ bỉm trong cùng khu mình sống để có căn cứ phán đoán thêm đấy. ◆ Cách viết đơn đăng ký Trong đơn đăng ký chỉ có 5 dòng để ghi nguyện vọng, nhưng mình đã mạnh dạn viết tên của tất cả các nhà trẻ mà mình mong bé có thể vào được. Thêm vào đó, mình đã viết thêm mong muốn của mình vào rìa đơn đăng ký với nội dung là: “Mong quận xem xét vì đây là cơ hội cuối cùng để tôi có thể quay trở lại làm việc. Bất kỳ trường mẫu giáo nào trong số 7 nguyện vọng của tôi ghi ở trên nếu được chọn tôi cũng xin chấp nhận hết”. Thay vì chỉ đơn giản là yêu cầu giúp đỡ “Hãy cho con tôi vào học” thì sẽ hữu ích hơn nếu bạn viết ra các nội dung một cách cụ thể, chẳng hạn như “Tôi không thể kéo dài thời gian nghỉ chăm sóc bé” hoặc “Ông bà bị bệnh nên tôi không có ai để nhờ trông con hộ được”. Thật may mắn là sau nhiều lần đăng kí không được thì cuối cùng con trai lớn của mình đã vào được trường mẫu giáo mà là nguyện vọng một luôn các bạn ạ. 8. Lời kết Mình và con trai đầu Trong bài viết này, mình đã giới thiệu đến các bạn về một số điểm khác biệt giữa nhà trẻ ở Nhật Bản và Việt Nam, khác biệt giữa nhà trẻ và trường mẫu giáo của Nhật và những bước chuẩn bị căn bản để đăng kí vào nhà trẻ Nhật dựa trên kinh nghiệm của mình. Có thể là nửa đùa nửa thật thôi nhưng người Nhật có câu nói ví von là “để đỗ vào nhà trẻ ở Nhật Bản khó ngang như thi đại học” các bạn ạ. Cũng chính vì vào nhà trẻ khó nên bản thân mình từng chứng kiến nhiều gia đình bạn bè thậm chí đã phải chuyển nhà chỉ để được trúng nhà trẻ. Hơn nữa, đối với những người nước ngoài như tụi mình lại có thêm rào cản về ngôn ngữ nữa nên việc chọn và đỗ vào nhà trẻ lại càng vất vả hơn nhiều lần. Vì vậy mình viết bài này với mong muốn sẽ giúp ích phần nào cho các phụ huynh dễ dàng hơn trong quá trình tìm hiểu về việc vào nhà trẻ ở Nhật, làm sao để mình chuẩn bị cho hành trang đầu đời của bé thật suôn sẻ nhé. Việc nuôi dạy con cái rồi tìm nhà trẻ ở Nhật quả thật không đơn giản, nhưng mình mong các bạn hãy vững tin. Nghĩ một cách tích cực đi thì mọi vất vả sau này nhìn lại có khi lại thành chuyện vui để kể cũng nên. Vậy ngại gì đâu, chúng ta hãy cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm để cùng đạt mục tiêu nhé! Tác giả Nguyễn Thùy Nhung Sinh năm 1986 tại Hà Nội. Năm 2004-2009: Khoa Đông phương học, Đại học Quốc gia Hà Nội (Du học 1 năm tại Đại học Tokyo). Năm 2009-2011: Du học tại Khoa Du lịch, Đại học Rikkyo bằng học bổng của Bộ Giáo dục Nhật Bản. Năm 2011: Làm việc tại công ty sản xuất máy móc công nghiệp của Nhật Bản. Kết hôn năm 2012, sinh con trai lớn năm 2016, sinh con trai thứ hai năm 2021. Vừa đi làm vừa chăm con.
  • ★ Thông tin cơ bản = Hệ thống hỗ trợ, phụ cấp và trợ cấp cho việc sinh con và chăm...

    13/03/2024
    Số lượng người Việt Nam mang thai và sinh con trong thời gian lưu trú tại Nhật Bản ngày càng tăng. Nhưng có lẽ ít bạn đọc biết rằng Nhật Bản là đất nước có hệ thống hỗ trợ tương đối hoàn hảo cho các mẹ bầu mẹ bỉm xuyên suốt từ lúc mang thai cho đến khi sinh và sau sinh nữa. Trong bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu tới các bạn các chế độ bao gồm chế độ hỗ trợ y tế cho mẹ bỉm sữa, các khoản phụ cấp khác nhau khi sinh con và nuôi con, các dịch vụ tư vấn sức khỏe mẹ và bé từ các chuyên gia, hệ thống tình nguyện viên địa phương vả cả các hoạt động hỗ trợ giao lưu cho phụ huynh và bé. Những người sinh con và nuôi con tại Nhật hãy tận dụng tối đa hệ thống hỗ trợ sinh con và chăm sóc trẻ em nhé. 〈Nội dung〉 1. Chế độ hỗ trợ khi mang thai 2. Trợ cấp và phụ cấp khi sinh con 3. Hỗ trợ trước và sau khi sinh 4. Hệ thống trợ cấp y tế cho trẻ sơ sinh 5. Các phụ cấp chăm con 6. Gặp khó khăn với việc mang thai ngoài ý muốn 7. Lời kết 1. Chế độ hỗ trợ khi mang thai Sổ tay mẹ và bé Sổ tay mẹ và bé (Sổ tay sức khỏe mẹ và bé) ・ Khi bạn biết mình có thai, hãy đến cơ quan hành chính địa phương hoặc trung tâm bảo hiểm trong khu vực bạn sinh sống để nhận “Sổ tay mẹ và bé”. Tên chính thức của sổ tay này là “Sổ tay sức khỏe mẹ và bé”, tiếng Nhật là Boshitecho. ※ Bạn chỉ cần đến quầy tiếp tân của cơ quan hành chính địa phương và nói: “Tôi muốn lấy Sổ tay mẹ và bé”, bạn sẽ được hướng dẫn đến nơi cần đến. ・ Khi nhận Sổ tay mẹ và bé, bạn sẽ được hướng dẫn về các chính sách hỗ trợ khác nhau cho mẹ và bé. Ví dụ như bạn có thể nhận được “Phiếu khám sức khỏe cho phụ nữ mang thai” hoặc nhận được hướng dẫn từ các bác sĩ chuyên khoa về việc sinh và chăm bé sau sinh. Kiểm tra sức khỏe thai phụ Nếu bạn biết mình có thai, để đảm bảo sức khoẻ cho mẹ và bé, hãy đi khám sức khỏe định kỳ bằng “Phiếu khám sức khỏe cho phụ nữ mang thai” tại các cơ sở y tế. Nội dung kiểm tra sức khoẻ thai phụ bao gồm (ví dụ) Đo huyết áp/ cân nặng Kiểm tra nước tiểu (đạm niệu, tiểu đường,…) Đo vòng bụng và chiều dài khoang tử cung Xét nghiệm máu để xem có thiếu máu hay không, v.v. Kiểm tra nhịp tim thai và siêu âm Trợ cấp khám sức khỏe cho phụ nữ mang thai (Phiếu khám thai) Phiếu khám sức khoẻ cho phụ nữ mang thai Ở Nhật vì mang thai không được tính là đang mang bệnh nên mẹ bầu không dùng bảo hiểm y tế để đi khám thai được. Tuy nhiên, nếu mẹ bầu sử dụng “Phiếu khám thai” nhận được cùng lúc với Sổ tay sức khỏe mẹ và bé thì bạn sẽ được hỗ trợ một phần chi phí đáng kể cho việc khám sức khỏe thai phụ tại bệnh viện tổng cộng lên tới 14 lần. ・ Tên chính thức của “Phiếu khám thai” là “Phiếu khám sức khỏe cho phụ nữ mang thai”, tiếng Nhật là Jushinhyo. ・ Bạn có thể nhận được 14 phiếu khám và sử dụng cho 14 lần khám sức khỏe. Trong trường hợp sinh đôi, bạn có thể nhận được một số phiếu khám bổ sung nữa. ・ Mức chi phí hỗ trợ công (trợ cấp) sẽ khác nhau tùy thuộc vào từng chính quyền địa phương. Ví dụ: năm 2023, nếu ở các thành phố và quận ở Tokyo có thể nhận được tổng số tiền trợ cấp lên tới 85.750 yên, ở thành phố Osaka có thể nhận được tới 120.810 yên cho 14 lần thăm khám. 2. Trợ cấp và phụ cấp khi sinh con Đăng ký khai sinh Khi sinh con ở Nhật, cha hoặc mẹ phải đăng ký khai sinh cho con tại cơ quan hành chính địa phương trong vòng 14 ngày kể từ ngày đứa trẻ được sinh ra. ※ Nếu cả cha và mẹ đều là người nước ngoài thì dù sinh ra ở Nhật thì đứa trẻ cũng không thể có quốc tịch Nhật Bản. Bạn hãy thông báo cho Đại sứ quán hoặc Lãnh sự quán Việt Nam tại Nhật Bản biết con bạn đã chào đời và nhờ họ cấp hộ chiếu cho đứa trẻ. Ngoài ra, hãy nộp giấy tờ cho Cục quản lý xuất nhập cảnh để con bạn cũng nhận được tư cách lưu trú. Trợ cấp một lần khi sinh con Sau khi sinh, bạn có thể nhận được “Trợ cấp một lần khi sinh con” từ bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm y tế quốc dân. Số tiền này nhằm trợ cấp chi phí khi sinh con. Số tiền trợ cấp một lần khi sinh con 500.000 yên cho mỗi em bé sơ sinh (có ngoại lệ là 488.000 yên). Đối với trường hợp đa thai, sẽ tính theo số em bé. Phương thức nhận ① Số tiền sẽ được chi trả giữa bệnh viện và cơ quan bảo hiểm y tế, mẹ bầu chỉ phải thanh toán cho bệnh viện phần chênh lệch giữa chi phí sinh và tiền trợ cấp sinh con. Phương thức nhận ② Sau khi thanh toán đầy đủ chi phí sinh con cho bệnh viện thì nộp hồ sơ đến cơ quan bảo hiểm y tế và nhận trực tiếp tiền trợ cấp sinh con. Trong trường hợp bạn sử dụng Bảo hiểm Y tế quốc dân thì hãy nộp đơn cho cơ quan chính quyền địa phương nhé. Trường hợp sảy thai hoặc thai chết lưu Nếu bạn mang thai trên 12 tuần (trên 85 ngày), bạn có thể nhận được tiền trợ cấp một lần khi sinh con ngay cả trong trường hợp thai chết lưu hoặc sảy thai. Trợ cấp nghỉ sinh con Nếu bạn là nhân viên trực thuộc một công ty tại Nhật, khi sinh con bạn sẽ được nhận một khoản gọi là “Trợ cấp nghỉ sinh con” do cơ quan bảo hiểm y tế hỗ trợ. Đó là khoản trợ cấp bù cho lương, do thu nhập bạn giảm vì phải nghỉ làm tại công ty. Nơi nộp đơn là nơi làm việc của bạn. Đối tượng chi trả Bản thân người được nhận trợ cấp tham gia bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm sức khỏe quốc dân nghỉ việc do sinh con. Số tiền trợ cấp Mức lương tiêu chuẩn bình quân trong 12 tháng ÷ 30 × 2/3 × số ngày nghỉ Thời gian trợ cấp Trong khoảng thời gian nghỉ làm từ “42 ngày trước khi sinh con (trong trường hợp sinh đôi là 98 ngày trước khi sinh)” đến “ngày thứ 56 sau khi sinh con”. Tiền trợ cấp nghỉ việc chăm con Nếu bạn nghỉ việc để chăm con, chính phủ sẽ hỗ trợ cho bạn “tiền trợ cấp nghỉ việc chăm con ” theo luật đến khi con bạn một tuổi. Công ty bạn trực thuộc sẽ giúp bạn đăng ký thông qua Hello Work. Nghỉ việc chăm con Thời gian nghỉ thai sản của mẹ (nghỉ trước khi sinh và sau khi sinh) là 6 tuần trước khi sinh và 8 tuần sau khi sinh con. Theo luật, trong sáu tuần sau khi sinh, dù bạn có muốn đi làm cũng không thể được đi làm. Mặt khác, “thời gian nghỉ chăm con” có thể được áp dụng cho đến ngày trước sinh nhật một tuổi của bé. ※ Trong trường hợp không thể xin cho bé vào nhà trẻ để bạn đi làm lại được, mẹ bỉm có thể nghỉ tối đa đến trước ngày sinh nhật thứ 2 của bé. ※ Các bố cũng có thể xin nghỉ chăm con. Đối tượng hưởng trợ cấp nghỉ việc chăm con Những người đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và đang nghỉ chăm sóc con cái (thông thường, các công ty v.v. đăng ký bảo hiểm thất nghiệp cho nhân viên của họ). Số tiền trợ cấp nghỉ việc chăm con Từ khi bắt đầu nghỉ chăm con cho đến ngày thứ 180 là 67% lương hàng tháng, từ ngày thứ 181 là 50% lương hàng tháng. Thời gian được nhận trợ cấp cho mẹ Được tính từ thời điểm thời gian nghỉ thai sản của mẹ kết thúc cho đến trước khi bé tròn một tuổi một ngày. Thời gian được nhận trợ cấp cho bố Được tính từ ngày bé sinh cho đến trước ngày bé tròn một tuổi. Chế độ cộng thêm nghỉ phép của bố mẹ Nếu cả bố và mẹ đều nghỉ chăm con thì thời gian nghỉ chăm con có thể kéo dài đến khi con được 1 tuổi 2 tháng (14 tháng tuổi). Hệ thống này được gọi là “papa-mama ikukyu plus”. Trợ cấp nghỉ chăm sóc con khi mới sinh Trong vòng 8 tuần sau khi sinh con, nếu mẹ (bố) xin nghỉ tối đa 4 tuần, mẹ (bố) có thể nhận được trợ cấp nghỉ chăm sóc con khi mới sinh nếu đăng ký với Hello Work. Đối tượng nhận trợ cấp là những người đăng ký bảo hiểm thất nghiệp. Bạn hãy hỏi Hello Work về khoản tiền trợ cấp sẽ nhận được. ※ Chế độ nghỉ sinh con sau sinh dành cho bố có thể chia thành 2 lần. Miễn nộp phí bảo hiểm hưu trí quốc dân Phí bảo hiểm hưu trí quốc dân được miễn trong 4 tháng trước và sau khi sinh con (6 tháng đối với trường hợp sinh đôi trở lên). Hãy liên hệ với quầy bảo hiểm hưu trí quốc dân của cơ quan hành chính địa phương để được hỗ trợ chi tiết nhé. 3. Hỗ trợ trước và sau khi sinh Công tác hỗ trợ trước và sau khi sinh Các cơ quan hành chính địa phương ở Nhật đều tiến hành nhiều “công tác hỗ trợ trước và sau khi sinh” nhưng về cơ bản thường bao gồm 2 nội dung sau đây. ・ Công tác tư vấn: Mẹ bầu sẽ được nhận tư vấn cho những lo lắng khi mang thai, sinh nở và cách nuôi dạy trẻ từ các y tá, nữ hộ sinh hoặc giáo viên mầm non hay những bậc lão thành, người có kinh nghiệm nuôi dạy trẻ đã được thông qua đào tạo chính quy, tùy theo nội dung cần tư vấn. ・ Hỗ trợ giao lưu: thúc đẩy việc giao lưu kết bạn cho các bố mẹ tại địa phương. Các mẹ, các bố có thể kết bạn thông qua các dự án giao lưu tại nơi bạn sống. Các cơ sở hỗ trợ có thể được thiết lập tại các cơ sở địa phương (chẳng hạn như các trung tâm bảo hiểm v.v.). Khi bạn khai trình việc mang thai của mình cho chính quyền địa phương và nhận được Sổ tay Sức khỏe mẹ và bé, bạn sẽ nhận được các hướng dẫn và giải thích thông tin cụ thể về các dịch vụ này. 〈Ví dụ cụ thể về công tác hỗ trợ ở các thành phố〉 ・ Trao đổi với thai phụ khi phát hành Sổ tay mẹ và bé, đưa ra các lời khuyên về quá trình mang thai, sinh nở và nuôi dạy trẻ, giới thiệu các dịch vụ công dành cho phụ nữ mang thai. ・ Tư vấn về việc mang thai, sinh nở và nuôi con (bằng điện thoại hay đến thăm nhà trực tiếp, gửi email v.v.) ・ Phối hợp với các cơ sở y tế và các tổ chức liên quan đến việc nuôi dưỡng trẻ em khi cần thiết. ・ Sau khi sinh, nữ hộ sinh và y tá sẽ chăm sóc mẹ và em bé, tư vấn và hướng dẫn cách chăm sóc trẻ. ・ Tổ chức “hoạt động giao lưu” tạo điều kiện để các phụ huynh có thể giao lưu với nhau 4. Hệ thống trợ cấp y tế cho trẻ sơ sinh Thẻ chứng nhận trẻ sơ sinh được hưởng trợ cấp y tế Trước khi vào tiểu học, khi phải đi khám tại các cơ sở y tế, trẻ sẽ được trợ cấp một phần chi phí y tế. Số tiền trợ cấp Khi bạn nộp “Thẻ chứng nhận trẻ sơ sinh được hưởng trợ cấp y tế” và “Thẻ bảo hiểm y tế” tại cơ sở y tế, bạn sẽ chỉ phải trả số tiền là phần dư sau khi trừ đi phần tiền bảo hiểm y tế cấp và phần tiền trợ cấp của chính phủ. Chi phí không áp dụng được bảo hiểm và trợ cấp y tế Trẻ em không được áp dụng trợ cấp này khi tiêm chủng hay khám sức khỏe. Trẻ sẽ không được nhận trợ cấp cho các chi phí khám chữa bệnh không thuộc phạm vi chi trả của bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, dù không dùng bảo hiểm thì cũng có nhiều loại vắc xin mà trẻ được tiêm miễn phí. Cấp giấy chứng nhận người thụ hưởng Bạn hãy trực tiếp liên lạc với phòng ban phụ trách của cơ quan hành chính địa phương để biết chi tiết. 5. Các phụ cấp chăm con   Phụ cấp cho trẻ em “Phụ cấp cho trẻ em” được trả hàng tháng cho những người đang nuôi con từ 0 tuổi đến khi bé tốt nghiệp trung học cơ sở tại Nhật. Đây là khoản trợ cấp nuôi con của Chính phủ Nhật. Số tiền chi trả ・ Dưới 3 tuổi: 15.000 yên / tháng ・ 3 tuổi đến tiểu học (lớp 6): 10.000 yên / tháng, (trẻ thứ 3 trở lên): 15.000 yên / tháng ・ Học sinh trung học cơ sở: 10.000 yên / tháng ※ Thanh toán 4 tháng/ lần, 3 lần trong năm. Cách đăng ký Khi nộp giấy khai sinh của trẻ cho cơ quan chính quyền địa phương, bạn cũng sẽ nộp đơn yêu cầu nhận Tiền phụ cấp trẻ em. Hãy trình bày là “Tôi muốn nộp đơn xin phụ cấp trẻ em” tại quầy tiếp dân của cơ quan hành chính địa phương nhé. Giới hạn về thu nhập Nếu thu nhập của bố mẹ vượt quá một hạn mức nhất định, bạn sẽ không thể nhận phụ cấp trẻ em. Phụ cấp nuôi con Chính phủ Nhật có chế độ phụ cấp gọi là “phụ cấp nuôi con” cho bố hoặc mẹ đơn thân. Tuy nhiên, nếu thu nhập của bạn vượt quá một hạn mức nhất định, bạn không thể nhận được phụ cấp nuôi con. 6. Gặp khó khăn với việc mang thai ngoài ý muốn Ngày càng có nhiều trường hợp thực tập sinh kỹ năng và du học sinh mang thai ngoài ý muốn hoặc không được bố đứa bé thừa nhận và lo lắng về việc liệu mình có thể tiếp tục làm việc, học tập hay ở lại Nhật Bản hay không. Trong trường hợp như vậy, bạn đừng băn khoăn lo lắng một mình mà hãy liên hệ với quầy tư vấn cho người nước ngoài hoặc các đoàn thể hỗ trợ để nhận được sự giúp đỡ. Chúng tôi xin giới thiệu một số địa chỉ của các đoàn thể mà du học sinh, thực tập sinh kỹ năng có thể liên lạc khi gặp khó khăn trong quá trình mang thai, sinh con hay về tư cách lưu trú. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ giới thiệu một bài viết tổng hợp về những nơi nên đến khi cần tư vấn để các bạn tham khảo thêm nhé. [iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] 〈Ví dụ〉Đoàn thể hỗ trợ xin tư cách lưu trú, ổn định cuộc sống cho du học sinh đã sinh con và đứa bé |KOKORO [iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] Người nước ngoài không cần phải nghỉ việc - về nước khi có thai!|KOKORO [iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] “Hội hỗ trợ Tomoiki Việt Nhật” – Địa điểm tư vấn cho người Việt Nam ở Nhật Bản [iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] Bài tổng hợp – Các tổ chức tư vấn dành cho người Việt 7. Lời kết Trong bài viết lần này chúng tôi đã giới thiệu đến các bạn hệ thống hỗ trợ và phụ cấp, trợ cấp khác nhau cho các mẹ bầu mẹ bỉm Việt Nam đã đang mang thai, sinh con, nuôi con tại Nhật Bản. ・ Hỗ trợ phụ nữ mang thai: Sổ tay sức khỏe mẹ và bé và hỗ trợ khám sức khỏe cho thai phụ ・ Trợ cấp, phụ cấp khi sinh con: trợ cấp sinh con, trợ cấp nghỉ sinh con, tiền trợ cấp nghỉ việc chăm con, v.v. ・ Hỗ trợ trước và sau khi sinh: Công tác tư vấn, hỗ trợ giao lưu ・ Hệ thống trợ cấp y tế cho trẻ sơ sinh ・ Các phụ cấp chăm con: phụ cấp cho trẻ em, phụ cấp nuôi con Ngoài những nội dung này, chúng tôi còn giới thiệu các quầy tư vấn và các trường hợp giải quyết khi bạn gặp khó khăn. Các mẹ hãy tận dụng những thông tin trong bài viết này một cách hữu ích để an tâm sinh bé khỏe và nuôi bé ngoan các bạn nhé!

Trang web hỗ trợ du học sinh, thực tập sinh kỹ năng, kỹ sư

[Được hỗ trợ bởi Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam]

  • Mình đã thử đi Sento!

    Cả “Onsen” (suối nước nóng) ở những nơi đặc biệt và “Sento” được sử dụng trong cuộc sống hàng ngày trong thành phố đều là những phòng tắm công cộng truyền thống của Nhật Bản. Hiện nay, không còn nhiều người “chỉ có thể tắm ở nhà tắm cộng” giống như ngày xưa song vẫn còn rất nhiều người là fan hâm mộ của “Sento”. Tại sao bây giờ họ vẫn đi nhà tắm công cộng nhỉ? Sento là nơi như thế nào, sử dụng ra sao? Trong bài viết này, hai bạn người Việt đang sống ở Nhật sẽ giới thiệu về Sento. Sento là gì Nhà tắm công cộng “Showayu” ở thành phố Osaka “Sento” là nhà tắm công cộng có thu phí ở trong thành phố. Ngày xưa, có rất nhiều nhà không có bồn tắm, không có vòi hoa sen nên mọi người thường dùng Sento là chính. Sento giống như Onsen, mọi người phải cởi hết quần áo và tắm chung bồn cùng nhiều người khác. ※ Điểm khác nhau giữa “Sento” và “Onsen” sẽ được tiết lộ ở phía dưới. Sento có từ ngày xưa Sento còn được gọi là “Furoya”, ngày xưa có rất nhiều Sento và cũng có rất nhiều người sử dụng Sento. Thế nhưng, khi các gia đình có bồn tắm trong nhà, số người đi Sento ngày càng giảm đi. Ví dụ, vào năm 1968, ở tỉnh Osaka có 2358 nhà tắm công cộng nhưng tới năm 2022, số nhà tắm còn lại là 294 nhà. Dù vậy, Sento vẫn có rất nhiều ưu điểm, cho đến nay vẫn có rất nhiều người thỉnh thoảng đi Sento để “thay đổi không khí” - làm cho tinh thần thoải mái và việc đi thường xuyên rất tốt cho sức khỏe. Người viết bài Đức: Trong thời gian kinh doanh nhà hàng Việt Nam ở Tokyo, sau khi tan làm, Đức thường đi Sento để trút bỏ mệt mỏi trong cả ngày dài. Bây giờ, Đức đang kinh doanh nhà hàng Việt Nam có tên là “Egao Bánh Mì” ở gần ga Awaji Hankyu (Osaka). Gần nhà hàng có Sento “Showayu” nên Đức định thỉnh thoảng đi tắm ở đó để cơ thể và tinh thần thoải mái. Linh: Nửa năm trước, Linh chuyển nhà tới ga Awaji, cho tới lúc trong nhà mới có gas thì Linh đã đi tắm ở “Showayu” vài lần. Thỉnh thoảng, Linh vẫn muốn tới đây để thư giãn. Để vào Sento Sau đây, chúng mình sẽ giới thiệu cách vào Sento. Đức và Linh đã tới “Showayu” ở quận Higashiyodogawa, Osaka để thu thập tư liệu. ➀ Cho giày vào tủ đựng giày Mình sẽ cởi giày ở cửa vào của Sento rồi cho giày vào tủ đựng giày. Cả bên trái lẫn bên phải tường đều có tủ đựng giày. Ở Sento này, lối vào cho nam ở phía bên phải nên mình dùng tủ đựng giày ở tường bên phải. Đây là tủ đựng giày kiểu cũ nên có khoá bằng gỗ. Sau khi đóng cửa tủ, rút khoá gỗ ra là cửa sẽ được khoá lại. Khi mình dùng tủ này lần đầu tiên, mình đã mất khoảng 2 phút để biết được cách khoá tủ. Đây đúng là chiếc chìa khoá “rất Nhật”.【Linh】 ② “Otokoyu - Phòng tắm nam” và “Onnayu - Phòng tắm nữ” Cửa vào “Otokoyu - Phòng tắm nam” và “Onnayu - Phòng tắm nữ” là hai cửa riêng biệt. Nếu bạn vào nhầm thì thật khó xử nên hãy kiểm tra kỹ nhé. Nếu bạn nhớ hai chữ hán là “男” - nam và “女” - nữ là bạn sẽ không vào nhầm, hãy yên tâm nhé. ③ Trả tiền Sau khi vào bên của nam, bạn sẽ nhìn thấy ngay quầy lễ tân. Quầy lễ tân ở Sento được gọi là “Bandai”, mình sẽ trả tiền ở đây rồi vào bên trong. Ở các Sento trong tỉnh Osaka, phí sử dụng Sento như sau: người lớn 490 yên (bao gồm thuế), trẻ em 200 yên (bao gồm thuế). Đây là mức phí đã được niêm yết nên đi tới đâu cũng cùng 1 mức giá này, hiếm lắm mới có nơi rẻ hơn một chút. Tuy nhiên, những Sento rất to được gọi là “Super Sento” và mức phí sử dụng cao hơn rất nhiều. “Bandai” là gì? Bandai và chiếc rèm dày để ngăn cách với phòng tắm nữ Giữa phòng tắm nam và phòng tắm nữ có một chiếc Bandai (bàn lễ tân). Ngoài việc thu tiền của người vào tắm, người ngồi ở Bandai sẽ quản lý tình hình của nhà tắm và kiểm tra xem có ai không khoẻ, có ai làm phiền người khác v.v. hay không. Ở Bandai sẽ có lúc có nam giới ngồi nhưng giữa Bandai và phòng tắm nữ có một chiếc rèm dày nên các bạn nữ hãy yên tâm nhé. Ở Showayu, ngoài Bandai, trong phòng thay đồ nữ có 1 nhân viên nữ quản lý an toàn bên trong nhà tắm nữ. Vào tắm! Phòng thay đồ ở Showayu ① Cởi quần áo Tủ đựng đồ Trong phòng thay đồ có rất nhiều tủ đựng đồ. Chúng ta sẽ cởi hết quần áo, đồ lót ở đây. Tủ đựng đồ có khoá nên bạn hãy đeo khoá vào tay rồi vào tắm. Nếu bạn mang theo đồ có giá trị và thấy lo lắng thì bạn có thể gửi ở Bandai. Tủ đựng đồ giá trị của Showayu Có một số Sento có tủ đựng đồ giá trị ở gần Bandai. Ở Showayu, bạn sẽ được sử dụng tủ miễn phí. Tủ này ở phía trước Bandai nên bạn có thể hoàn toàn yên tâm. Ở phòng thay đồ nữ của Showayu, ngoài tủ thường còn có loại tủ khoá bằng cách cho 100 yên vào. Khi bạn mở tủ, 100 yên sẽ rơi ra. Vì có rất nhiều người cứ khoá cửa tủ rồi mang chìa khoá về nên nhà tắm đã chuyển sang hình thức nhét 100 yên như thế này. Chắc là có người muốn chiếm tủ ở chỗ dễ sử dụng để lần sau cũng có thể dùng được nên cứ để đồ ở trong đó chăng? Chúng ta đừng làm ảnh hưởng đến những người khác nhé! ② Khi “trần chuồng và xấu hổ” là khi? Khi vào tắm, bạn không thể mặc đồ lót nên bạn sẽ bị nhìn thấy hết. Người nước ngoài không quen với việc này nên thấy xấu hổ. Khi đó, bạn hãy thử dùng khăn tắm che phía trước cơ thể nhé. Cũng có rất nhiều người Nhật làm như vậy rồi đi vào phòng tắm. Khăn tắm Mình sẽ tự mang khăn mặt và khăn tắm tới Sento. Nếu bạn quên mang, bạn có thể mua ở Bandai. Ở Showayu, bạn sẽ được mượn miễn phí 1 chiếc khăn nhỏ để mang vào tắm, còn khăn lau người thì sẽ mượn với giá 50 yên. Tuy nhiên, ở Nhật, bạn không được cho khăn mặt vào bồn tắm. Đây là quy định cực kỳ quan trọng nên bạn hãy cẩn thận nhé! Lần đầu tới Showayu, mình đã quên cả khăn lau người và khăn mang vào tắm. Ở Bandai, mình thử hỏi “cháu về nhà lấy khăn tắm được không ạ?” thì một bác ở đó đã cho mình mượn 1 chiếc khăn nhỏ miễn phí. Mình càng thấy dịch vụ ở đây thật tuyệt vời.【Linh】 ③ Kakeyu Chậu ở đây được sử dụng miễn phí Nào, chúng ta cùng vào bồn tắm thôi! Sau khi vào phòng tắm, mình thấy ở gần cửa vào có rất nhiều chậu rửa nên mình đã mượn 1 chiếc. Hãy dội nước vào người rồi vào tắm nhé Bồn tắm ở Sento rất to nên bạn có thể duỗi thẳng tay chân khi ngâm mình trong nước. Chỉ với việc được duỗi thẳng tay chân này thôi là bạn sẽ thấy sảng khoái và được giải phóng cơ thể khác hẳn với bồn tắm ở nhà. Tuy nhiên, trước khi vào bồn tắm, bạn hãy tắm nhé. Việc rửa vùng kín và chân bằng nước nóng nhiều lần trước khi vào bồn tắm là một quy tắc bất thành văn trong các phòng tắm công cộng. Việc này gọi là “Kakeyu”. Tất nhiên, bạn có thể tắm ở khu vực tắm trước rồi mới vào nhưng có rất nhiều người “muốn ngâm mình ngay”. Nếu bạn muốn ngâm mình ngay, bạn hãy “Kakeyu” vì đây là bồn tắm của tất cả mọi người. ④ Araiba Ở khu vực “Araiba”, mình sẽ ngồi xuống ghế rồi tắm. Ở Showayu có sẵn dầu gội đầu và sữa tắm nhưng có nhiều Sento không để sẵn như vậy, bạn hãy mang từ nhà đi nhé. Tận hưởng nhiều bồn tắm Phòng tắm của Showayu Ở Sento có rất nhiều loại bồn tắm. Ngoài bồn tắm thông thường, ở Showayu còn có “bồn tắm sục khí”, “bồn tắm nằm”, “bồn tắm điện”, “phòng xông hơi” v.v. đấy! Bồn tắm thông thường, bồn tắm nằm, bồn tắm sục khí Bồn tắm ở Showayu (video) Bồn tắm nằm (bồn phía trước) là bồn mà bạn sẽ tắm trong trạng thái nằm ngửa. Bạn hãy tận hưởng cảm giác massage từ bọt khí và độ ấm của nước nhé. Bồn tắm sục khí(bồn phía trong bên phải) là bồn có khí sục lên từ đáy bồn, khí chạm vào chân v.v. sẽ đem lại cảm giác massage nhẹ nhàng dễ chịu. Ở nửa phía sau của video, bồn tắm ở phía bên trái (cạnh bồn tắm sục khí) là bồn tắm thông thường. Có rất nhiều thứ tự vào tắm nhưng mọi người thường vào bồn tắm thông thường hoặc bồn tắm sục khí đầu tiên. Bồn tắm ở nhà rất nhỏ nên mình không thể duỗi thẳng chân. Thế nhưng, khi ngâm mình ở Sento, duỗi thẳng tay chân, mình thấy bao mệt mỏi trong một ngày đều tan biến. Trong số các bồn tắm thì ở bồn tắm nằm, mình có thể thả lỏng toàn thân nên mình thích bồn tắm này nhất.【Đức】 Phòng xông hơi Ở Sento cũng có “Phòng xông hơi”. Trong phòng xông hơi có nhiệt độ cao, bạn sẽ chảy mồ hôi và việc này giúp cho máu lưu thông tốt hơn, mệt mỏi cũng tan biến. Vì phòng xông hơi đang được rất nhiều người yêu thích nên để tránh các phòng xông hơi lớn đông đúc, một số người sử dụng phòng xông hơi ở Sento. Bồn tắm điện Khi bạn để tay gần bảng điện, bạn sẽ thấy tê tê. Dòng điện từ bảng điện chạy trong nước giúp co cơ và lưu thông máu tốt hơn. Mới đầu, khi vào bồn tắm điện, bạn sẽ thấy hơi đau đau. Nếu bạn không quen thì hãy thử trước ở nơi xa bảng điện. Tuy nhiên, những người có bệnh tim và các bệnh khác không nên vào bồn tắm điện. Phòng tắm Radon Đây là phòng tắm mà trong đó có khí “radon” hoà tan vào trong nước nóng. Khi bạn hít hơi nước, khí radon này sẽ xâm nhập vào cơ thể qua phổi. Khi bạn ngâm mình trong nước nóng, nó sẽ xâm nhập vào cơ thể qua da. Người ta nói rằng nó có tác dụng thúc đẩy quá trình chuyển hoá Nó là một bồn tắm trong đó một loại khí gọi là radon được hòa tan trong nước nóng. Khi bạn hít hơi nước, radon xâm nhập vào cơ thể qua phổi, và khi bạn ngâm mình trong nước nóng, nó sẽ xâm nhập vào cơ thể qua da và được cho là có tác dụng thúc đẩy quá trình chuyển hóa chất béo trung tính, cholesterol v.v. Bồn tắm nước Nước trong bồn tắm nước (Mizufuro) khoảng 17 độ. Khi bạn đi ra từ bồn tắm nóng, sau đó chạm tay vào nước trong bồn tắm này, bạn sẽ thấy “lạnh”. Thế nhưng, sau khi tắm nước nóng xong, bạn ngâm mình từ 30 giây tới 1 phút ở trong bồn tắm nước này thì mạch máu sẽ lưu thông tốt hơn và khó cảm lạnh hơn. Sau khi ra khỏi bồn tắm Sau khi thư giãn thật thoải mái ở trong bồn tắm, mình đã giặt khăn ở vòi nước gần cửa ra phòng thay đồ. Với chiếc khăn nhỏ này, mình sẽ lau qua người rồi đi tới tủ đựng đồ để dùng khăn tắm lau khô người. Ở phòng thay đồ thường có cân sức khoẻ. Bạn có thể dùng cân này miễn phí. Tủ đựng đồ uống ở trước Bandai (mất phí) Để tránh cho máu bị đặc lại, sau khi tắm xong, bạn hãy uống nước. Trước khi ra khỏi nhà hãy uống thật nhiều nước, sau khi tắm cũng uống cái gì đó nhé. Bạn có thể mang nước từ nhà đi hoặc mua một trong rất nhiều loại đồ uống ở Bandai. Lý do mà Sento được mọi người yêu thích là? Ông Morikawa - Chủ của Showayu Chúng mình đã phỏng vấn ông Morikawa Teruo (47 tuổi) - chủ của Showayu. ―― Có phải là có nhiều người là fan cứng của Sento không ạ? Morikawa Vâng, có người đến Sento với mục đích chính là xông hơi, cũng có người đến để thư giãn. Ngoài ra, những vị khách lớn tuổi thường đến đây để cơ thể khỏe khoắn hơn. Bồn tắm ở Sento mang lại rất nhiều hiệu quả tốt. Nếu người cao tuổi bị ngất ở bồn tắm thì người quản lý đang ở Bandai có thể nhận ra và giúp đỡ ngay. Morikawa Vào mùa đông, khi ở nơi ấm áp (trong phòng) ra nơi lạnh (phòng lạnh hoặc bên ngoài), huyết quản sẽ chịu ảnh hưởng không tốt nên rất nguy hiểm. Ở Sento, bạn có thể điều chỉnh nhiệt độ cơ thể ở phòng thay đồ nên đây cũng là một điểm tốt cho sức khỏe. ―― Từ đầu giờ chiều đã có người đứng xếp hàng chờ Sento mở cửa phải không ạ? Morikawa Vâng, có lẽ là những người đó muốn dùng đúng tủ đựng đồ, muốn vào bồn tắm đúng theo thứ tự mà mình muốn nên họ đi sớm. Khi Sento vừa mở cửa thì thường vắng người nên họ có thể tự do sử dụng Sento. Điểm khác nhau giữa Onsen và Sento là? Ginzan Onsen (tỉnh Yamagata) Điểm khác nhau giữa Onsen và Sento là ・Onsen sử dụng nước nóng thiên nhiên, Sento sử dụng nước đun. ・Onsen là nơi tắm đặc biệt khi đi dã ngoại, ở Onsen sẽ có nơi ngủ lại. Ngược lại, Sento là nhà tắm công cộng ở quanh bạn. Tuy nhiên, có Sento cũng sử dụng nước nóng thiên nhiên, để giải thích tỉ mỉ về sự khác nhau giữa hai nơi này thì phải giải thích rất dài. Tổng kết Trong bài viết này, chúng mình đã giới thiệu kỹ về Sento của Nhật: cách dùng tủ đựng giày, cách trả tiền, văn hoá trước khi tắm bồn, khái niệm về các loại bồn tắm, thông tin cơ bản về cách thư giãn ở Sento. Bạn có thể đi Onsen để trải nghiệm và thư giãn nhưng đi Onsen mất khá nhiều tiền và thời gian nên không thể đi thường xuyên được. Nếu trên đường đi làm hoặc gần nhà bạn có Sento thì thỉnh thoảng bạn hãy thử tới Sento duỗi toàn bộ tay chân, thả lỏng cơ thể, ngâm mình trong nước để xua đi bao mệt mỏi trong cơ thể, thư giãn tinh thần xem sao!

    26/09/2022

  • Phố mua sắm Nhật Bản gợi nhớ đến chợ Việt Nam

    “Đào đây! Đào ngon đây! Chị ơi, xem qua đào đi chị!”“Chào quý khách! Vâng, đúng rồi ạ. Mua 2 túi là được giảm giá đấy ạ!”“Vâng! Chọn quả ngon nhất đúng không ạ. Để đấy em chọn cho ạ!” Bạn có cảm nhận được không khí thân thương khi nghe thấy tiếng rao hàng của những người bán như thế này không? Đúng rồi, đây là những tiếng rao mà bạn thường được nghe thấy ở các khu chợ hay khu mua sắm ở Việt Nam đúng không? Thực ra, bạn cũng có thể tận hưởng không khí giống như ở Việt Nam tại các khu phố mua sắm ở Nhật Bản đấy. Trong bài viết này, mình sẽ giới thiệu những điểm đặc sắc của phố mua sắm ở Nhật và đề xuất một số con phố mua sắm ở khu vực thủ đô Tokyo để các bạn đến tham quan và cảm nhận. Nhất định các bạn hãy thử trải nghiệm những con phố mua sắm ở Nhật Bản nhé! Tản bộ dưới mái vòm của phố đi bộ là tuyệt nhất! Phố đi bộ quanh Hồ Hoàn Kiếm Vào năm 2016, các tuyến đường quanh Hồ Hoàn Kiếm ở Hà Nội đã cấm ô tô, xe máy vào cuối tuần và chỉ dành cho người đi bộ. Lúc đó, mình có giải thích với một người bạn Nhật rằng khu vực quanh Hồ Hoàn Kiếm đã trở thành phố chỉ dành cho người đi bộ vào cuối tuần và bạn ấy nói với mình là, “À, ở Nhật người ta gọi phố đi bộ là Thiên đường dành cho người đi bộ, phát âm tiếng Nhật là hokosha-tengoku (chữ Hán: 歩行者天国)”. Trước đây, mình đã đi qua nhiều khu phố mua sắm dành cho người đi bộ như thế ở Nhật Bản, nhưng lần đầu tiên mình biết rằng chúng được gọi là “Thiên đường dành cho người đi bộ”. Bạn ấy cũng nói với mình rằng hầu hết các khu phố mua sắm ở Nhật Bản đều dành cho người đi bộ. Mình thích đi du lịch và từng đến thăm các khu mua sắm khác nhau ở khắp 47 tỉnh thành của Nhật Bản và quả thực, hầu hết các con phố đều chỉ cho người đi bộ hay người đi xe đạp với mái che (mái vòm) ở bên trên. Những con phố mua sắm như vậy được gọi là “Phố mua sắm có mái che”. Phố mua sắm có mái che (Thành phố Kanazawa, tỉnh Ishikawa) Mình không hiểu tại sao phố đi bộ lại được gọi là “thiên đường”, nhưng chắc chắn bạn có thể dạo chơi, mua sắm mà không lo kẹt xe, bất kể những ngày nắng gắt hay những ngày mưa thì “mưa không tới mặt, nắng không tới đầu”. Mình tin rằng một không gian mà người đi bộ có thể dễ dàng đi dạo và mua sắm như thế thực sự là một “thiên đường”. Hồi còn là du học sinh, mình sống ở ngoại ô Tokyo và cách đây khoảng 1 năm, mình chuyển đến một nơi thuận tiện cho việc đi lại hơn khi quyết định làm ở ở Tokyo. Vì thế, mình đã thông qua một công ty bất động sản để tìm một hiểu một số căn hộ ở khắp 23 quận của Tokyo. Lúc đó yếu tố quyết định khiến mình chọn căn hộ hiện tại chính là vì nó rất gần khu phố mua sắm. Từ nhà mình ra ga là con phố có mái che, thế nên mình không cần dùng ô che mưa hay che nắng mỗi lần ra ga. Hơn nữa, việc đi dạo hay mua sắm trên con phố có mái che khiến mình không bao giờ cảm thật mệt mỏi, thật tuyệt phải không nào. Mình đã sống ở đây được gần một năm và bây giờ nhìn lại mình vẫn nghĩ quyết định chuyển đến đây là lựa chọn chính xác. Giao lưu thân thiện giữa khách hàng và người bán hàng, thậm chí có thể mặc cả Cửa hàng tiện lợi, siêu thị rất tiện và trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Tuy nhiên, quy tắc bất thành văn của các cửa hàng này là khách hàng không có cơ hội trao đổi về các mặt hàng hoặc thương lượng giá cả tại quầy thu ngân, thế nên khách hàng và nhân viên gần như không có sự giao lưu, chỉ nhận và giao hàng là kết thúc giao dịch. Ngược lại, bạn có thể thoái mái nói chuyện phiếm với người bán hàng và được họ giải thích về các loại rau củ, trái cây hoặc các mặt hàng nên mua hôm nay trên các con phố mua sắm. Cũng giống như chợ ở Việt Nam, nếu bạn mặc cả người bán có thể giảm giá cho bạn đôi chút. Hoặc là chủ cửa hàng sẽ cho thêm rau hay những món đồ nhỏ nhỏ cho các khách hàng thân quen. Khu phố mua sắm Ameyoko|KOKORO Khi bạn bè của mình và mình muốn ăn món ăn Việt Nam, chúng mình luôn đến khu phố mua sắm Ameyoko ở Ueno, Tokyo để mua các nguyên liệu Việt Nam. Ban đầu là vì giá cả ở đây rẻ hơn so với siêu thị nên chúng mình mới đến, nhưng dần dần, mỗi lần đến đây mình đều được trò chuyện vui vẻ với những người bán hàng, thỉnh thoảng còn được giảm giá, thế nên bọn mình thấy rất vui khi đi mua sắm ở đây và tiếp tục ghé cửa hàng đó vào những lần sau. Bằng cách đó, bọn mình giữ được mối quan hệ giao lưu “mua – bán” với những người bán hàng. Nếu có cơ hội, các bạn hãy thử đến mua sắm tại Ameyoko nhé! Tận hưởng không khí xưa ở phố mua sắm Shinjuku Hôm trước, mình hẹn gặp một người bạn từ xa đến Tokyo ở ga Shinjuku. Cô ấy hỏi mình, “Bạn có hay đến Shinjuku chơi không?”, nhưng thật ra phải 3-4 tháng rồi mình mới lại tới đây. Lý do là ở khu vực mình đang sống, ngoài các trung tâm mua sắm lớn, còn có một khu phố mua sắm lâu đời nằm giữa các tòa nhà hiện đại. Chính vì thế, không cần phải mất công đi đến tận ga Shinjuku, mình vẫn có thể thể tận hưởng niềm vui mua sắm ngay gần nơi mình sống rồi. Mình đặc biệt yêu thích không khí sôi động, náo nhiệt của những con phố mua sắm truyền thống của Nhật Bản. Con phố gần nhà mình không chỉ có siêu thị, cửa hàng tiện lợi, mà còn có đủ loại cửa hàng, từ hàng thực phẩm bán rau củ quả, hàng thịt - cá, cho đến các cửa hàng quần áo, hiệu thuốc và thậm chí có cả cửa hàng 100 yên rất to. Nói không quá lời chứ tại nơi mình sống có đầy đủ tất cả mọi thứ, không thiếu thứ gì cho cuộc sống hàng ngày. Ngoài ra còn có các quán nhậu kiểu Nhật hay quán ăn của các nước như Thái Lan, Hàn Quốc, Ấn Độ, Việt Nam, v.v.. Cho nên, lần đầu đặt chân đến đây, mình đã nghĩ, “Mình có thể thưởng thức đồ ăn ở các quán nằm trong khu phố mua sắm này, thậm chí không cần tự nấu ăn trong vòng một năm!” Cửa hàng rau củ quả Trong số đó, mình thích nhất là cửa hàng bán rau củ quả. Cửa hàng này bán rau và trái cây với giá cả rất hợp lý. Trước đây, mình nghĩ hoa quả của Nhật quá đắt so với khả năng chi trả của người Việt Nam, nhưng sau khi chuyển đến đây và nhờ có cửa hàng này, mình có thể thoải mái mua và ăn hoa quả mà không phải lo về giá cả nữa. Và các bạn đừng nghĩ “của rẻ” không có nghĩa là “của ôi” nhé, rau củ quả ở đây bán rất chạy và đều nhập hàng mới mỗi ngày cho nên các mặt hàng tươi ngon đều được bày bán liên tục. Từ cửa hàng rau củ quả này còn rất nhiều cửa hàng tuyệt vời khác và mình cực kỳ hài lòng với con phố mua sắm này! Các khu phố mua sắm mình muốn giới thiệu Sở thích của mình là đi dạo phố mua sắm cùng bạn bè vào dịp cuối tuần. Dưới đây là một số khu phố mua sắm yêu thích của mình ở Tokyo và khu vực lân cận. Phố mua sắm Ameyoko (Ueno, Tokyo) Phố mua sắm Ameyoko Thực phẩm của tất cả các nước trên thế giới được bày bán tại phố mua sắm Ameyoko (quận Taito, Tokyo). Bất cứ khi nào mình nhớ Việt Nam hoặc món ăn Việt Nam, mình sẽ phi như bay đến Ameyoko. Trên trang web của phố mua sắm Ameyoko có ghi: “Cách mua sắm tốt nhất ở Ameyoko đó là, đầu tiên đừng ngại ngùng, hãy bắt chuyện ngay với nhân viên bán hàng!”. Quả thật là làm theo cách này thì những người bán hàng sẽ rất thân thiện, luôn luôn đón tiếp bạn với nụ cười nở trên môi và một vài trường hợp họ sẽ chấp nhận việc mặc cả và giảm giá chút ít cho bạn nữa đấy. Tuy nhiên, bạn cũng phải cẩn thận để không mua quá nhiều đồ, không là “đau ví” lắm đấy nhé! Phố mua sắm Nakano Sun Mall (Nakano, Tokyo) Phố mua sắm Nakano Sun Mall Phố mua sắm Nakano Sun Mall (quận Nakano, Tokyo) là phố mua sắm trước ga Nakano (JR, Tokyo Metro), rất nổi tiếng vì đó là phố mua sắm hình thành nhờ sự phát triển của đường sắt. Nhiều cuộc phỏng vấn trên truyền hình được thực hiện ở đây vì có rất nhiều người qua lại khu vực này mỗi ngày. Con phố chính của khu phố mua sắm có rất nhiều quán nhậu cùng các cửa hàng ăn uống khác nhau. Ngoài ra còn vô số con phố nhỏ nối với nhau, cửa hàng cửa hiệu nằm san sát. Vì vậy dù có ghé thăm nơi này bao nhiêu lần đi chăng nữa, bạn cũng sẽ không bao giờ cảm thấy chán. Phố mua sắm Nakano Sun Mall (quận Nakano, Tokyo) là phố mua sắm trước ga Nakano (JR, Tokyo Metro), rất nổi tiếng vì đó là phố mua sắm hình thành nhờ sự phát triển của đường sắt. Nhiều cuộc phỏng vấn trên truyền hình được thực hiện ở đây vì có rất nhiều người qua lại khu vực này mỗi ngày. Con phố chính của khu phố mua sắm có rất nhiều quán nhậu cùng các cửa hàng ăn uống khác nhau. Ngoài ra còn vô số con phố nhỏ nối với nhau, cửa hàng cửa hiệu nằm san sát. Vì vậy dù có ghé thăm nơi này bao nhiêu lần đi chăng nữa, bạn cũng sẽ không bao giờ cảm thấy chán. LaLa Garden (Akabane, Tokyo) LaLa Garden là một khu phố mua sắm địa phương nằm trước ga JR Akabane (quận Kita, Tokyo), tên chính thức của nó là “Phố mua sắm Akabane Suzuran Dori”. Có những cửa hàng bán quần áo giá giảm sốc, những cửa hàng rau quả giá siêu rẻ và đây là con phố mua sắm được người dân địa phương yêu thích. Ngoài ra, ở gần đấy còn có các quán ăn của nhiều nước châu Á, trong đó có quán ăn Việt, một khu tập trung toàn quán nhậu và bar mang đượm không khí cổ xưa của thời Showa, nó nhộn nhịp không kém gì Shinjuku về đêm. Các cửa hàng trong khu phố mua sắm mở cửa đến 8 giờ tối, còn các nhà hàng ăn uống thì mở cửa đến tối muộn. Phố mua sắm Nakamise (Asakusa, Tokyo) Phố mua sắm Nakamise Phố mua sắm Nakamise ở Asakusa là một trong những phố mua sắm lâu đời nhất ở Nhật Bản với bề dày lịch sử khoảng 300 năm và là lối dẫn vào chùa Sensoji. Chùa Sensoji và phố mua sắm Nakamise là một bộ đôi tham quan du lịch hấp dẫn khiến du khách nước ngoài không thể bỏ qua. Các bạn hãy tận hưởng không khí của thời kỳ Edo tại khu phố mua sắm này nhé! Phố Trung Hoa Yokohama Phố Trung Hoa Yokohama vào ban đêm Phố Trung Hoa Yokohama là một trong những khu phố Trung Hoa lớn nhất thế giới, với hơn 500 nhà hàng, cửa hàng tạp hóa và quán ăn Trung Quốc. Ngoài ra còn có đồ ăn Trung Quốc cao cấp, nhưng đối với một người Việt Nam như mình thì ăn buffet đồ ăn Trung Hoa mới khiến mình mê mẩn nhất. Tổng kết Phố mua sắm ở thành phố Kochi Kể từ những năm 1980, các trung tâm mua sắm, siêu thị lớn và cửa hàng tiện lợi đã mọc lên như nấm ở Nhật Bản, còn các khu phố mua sắm truyền thống sa sút hẳn. Khắp đất nước, số lượng các “khu mua sắm với cửa cuốn sắt đóng kín” ngày càng tăng, tình trạng các cửa hàng phải dẹp tiệm và đóng chặt mình sau chiếc cửa cuốn sắt lạnh lẽo cho thấy sự chuyển đổi của văn hóa thương mại Nhật Bản. Trong hoàn cảnh đó, các khu phố mua sắm truyền thống phải nghĩ ra nhiều dịch vụ khác nhau, tập trung vào việc xây dựng thương hiệu riêng để có thể tồn tại. Ngoài ra, một số khu phố mua sắm nổi tiếng như Ameyoko, phố Trung Hoa Yokohama có thế mạnh là điểm du lịch nổi tiếng nên vẫn thừa sức thu hút đối với du khách. Bản thân mình thích được giao tiếp với mọi người, vì vậy mình cảm thấy thật thoải mái khi đi mua đồ trong các khu phố mua sắm truyền thống hơn là ở các cửa hàng tiện lợi hay siêu thị. Mỗi lần nghe tiếng rao hay khuôn mặt tươi cười của họ, mình lại nhớ đến đến khuôn mặt của những người bán hàng trong chợ truyền thống và tiếng rao thân thương của những người bán hàng rong ở Việt Nam. Các bạn cũng hãy bớt chút thời gian và tận hưởng những con phố mua sắm của Nhật Bản thử xem nhé!

    22/09/2022

  • Những thực phẩm bị nghi là hàng cấm tại sân bay?

    Kể từ tháng 4 năm 2022, các hạn chế đối với việc xuất nhập cảnh của Nhật Bản đã được nới lỏng. Vì vậy số lượng người Việt Nam sinh sống tại Nhật trở về nước ngày càng tăng. Mình đang là nhân viên văn phòng tại Nhật Bản. Sau ba năm xa nhà, mình đã về Hà Nội một tuần. Khi đó, mình cảm thấy việc kiểm tra hành lý mang vào Nhật khắt khe hơn trước. Trong bài viết này, chúng mình đã tổng hợp lại kinh nghiệm của các bạn người Việt đang sống tại Nhật và giới thiệu tình hình kiểm tra hành lý tại sân bay trong thời gian gần đây. Cấm mang vào Nhật các loại rau tươi và chế phẩm từ thịt! Năm 2018, thầy giáo người Nhật của mình khi từ Việt Nam trở về Nhật đã mang theo nhiều loại hoa quả như xoài, bưởi v.v. để làm quà cho gia đình và người thân. Tuy nhiên, từ năm 2019, các quy định liên quan đến việc mang các sản phẩm chăn nuôi, rau và trái cây vào Nhật đã được thắt chặt hơn. Việc kiểm tra nghiêm ngặt được thực hiện tại hải quan để ngăn chặn sâu bệnh có trong rau và trái cây tươi. Hiện nay, trái cây tươi là loại thực phẩm bị cấm mang vào Nhật Bản. ◆ Những loại thực phẩm mà cá nhân không được mang vào Nhật Rau củ, hoa quả tươi Nhiều người cố gắng mang ớt tươi của Việt Nam sang Nhật. Ớt của Nhật không cay lắm, còn ớt sống của Việt Nam thường không được bán ở Nhật. Tuy nhiên, ớt tươi cũng được coi là một loại rau quả nên không được mang vào Nhật. Nếu bạn để ớt tươi trong hành lý, chúng sẽ bị tịch thu khi làm thủ tục hải quan. Hạt giống cây trồng Mang sang Nhật các loại hạt giống của các loại hoa và rau không có sẵn ở Nhật để trồng cũng là phạm pháp. Tất cả các loại hạt giống cây trồng đều bị cấm mang vào Nhật Bản. Thịt và các chế phẩm từ thịt Không chỉ thịt sống, những sản phẩm được làm từ thịt lợn hay thịt bò (thịt bò khô, v.v.) về cơ bản đều bị cấm. Thịt bò khô là món ăn vặt rất được ưa thích của người Việt Nam. Do giá thành cao và khó có thể tự làm nên các bạn du học sinh thường hay mang từ Việt Nam sang để ăn. Tuy nhiên, việc mang thịt bò khô vào Nhật Bản là việc làm bị cấm. Nếu bạn thực sự muốn ăn, hãy mua thịt bò khô ở các cửa hàng tạp hóa Việt Nam ở Nhật. Hai loại thực phẩm bị nghi ngờ là mặt hàng cấm Có một số loại thực phẩm mà du học sinh mang từ Việt Nam sang bị nghi ngờ là "hàng cấm" tại sân bay Nhật Bản. Đây đều là thực phẩm và gia vị phổ biến ở Việt Nam. Hãy cùng tìm hiểu xem chúng là gì nhé? Thực phẩm bị nghi là “ma tuý” là? Set yến sào: tổ yến, hạt chia, táo tàu, đường phèn Vào tháng 5 năm 2022, khi từ Việt Nam quay lại Nhật, bạn Vy - sinh viên năm 3 của một trường đại học ở Osaka đã mang theo nhiều đồ ăn Việt Nam. Trước khi trở lại Nhật, Vy đã cẩn thận tìm hiểu về những thứ có thể và không thể mang vào Nhật để chuẩn bị kỹ hành lý mang sang song Vy vẫn bị mắc kẹt ở hải quan. Đó là vì trong hành lý của Vy có “Yến Sào”. Yến sào mà Vy mang sang là của một thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam và nó đã được đóng gói cẩn thận. Tuy nhiên, nhân viên hải quan đã phải bóc tất cả các bao bì và kiểm tra để chắc chắn rằng đường phèn có trong hộp đó không phải là ma túy. Vy biết rõ đấy không phải là ma túy nhưng cũng cảm thấy hơi lo lắng khi nhân viên hải quan hỏi rất nhiều câu hỏi trong suốt 20 phút chờ kết quả xét nghiệm. Cuối cùng Vy cũng được thở phào khi nhân viên hải quan khẳng định đó là đường phèn chứ không phải ma túy. Gia vị bị nghi ngờ là “hạt giống cây trồng”? Bên trái: Hạt tiêu đen, bên phải: Hạt giống rau mồng tơi Thy - sinh viên đang học ở một trường chuyên môn ở Osaka khi từ Việt Nam quay lại Nhật đã mang theo hạt tiêu đen. Thế nhưng, nhân viên hải quan lại nghi ngờ đây là “hạt giống cây trồng” nên Thy đã mất khá nhiều thời gian giải thích ở khu vực hải quan. Hạt tiêu của Việt Nam nếu chưa xay nhỏ sẽ tròn và to nên trông nó khá giống với hạt giống của cây. Việc cho hạt tiêu vào một chiếc túi nilon không có nhãn hiệu cũng đã làm nhân viên hải quan lầm tưởng đây là hạt giống. Tuy nhiên, sau khi được Thy giải thích rõ ràng, lúc mở túi ra thì toàn là mùi cay nồng đặc trưng của tiêu nên mọi chuyện đã được giải quyết. 4 điều cần lưu ý về các hành lý mang theo ① Tra cứu tên tiếng Nhật của các hành lý mang theo Ngay cả khi bạn không biết đó là một mặt hàng bị cấm, nếu hải quan tìm thấy nó trong hành lý của bạn, bạn có thể không được phép nhập cảnh vào Nhật Bản. Do đó, hãy tìm hiểu trước về những đồ bị cấm và không cho nó vào hành lý. Ngoài ra, hãy tra cứu trước và ghi nhớ tên tiếng Nhật của những món đồ bạn mang đến Nhật để có thể nhanh chóng giải thích khi bị hải quan hỏi. Có một phương pháp nữa là viết tên tiếng Nhật lên sticker và dán vào vật dụng tương ứng. Việc nhân viên hải quan nhìn thoáng qua cũng dễ dàng nhận ra đấy là cái gì sẽ làm giảm khả năng bạn bị nghi ngờ. ② Chỉ mang theo thực phẩm vừa đủ cho 1 tháng Những bạn du học sinh và thực tập sinh kỹ năng lần đầu tiên đến Nhật thường nghĩ đến việc mang theo nhiều mì gói và gia vị từ quê nhà, nhưng hiện nay đã có rất nhiều cửa hàng và nhà hàng ăn uống của Việt Nam tại Nhật Bản. Do vậy bạn chỉ cần mang vừa đủ cho đến khi bạn quen với Nhật Bản, sau đấy bạn có thể dễ dàng mua các loại thực phẩm ở Nhật. Các cửa hàng bán nguyên liệu nấu đồ ăn Việt Nam - Tokyo Các cửa hàng bán nguyên liệu nấu đồ ăn Việt Nam - thành phố Osaka ③ Không hoảng loạn thì khi nhân viên hải quan tra hỏi Bất cứ ai cũng có thể bị mắc kẹt tại hải quan, vì vậy đừng hoảng sợ nếu bạn bị yêu cầu kiểm tra hành lý. Đầu tiên, nhân viên hải quan sẽ hỏi nhiều câu hỏi khác nhau, sau khi được sự đồng ý của bạn, hành lý của bạn sẽ được kiểm tra chi tiết. Cũng có trường hợp họ yêu cầu mở nắp hộp và xem xét bên trong. Nếu không có gì vi phạm pháp luật, việc này sẽ được giải quyết một cách nhẹ nhàng dù hơi mất mất thời gian, vì vậy hãy bình tĩnh để hợp tác với nhân viên hải quan. Tuy nhiên, khả năng các bạn bị kiểm tra tại cửa hải quan là rất cao nên tuyệt đối đừng cố tình mang vật cấm vào Nhật Bản. ④ Tuyệt đối không mang giúp hành lý của người khác Đừng bao giờ nhận lời mang giúp hành lý của người khác tại sân bay ở Việt Nam. Nếu ai đó yêu cầu bạn mang theo vật có chứa ma túy bên trong và bị phát hiện tại sân bay ở Nhật Bản, bạn không những không được nhập cảnh mà còn có khả năng cao bị xử phạt và bị bắt giữ. Việc này sẽ không được chấp nhận ngay cả khi bạn khẳng định rằng: "Tôi không biết", vì vậy hãy cẩn thận nhé. Dù có giấu diếm nhưng vẫn bị phát hiện! Chó đánh hơi chế phẩm từ thịt và rau quả tươi tại sân bay Tại khu vực lấy hành lý của các sân bay Nhật Bản, nhân viên kiểm tra các sản phẩm thịt, rau và trái cây sẽ đi cùng với một chú chó . Con chó này thường được gọi là “Keneki tanchi ken” (chó hỗ trợ kiểm dịch). Ngay cả khi bạn đã bọc các sản phẩm thịt, rau và trái cây trong túi nhựa hoặc hộp và giấu vào trong vali , loài chó này vẫn sẽ phát hiện ra. Một chú người Nhật mà mình quen đã có chuyến công tác 2 tuần tại Việt Nam. Trong khoảng mười ngày, chú ấy mang theo hai quả xoài được bọc bằng túi ni lông và để trong vali. Chú ấy đã ăn hết xoài trước khi quay lại Nhật, nhưng có vẻ như mùi vẫn còn trong vali. Tại khu vực lấy hành lý ở sân bay Kansai, một “chú chó” đã chúi mũi vào vali của chú khiến chú bị nhân viên kiểm dịch khám xét toàn bộ hành lý. Chó hỗ trợ kiểm dịch (Video) Tổng kết Dựa trên kinh nghiệm của những người đi trước, chúng mình đã tổng hợp những điều cần lưu ý khi nhập cảnh vào Nhật Bản. Bạn không thể mang rau, trái cây, sản phẩm thịt (thịt bò khô) v.v. từ nước ngoài vào Nhật Bản. Ngoài ra, ngay cả khi nó không phải là một mặt hàng bị cấm, vẫn có những trường hợp bị nghi ngờ vì dễ gây hiểu lầm. Nếu bạn dán tên tiếng Nhật lên các món đồ bạn mang theo, nhân viên hải quan sẽ có thể dễ dàng nhận ra và bạn có thể hoàn thành việc kiểm tra trong thời gian ngắn. Mặt khác, nếu bạn vi phạm nghiêm trọng, bạn có thể không bao giờ được nhập cảnh vào Nhật nữa. Những bạn sẽ đến Nhật Bản với mục đích làm việc hoặc học tập, để không bỏ lỡ cơ hội của chính mình, hãy lựa chọn thật cẩn thận những món đồ bạn mang theo và lưu ý không mang theo những vật dụng không cần thiết nhé.

    15/09/2022

  • Con dấu ở Nhật Bản được dùng vào những dịp như thế nào?

    Ở Nhật Bản, khi làm thủ tục mở tài khoản, ký hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, thuê nhà ở hoặc làm các thủ tục tại cơ quan hành chính, thì ngoài việc ký tên người ta còn đòi hỏi phải dùng con dấu cá nhân. Tiếng Nhật gọi con dấu là “inkan” (hoặc đơn giản là hanko). Người nước ngoài sống ở Nhật Bản nhất định nên biết về Văn hóa con dấu của Nhật Bản. Chúng ta cùng tìm hiểu xem những anh chị sempai người Việt Nam cảm nhận về văn hóa con dấu của Nhật Bản như thế nào và sử dụng con dấu trong những trường hợp nào nhé. Văn hóa con dấu của Nhật Bản Con dấu được yêu cầu sử dụng ở nhiều trường hợp Nếu như ở Việt Nam, khi mở tài khoản ở ngân hàng, chúng ta chỉ cần xuất trình giấy tờ tùy thân và ký tên là đủ thì ở Nhật Bản, có những giấy tờ người ta yêu cầu phải đóng dấu. Trong tiếng Nhật, con dấu viết là 印鑑, đọc là “inkan” hoặc “hanko”. Khi còn ở Việt Nam mình cũng chỉ quen với việc ký tên nhưng khi du học tại Nhật và đi mở tài khoản ngân hàng thì mới biết tới con dấu – hanko của Nhật. Ngoài việc mở tài khoản, con dấu còn được sử dụng trong nhiều trường hợp như ký hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, mua nhà, thuê nhà, đăng ký kết hôn, làm giấy khai sinh. Mặc dù đã quen với văn hóa con dấu của Nhật nhưng gần đây, việc sử dụng con dấu trong xã hội Nhật cũng có nhiều thay đổi và nhiều trường hợp không cần dùng con dấu cũng được. Trải nghiệm sử dụng con dấu của 4 sempai người Việt Nam Vậy những người Việt Nam ở Nhật sử dụng con dấu trong những trường hợp như thế nào. Chúng ta cùng tìm hiểu qua trải nghiệm của 4 bạn người Việt sau đây. ・Bạn Vân (nhân viên văn phòng, sống ở Tokyo) ・Bạn Nhung (nhân viên văn phòng, sống ở Yokohama) ・Bạn Linh (nhân viên văn phòng, sống ở Osaka) ・Bạn Vân (sinh viên cao học, sống ở Osaka) Ngày càng nhiều trường hợp không cần dấu Văn bản cần nhiều người đóng dấu ở Nhật Trong công ty ở Nhật, khi cấp trên xem xét những tài liệu do cấp dưới đệ trình lên thì để xác nhận "đã xem rồi", họ thường đóng dấu lên tài liệu đó. Có nhiều khi trên một tài liệu có tới tận 5 cái dấu chứng nhận đã đọc. Nhưng những công ty nơi có nhiều người nước ngoài làm việc thì thay vì đóng dấu, chỉ cần ký tên là đủ, và xu hướng này đang dần phổ biến lên. Bạn Vân (Tokyo) cho biết: “Chỗ làm của mình hiện phổ biến việc dùng con dấu điện tử (※sẽ nói ở phần sau) nên hầu như không dùng hanko nhiều lắm. Tuy nhiên những giấy tờ liên quan tới thanh toán chi phí công việc, tài liệu để phê duyệt đề xuất dự án v.v. thì cần phải đóng dấu. Nhưng trường hợp không mang theo con dấu thì có thể ký tên cũng được”. Bạn Linh: Mình làm việc ở công ty có nhiều người nước ngoài. Nên mặc dù đã đi làm được nửa năm nhưng cũng chưa lần nào phải dùng tới con dấu. Khi ký hợp đồng tuyển dụng, đa phần phải có con dấu Tuy nhiên, trên thực tế, khi ký hợp đồng thì đa phần phải đóng dấu. Bạn Linh có nói là chưa lần nào sử dụng con dấu, nhưng thực ra khi còn làm thêm tại đây, cứ 3 tháng 1 lần khi phải ký lại hợp đồng, bạn đã phải đóng dấu vào hợp đồng đó. Khi được tuyển dụng chính thức, Linh cũng đã phải đóng dấu khi ký hợp đồng. Khi còn học cao học, Linh cũng đã làm công việc trợ giảng cho giáo viên dạy tiếng Việt cho sinh viên Nhật. Khi đó, hàng tuần Linh phải nộp báo cáo giờ giấc làm việc cho trường và mỗi lần nộp đều phải đóng dấu. Bạn Vân, sinh viên cao học ở Osaka cho biết khi làm thêm ở một siêu thị, bạn đã phải đóng dấu khi ký hợp đồng nhưng khi chuyển sang làm thêm tại một nơi khác thì chỉ cần ký tên là được. Khi làm thủ tục hành chính, vẫn phải dùng con dấu! Khi phải làm các giấy tờ liên quan tới thủ tục tại các cơ quan hành chính hoặc khi cần xin giấy chứng nhận thì đa phần vẫn phải sử dụng con dấu. Trường hợp khi ký những hợp đồng không quá lớn thì có thể sử dụng chữ ký và xu hướng này cũng đang phổ biến dần lên. Bạn Vân sống ở Tokyo đã 3 lần du học tại Nhật và hiện đang làm việc tại một công ty Nhật Bản nhưng trước khi đi làm “chưa một lần dùng con dấu. Tất cả mọi việc từ mở tài khoản ngân hàng, mua điện thoại di động, thuê nhà v.v. mình chỉ ký là OK”. Theo những gì 4 bạn cho biết về việc sử dụng con dấu trong vòng 1 năm qua thì có thể thấy việc thuê nhà, tùy trường hợp mà cần con dấu hoặc không. Bạn Nhung ・ Ký hợp đồng thuê nhà sau khi chuyển nhà ・ Nộp giấy chuyển nhà lên văn phòng hành chính quận ・ Nộp giấy chuyển vào nơi ở mới lên văn phòng hành chính quận ・ Đăng ký cho con đi học ngoại khóa ・ Đơn xin phụ cấp nghỉ sinh con Bạn Linh ・ Ký hợp đồng thuê nhà mới ・ Nộp giấy chuyển nhà lên văn phòng hành chính quận ・ Nộp giấy chuyển vào nơi ở mới lên văn phòng hành chính quận ・ Ký hợp đồng khi được tuyển dụng chính thức Bạn Vân (Tokyo) và Vân (Osaka) Trong vòng 1 năm qua không dùng dấu lần nào Cảm nhận về văn hóa con dấu của Nhật Bản Chúng ta cùng xem cảm nhận về văn hóa con dấu của Nhật Bản của một số sempai người Việt nhé. Gọn gàng, tiện lợi và dễ mang theo người Bản hợp đồng thuê nhà có đóng dấu của bạn Khanh Bạn Khanh là một du học sinh. Trước khi sang Nhật, được cơ quan tiếp nhận phía Nhật Bản cho biết về sự cần thiết của con dấu nên thông qua cơ quan tiếp nhận, bạn đã đăng ký làm một con dấu của mình và sau khi đến Nhật, bạn nhận được con dấu đó. Sau đó khi đi thuê nhà, mở tài khoản ngân hàng v.v. Khanh đều phải sử dụng con dấu và thực sự ngạc nhiên về mức độ phổ biến trong việc dùng con dấu cá nhân ở Nhật. Khanh đã hiểu được sự thuận lợi khi có con dấu ở Nhật và cho biết “con dấu rất gọn nhẹ, tiện lợi, mang theo người cũng dễ dàng”. Nhiều cảm nhận tích cực về con dấu Con dấu của bạn Vân (Tokyo) Bạn Nhung: Những con dấu sản xuất đại trà thì đều giống nhau nên tôi nghĩ để chứng minh thân nhân thì chữ ký có hiệu quả hơn. Nhưng không phải vì thế mà tôi không thích văn hóa con dấu của Nhật. Khi lựa chọn kiểu con dấu để mua cũng rất vui. Tôi cảm nhận rõ nét văn hóa của người Nhật. Bạn Vân (Tokyo): Ở Việt Nam, chỉ có những người cấp cao mới có con dấu. Khi đến Nhật, được sở hữu con dấu cá nhân, tôi rất thích. Có có dấu, cảm giác cũng xịn sò lắm chứ. Tiếc là cơ quan tôi ít khi dùng con dấu nên hầu như tôi quên mất là mình cũng có con dấu. Bạn Linh: Dù kinh tế phát triển nhưng văn hóa truyền thống vẫn còn duy trì được như vậy, mình thấy rất hay. Thống nhất bằng cách dùng con dấu Con dấu của bạn Vân ở Osaka Bạn Vân (Osaka) cho biết văn hóa con dấu của Nhật thật phức tạp. Năm 2012 khi lần đầu tới Nhật du học, chỉ cần chữ ký Vân cũng mở được tài khoản ngân hàng và làm thẻ ngoại kiều (hiện gọi là thẻ cư trú) . Khi sang Nhật du học lần 2 vào năm 2018, Vân cũng mở tài khoản Yucho mà chỉ cần ký tên chứ không cần con dấu. Tuy nhiên khi ký hợp đồng làm thêm thì Vân không rõ nơi nào thì cần con dấu, nơi nào thì không nên gần đây, Vân bắt đầu sử dụng con dấu cho thống nhất. Các loại dấu và giá cả khi làm con dấu Con dấu của bạn Vân (Osaka) giá 2.000 yên Tùy vào chất liệu dùng để làm con dấu mà giá cả cũng khác nhau. Con dấu được làm bằng ngà voi hoặc bằng đá, giá có thể lên tới vài trăm nghìn yên. Đa phần các bạn trẻ đều làm con dấu với giá phải chăng. ① Bạn Hoàng Vân ở Osaka thì thuê cửa hàng khắc dấu làm dấu riêng cho mình với giá 2.000 yên với chữ “Hoàng” được khắc dọc theo kiểu chữ của Nhật (ảnh trên) ② Bạn Vân (ở Tokyo) cho biết công ty đã giúp bạn làm con dấu (không rõ giá). Tên của bạn được khắc bằng chữ katakana viết ngang (ảnh dưới). Con dấu của bạn Vân ở Tokyo ③ Bạn Bùi Linh cũng thuê cửa hàng khắc dấu để làm con dấu với chữ “Bùi” với giá 1.000 yên. ④ Tôi có cô bạn người Kyrgyzstan, tên là Dinara đang theo học thạc sĩ tại một trường đại học ở Kyoto. Dinara hoàn toàn không biết gì về con dấu cho đến khi phải ký hợp đồng thuê nhà sau 3 tháng sống tạm trong ký túc xá. Dinara được bạn chỉ tới Donkihote để làm con dấu. Cô hăm hở tới Donkihote, bỏ 1.500 yên vào máy làm con dấu. Sau khi bấm nút, máy nhả ra một cái hộp trắng. Dinara lập tức cầm chiếc hộp trắng đó chạy về nơi phải đóng dấu. Nhưng khi mở ra thì đó chỉ là chiếc hộp đựng con dấu. Sau khi đặt lệnh làm con dấu, máy sẽ nhả một chiếc hộp đựng con dấu. Còn sản phẩm bạn cần thì phải chờ thêm 30 phút nữa mới có. Nên các bạn nếu có đi làm dấu ở các hệ thống tự động, hãy lưu ý nhé. “Jitsu-in”và”Ginko-in” là gì? Jitsu-in là gì Giấy chứng nhận đăng ký con dấu Dấu cá nhân ở Nhật có 2 loại chính. Một là loại dấu chính thức, được dùng vào những dịp quan trọng, chính thức. Tiếng Nhật gọi là 実印 (jitsu-in). Loại jitsu-in này được dùng vào những thủ tục được pháp luật quy định. Ví dụ khi ký hợp đồng vay tiền mua nhà, hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, thừa kế tài sản v.v. Khi muốn đăng ký con dấu của mình làm jitsu-in thì ta phải mang dấu tới cơ quan hành chính và làm thủ tục 印鑑登録 (đăng ký con dấu). Sau đó mỗi khi cần thì ta đến các cơ quan hành chính này để xin giấy chứng nhận con dấu đã đăng ký (印鑑登録証明書). Con dấu Jitsu-in không phải là dấu sản xuất hàng loạt mà là con dấu đặt làm riêng nên đa phần có giá khá cao. Con dấu thường dụng Mitome-in là gì? Loại hanko giá rẻ sản xuất hàng loạt dùng làm mitome-in Một loại khác là “認印” (mitome-in). Loại dấu này thường được dùng trong những trường hợp đơn giản hàng ngày như đóng dấu xác nhận giấy tờ trong công ty, khi nhận đồ chuyển phát v.v. Đa phần những con dấu này đều rẻ tiền. Giữa 2 loại con dấu này có một loại dấu gọi là 銀行印 (ginko-in). Hiện nay, khi mở tài khoản ngân hàng, ta có thể dùng chữ ký hoặc con dấu thông thường mitome-in cũng có thể được nhưng nhiều người vẫn đặt làm con dấu đắt tiền với suy nghĩ như vậy sẽ có “vận may”. Đây là loại dấu ginko-in. Như vậy giá làm con dấu theo thứ tự từ đắt đến rẻ như sau : Jitsu-in > ginko-in > mitome-in. Tại sao việc dùng con dấu lại phổ biến ở Nhật? Con dấu ra đời khoảng 2000 năm trước Kim ấn (từ trang web Bảo tàng thành phố Fukuoka) Khoảng 2000 năm trước, hoàng đế nhà Hán (Trung Quốc ngày nay) đã gửi cho thiên hoàng Nhật Bản chiếc dấu và người ta cho rằng từ đó con dấu đã bắt đầu tại Nhật. Đó là con dấu vuông mỗi cạnh 2,3cm được khắc 5 chữ Hán. Vì dấu được làm bằng vàng nên được gọi là Kim ấn, hiện được trưng bày ở Bảo tàng thành phố Fukuoka. Khi đó, con dấu chỉ được hoàng gia sử dụng chứ không phổ biến với đại chúng như hiện nay. Ở Việt Nam hiện cũng trưng bày nhiều con dấu của Triều Nguyễn ở Cố đô Huế, nhưng việc sử dụng con dấu cũng không phổ biến trong dân chúng. Con dấu bắt đầu phổ biến vào thời Edo Quang cảnh Tokyo thời Edo Người ta cho rằng văn hóa dùng con dấu ở Nhật bắt đầu phổ biến trong thời kỳ Edo (1603~1868). Lý do là vì các thương gia sử dụng con dấu khi mua bán hàng hóa. Vào thế kỷ 19, Nhật Bản bắt đầu có bưu điện, ngân hàng và từ đó việc dùng con dấu phổ biến thêm nữa. Năm 1873, việc dùng con dấu khi ký hợp đồng được đưa thành luật. Một chi tiết thú vị là việc sử dụng con dấu cá nhân hiện chỉ phổ biến ở Nhật và Đài Loan, trong khi Trung Quốc là nơi phát minh ra con dấu thì hiện nay hầu như chỉ dùng chữ ký là được. Con dấu điện tử Kể từ khi đại dịch COVID-19 xảy ra, hình thức làm việc từ xa ở Nhật Cũng khá phát triển. Nhưng nhân viên vẫn phải tới công ty để đóng dấu chứng minh có đi làm. Để cải tiến, nhiều cơ quan hành chính và công ty bãi bỏ chế độ đóng dấu khi không cần thiết và trào lưu “Bỏ đóng dấu” đang ngày càng phổ biến. Cùng với việc “Bỏ đóng dấu”, việc sử dụng con dấu điện thử cũng ngày càng phổ biến. Đây là hệ thống đóng dấu bằng con dấu đã được lưu dưới dạng điện tử trong máy tính. Với con dấu điện tử này, người sử dụng có thể đóng dấu trên văn bản dưới định dạng PDF hoặc Excel mà không cần phải in ra. Tuy nhiên việc thiết lập hệ thống như vậy cũng khá tốn kém và phải được đối tác đồng ý mới sử dụng được. Tóm lược Việc dùng con dấu cá nhân ở Nhật Bản rất phổ biến, từ việc đóng dấu xác nhận tài liệu nội bộ công ty tới việc mở tài khoản ngân hàng v.v. Để phù hợp với yêu cầu đóng dấu này, người Việt Nam khi sinh sống tại Nhật cũng nhiều người làm con dấu với giá tương đối rẻ từ khoảng 1.000 yên tới 2.000 yên. Ngoài ra, khi sống lâu tại Nhật và muốn mua bất động sản hoặc vào những dịp quan trọng, chúng ta cần phải có con dấu chính thức, được đăng ký tại các cơ quan hành chính. Đó là con dấu jitsu-in. Với xu hướng “Bỏ con dấu” hiện nay, nhiều người Việt Nam chỉ cần chữ ký cũng có thể làm được các thủ tục cần thiết. Tùy trường hợp mà chúng ta hãy cùng trải nghiệm văn hóa con dấu thú vị của Nhật Bản nhé.

    12/09/2022

  • Đón gia đình đoàn tụ tại Nhật: Trải nghiệm của 3 gia đình

    Số người Việt Nam sinh sống và làm việc ở Nhật Bản đang tăng lên và do vậy số gia đình người Việt Nam ở Nhật cũng tăng lên. Có nhiều trường hợp những người có tư cách kỹ sư hoặc du học sinh sang Nhật trước rồi sau đó đón gia đình sang đoàn tụ. Trường hợp như vậy thì thủ tục đón gia đình ra sao, việc tìm nhà ở hoặc trường học cho con cái như thế nào. Chúng tôi đã gặp 3 gia đình người Việt Nam sang đoàn tụ với vợ hoặc chồng tại Nhật Bản. Xin giới thiệu cùng các bạn. Người trả lời phỏng vấn ◎ Anh Hà Nam Ninh (nhân viên công ty) ・ Từ năm 2018: Sang Nhật làm cho công ty vận tải tàu biển của Nhật (tại tỉnh Fukuoka) ・ Sau khi sang Nhật 3 năm thì đón được vợ và con trai (đang học trung học cơ sở) sang Nhật. ◎ Chị Phạm Trang Vân (du học sinh cao học) ・ Từ năm 2018: Học tại trường đại học quốc lập trong khoảng 2 năm rưỡi ・ Từ 3/2022: Vào học chương trình MBA tại trường đại học Doshisha (tỉnh Kyoto) ・ Từ 6/2022: Đón chồng và 2 con (con lớn học lớp 8 trung học cơ sở, con nhỏ học lớp 5 tiểu học) ◎ Chị Nguyễn Thị Bích Thảo (du học sinh cao học) ・ Từ năm 2020: Sinh viên cao học (khóa tiến sĩ), trường Đại học Tsukuba ・ Từ 2/2022: Đón chồng và 2 con sang Nhật Về nhà ở ―― Các anh chị tìm nhà ở Nhật Bản như thế nào? Anh Nam Ninh: Công ty chuẩn bị sẵn nơi ở Tôi sang Nhật du học vào năm 2005 theo chế độ học bổng của Bộ Văn hóa Khoa học và Kỹ thuật Nhật Bản (MEXT), và học cao học trong 4 năm tại trường Đại học Hàng Hải Tokyo. Sau đó trở lại Việt Nam làm việc. Năm 2018, tôi vào làm việc tại một công ty quản lý tàu biển của Nhật Bản tại tỉnh Fukuoka. Tôi không giỏi tiếng Nhật lắm. Sau khi sang Nhật được khoảng 3 năm rưỡi thì tôi đón được vợ và con trai sang Nhật. Nhà ở của chúng tôi là do công ty thuê sẵn cho. Tiền nhà do chúng tôi trả nhưng trong 5 năm đầu thì công ty có hỗ trợ tiền thuê nhà. Chị Trang Vân: Tự mình đi thuê nhà Link tham khảo: Cách tìm nhà ở Nhật Bản Tôi đang học cao học tại trường đại học tư lập ở thành phố Kyoto. Trước đó, tôi đã từng theo học tại trường Đại học Quốc lập Kyushu và cũng đã đón gia đình sang. Đây là lần thứ 2 tôi đón gia đình sang Nhật. Lần trước tôi sống tại ký túc xá của trường, nhưng lần này thì tôi tự mình tìm nhà và tự ký hợp đồng thuê nhà. Về trường học cho con cái Trường quốc tế (Ảnh mang tính chất minh họa) Anh Nam Ninh: Cho con vào học trường quốc tế Con trai tôi (khi sang Nhật đang là học sinh trung học cơ sở) và tôi cho cháu vào học tại trường quốc tế (học bằng tiếng Anh). Tiền học 1 năm khá đắt, khoảng 2 triệu yên và công ty không hỗ trợ cho mặt này nên khá là vất vả. Chị Trang Vân: Con gái tôi vào trường tiểu học công và cháu nắm bắt tiếng Nhật khá nhanh Học sinh nước ngoài học tiếng Nhật (ảnh minh họa) Khi đến Nhật lần đầu, tôi cho 2 cháu vào học trường công ở nơi mình sống (không tốn học phí, chỉ mất tiền ăn trưa). Cháu lớn lúc sang Nhật đang học lớp 4 nên về mặt ngôn ngữ rất vất vả. Sau khi vào học, các cháu được hỗ trợ học tiếng Nhật. Ban đầu, tuần 2 buổi các cháu tham gia 1 lớp học hỗ trợ tiếng Nhật đặc biệt dành cho người nước ngoài ở một trường tiểu học khác, cách xa nhà khoảng 5 cây số. Việc đi lại khá vất vả. Sau đó chúng tôi chuyển nhà và các cháu cũng chuyển sang trường mới thì có lớp hỗ trợ tiếng Nhật tại trường. Cái khó nhất trong việc học tiếng Nhật là chữ Hán. Cháu phải luyện đi luyện lại sách tập viết chữ Hán do nhà trường phát. Cứ như vậy, sau 1 năm thì trình độ tiếng Nhật của cháu đã đạt được độ 50%, và sau 2 năm thì cháu có thể hiểu được tiếng Nhật tới 90%. Ngược lại, cháu thứ 2 thì khi sang Nhật cháu mới vào lớp 1 tiểu học, nên cháu làm quen tiếng Nhật khá nhanh, hầu như không có vấn đề gì. Lần sang Nhật thứ hai này, cháu lớn vào trung học cơ sở, cháu bé học tiểu học và hoàn toàn không có vấn đề gì về ngôn ngữ. Chị Bích Thảo: Thành phố Tsukuba tích cực hỗ trợ trẻ người nước ngoài Tôi đến Nhật và bắt đầu sống ở Nhật từ năm nay (2022). Cháu đầu là con trai, hiện học lớp 4 tiểu học và con gái nhỏ học lớp 1 tiểu học ở trường công (không mất học phí, chỉ mất tiền ăn). Thành phố Tsukuba có nhiều trẻ em người nước ngoài Trước khi đón con sang, tôi đã xin tư vấn với ủy ban giáo dục ở thành phố Tsukuba. Tsukuba là một “Thành phố Khoa học” do chính phủ Nhật Bản thành lập tại tỉnh Ibaraki. Nơi đây có khoảng 300 cơ sở nghiên cứu và khoảng 20.000 người nước ngoài đang nghiên cứu và học tập. Vì lý do này mà các trường tiểu học và trung học cơ sở công lập ở Tsukuba có nhiều trẻ em người nước ngoài theo học. Các cháu nhà tôi vào học tại trường tiểu học công lập Azuma. Lớp của con trai tôi có 33 học sinh thì có tới 5 cháu là người nước ngoài. Còn lớp của con gái tôi có 31 cháu thì có 5 cháu là người nước ngoài. Chương trình hỗ trợ tiếng Nhật Bản cho người nước ngoài Học sinh nước ngoài học tiếng Nhật (ảnh minh họa) ・ Tại trường tiểu học Azuma có chương trình dạy tiếng Nhật cho người nước ngoài (tuần 4 buổi học đặc biệt). Các buổi học này hỗ trợ các em học sinh người nước ngoài tùy theo trình độ của từng em. ・ Tuy trường tiểu học Azuma cách xa nhà tôi (ký túc xá của trường đại học) độ 4 cây số. Nhưng tôi quyết định chọn trường này là vì trường có nhiều kinh nghiệm trong việc tiếp nhận học sinh người nước ngoài. Các cháu nhà tôi đi học bằng xe buýt theo tuyến thông thường. ・ Lớp 4 của con trai tôi có một bạn học sinh người Việt Nam đã học tại đây từ lớp 1 nên bạn hỗ trợ cho cháu nhà tôi. Trong khi ở trường nếu có gì không hiểu thì bạn đó dịch giúp cháu. Cách xin COE và visa Giấy chứng nhận tư cách lưu trú ở Nhật Bản (COE)(bản chụp) Thân nhân của những người đi làm việc hoặc du học sinh đang sinh sống tại Nhật nếu có tư cách “Lưu trú gia đình ” tức có tư cách lưu trú ở Nhật Bản (COE) thì có thể sống tại Nhật. Để có được tư cách này thì cần phải có 2 loại giấy tờ như sau. ① Giấy chứng nhận tư cách lưu trú ở Nhật Bản (COE) Cần nộp hồ sơ tại Cơ quan Quản lý Xuất nhập cảnh Nhật Bản (Nyukan). ② Visa (thị thực) Sau khi có được giấy COE thì sẽ nộp hồ sơ lên Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đã xin visa. ■ Giấy tờ để xin COE Hồ sơ xin giấy chứng nhận tư cách lưu trú ở Nhật Bản Ảnh (4cm×3cm) Phong bì để gửi trả kết quả *Có đề tên và địa chỉ người nhận *Dán tem 440 yên *Khi có kết quả, cơ quan chức năng sẽ gửi trả lại cho người nộp hồ sơ Giấy chứng minh quan hệ thân nhân (1 trong số những giấy tờ sau) *Bản sao hộ tịch *Bản sao giấy đăng ký kết hôn *Bản sao giấy chứng nhận kết hôn *Bản sao giấy khai sinh *Hoặc loại giấy tờ nào có thể thay thế những giấy tờ nói trên Thẻ cư trú và hộ chiếu của người gửi đơn xin (bản sao) Giấy chứng nhận đang làm việc và thu nhập ①Trường hợp người gửi đơn xin là doanh nhân hoặc người đi làm *Giấy chứng nhận tại chức hoặc giấy phép kinh doanh (bản sao) *Giấy chứng nhận đóng thuế địa phương và nộp thuế thu nhập (Nếu có ghi rõ tình trạng nộp thuế trong 1 năm thì 1 trong 2 loại này là được (giấy do tòa thị chính địa phương cấp) ②Trường hợp là du học sinh *Giấy chứng nhận số dư tài khoản hoặc giấy chứng nhận học bổng Anh Nam Ninh: Công ty hỗ trợ trong việc xin COE cho gia đình Từ trái sang: Con trai,vợ, tôi (Nam Ninh) và con gái lớn đã du học tại Nhật Khi tôi sang Nhật thì việc xin giấy chứng nhận tư cách lưu trú (COE) và visa của tôi là do công ty làm. Nhưng khi đón gia đình sang thì tôi phải tự làm hồ sơ với sự hỗ trợ của công ty. Để có được COE cho con trai, tôi cần phải chuẩn bị những giấy tờ như sau. 〈COE〉 ・ Đơn xin COE (tự viết) ・ Bản sao giấy khai sinh (do Việt Nam cấp) ・ Giấy đăng ký thường trú (lấy tại cửa hàng tiện lợi conbini) ・ Giấy chứng nhận tại chức (công ty cấp) ・ Hợp đồng lao động (công ty cấp) ・ Giấy chứng nhận nộp thuế thu nhập (tiếng Nhật) ・ Giấy chứng nhận tiền lương (công ty cấp) ・ Sổ ngân hàng (bản sao) ・ Thẻ lưu trú (bản sao) ・ Hộ chiếu của con trai (bản sao) ・ Giấy chứng nhận không mắc bệnh lao của con trai (do phía Việt Nam cấp) Clip hướng dẫn lấy giấy đăng ký thường trú tại conbini (Tiếng Việt) 〈VISA〉 ・ Đơn xin visa ・ Giấy COE của con trai ・ Giấy bảo lãnh (do công ty cấp) ・ Lý do mời sang Nhật (do công ty cấp) ・ Hộ chiếu của con trai (bản gốc) ・ Giấy khai sinh của con trai Sau khi có được COE, tôi đã thông qua một công ty để nộp hồ sơ lên Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam để xin visa. Trên trang web của Đại sứ quán có ghi danh sách các công ty được Đại sứ quán công nhận có tư cách làm đại lý. Chị Trang Vân: Tự mình làm hồ sơ để xin COE Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh (Nyukan), chi nhánh Osaka Tôi đến Nhật Bản vào tháng 2/2022 và một tháng sau tôi nộp hồ sơ xin COE cho gia đình tại Nyukan chi nhánh ở Osaka. Tôi nghĩ lâu nhất thì cũng chỉ 3 tuần là được cấp COE nhưng lần này hóa ra là mất tận 6 tuần mới xin được COE. Sau khi có COE, gia đình tiến hành nộp hồ sơ xin visa lên Đại sứ quán Nhật Bản tại Hà Nội. Bản thân tôi khi xin visa phải mất 3 tuần, nhưng gia đình thì chỉ sau 1 tuần là có visa. Có lẽ thời điểm gia đình tôi xin visa thì số người nộp hồ sơ xin visa ít hơn trước chăng. Toàn bộ hồ sơ xin COE nộp cho Nyukan (tiếng Nhật), tôi đều từ làm lấy, bên trường không hỗ trợ gì. Tùy theo trường đại học mà khi làm thủ tục xin COE cho sinh viên thì trường hỏi xem có đón gia đình không để xin luôn COE cho gia đình. Lần này vì nhà trường nơi tôi đang theo học không có chế độ đó, nên tôi phải tự làm lấy tất cả hồ sơ. Chị Bích Thảo: Tôi tự làm hồ sơ xin COE cho gia đình Trường Đại học Tsukuba Tôi nộp hồ sơ xin COE cho chồng con tại Nyukan chi nhánh ở thành phố Mito. Tôi tải toàn bộ hồ sơ từ trên mạng xuống. Giấy tờ có 2 mẫu, bằng tiếng Nhật và tiếng Anh, tôi chọn mẫu bằng tiếng Anh. Sau khi điền xong những giấy tờ cần thiết, tôi chuẩn bị toàn bộ bản sao hộ chiếu của chồng, con, giấy khai sinh của các con, giấy chứng nhận kết hôn, thẻ sinh viên (bản sao), thẻ lưu trú (bản sao), rồi nộp lên Nyukan. Tại trường Đại học Tsukuba việc lấy bản sao thẻ sinh viên và giấy chứng nhận học bổng rất đơn giản. Chỉ cần cho thẻ sinh viên vào máy ở trường là có thể lấy được. Sau khi nộp hồ sơ lên Nyukan thì sau khoảng 1 tháng(vào 1/2021) tôi nhận được COE cho gia đình và sau đó gửi về cho gia đình để tiến hành làm hộ chiếu. Tuy nhiên do ảnh hưởng của đại dịch corona mà tới tận tháng 2/2022 gia đình tôi mới tới Nhật được. Cuộc sống ở Nhật Gia đình chị Trang Vân ―― Ngoài những vấn đề về nhà ở và trường học, xin anh chị cho biết về cuộc sống tại Nhật. Anh Nam Ninh ① Ngôn ngữ sử dụng ở chỗ làm Tôi không nói được nhiều tiếng Nhật, nhưng công việc quản lý tàu đang hoạt động trên biển thì lại dùng tiếng Anh và nhân viên người Nhật cũng phải dùng tiếng Anh. Ngoài ra, trong công ty thông thường mọi người nói tiếng Nhật, riêng lĩnh vực mà tôi phụ trách thì mọi người đều nói tiếng Anh nên đối với tôi, ngôn ngữ không có vấn đề gì. ② Giao thông công cộng Mặc dù hệ thống giao thông công cộng như xe buýt, tàu điện ở Nhật rất phát triển, nhưng những thông báo trên tàu xe hoặc bản đồ hướng dẫn lại chủ yếu bằng tiếng Nhật nên việc “chuẩn bị trước” là rất quan trọng. Mỗi khi đi đâu, thì tôi đều tìm hiểu kỹ càng xem chuyến tàu tôi định đi xuất phát ở sân ga nào, vào lúc nào, đi mấy ga thì xuống hoặc tới ga nào thì chuyển tàu. Lúc đầu, tôi thường dùng ứng dụng hướng dẫn cách đi tàu 「乗換案内」というYahooアプリ nhưng ứng dụng này chỉ có tiếng Nhật nên cũng vất vả. Sau này tôi sử dụng Google map phiên bản tiếng Việt hoặc tiếng Anh. Tham khảo: Các ứng dụng điện thoại hữu ích trong cuộc sống (Phần công cụ tra cứu đường đi) ③ Các loại giấy tờ chứng nhận liên quan tới hành chính Một số giấy chứng nhận hành chính, ví dụ giấy đăng ký thường trú có thể tự động lấy được tại các cửa hàng tiện lợi conbini. Còn những loại giấy tờ khác, nếu phải đến tận nơi để xin thì tôi phải tìm hiểu kỹ trước trên các trang web của cơ quan hành chính địa phương để chuẩn bị đầy đủ những thứ cần thiết rồi mới đi. Như vậy thì dù có không nói được nhiều tiếng Nhật cũng không khó khăn lắm. Chị Trang Vân ① Mua SIM điện thoại Tham khảo: Cước (SIM) điện thoại giá rẻ cho người nước ngoài Tôi vốn làm việc trong ngành điện thoại viễn thông Việt Nam nhưng không thể lý giải được cách bán SIM điện thoại ở Nhật Bản. ・ Ở Nhật phải ký hợp đồng với nhà mạng để mua SIM điện thoại ・ Để ký hợp đồng với nhà mạng thì cần phải có tài khoản ở ngân hàng ở Nhật ・ Nhưng để mở tài khoản thì lại phải cần số điện thoại Rất may là ngân hàng Yucho (ngân hàng bưu điện) của Nhật được phép mở tài khoản và khi nào có số điện thoại thì đăng ký sau nên tôi chọn mở tài khoản Yucho. Sau khi có tài khoản, tôi mới ký hợp đồng được với nhà mạng để mua SIM điện thoại. ② Tùy theo trường đại học và sự hỗ trợ khác nhau Trường Đại học Kyushu Lần đầu sang du học tại trường Đại học Kyushu thì trường có hệ thống hỗ trợ sinh viên 24/24. Ví dụ nếu bị ốm đột xuất hoặc cần hỗ trợ thì chỉ cần nhắn tin vào hệ thống sẽ có người hỗ trợ. Ví dụ có lần bạn tôi bị đau bụng đột ngột, nhóm hỗ trợ đã gọi xe cấp cứu hộ. Nhưng trường đại học hiện nay tôi đang theo học thì không có chế độ này. Chị Bích Thảo ① Thủ tục hành chính (hỗ trợ của nơi tiếp nhận) Khi tôi đến Nhật thì trường Đại học Tsukuba cử một người tutor (người hỗ trợ đời sống) người Nhật đến để giúp tôi làm những thủ tục hành chính tại các cơ quan hành chính. Nhưng khi đón gia đình sang, tôi phải tự làm những thủ tục này. Do không nói được nhiều tiếng Nhật nên khi nào khó tôi dùng tiếng Anh. Nhưng những lúc tiếng Anh mà hai bên vẫn không hiểu được thì tôi sử dụng ứng dụng dịch trên Google. Ngoài ra cũng có lúc tôi phải sử dụng dịch vụ dịch trực tuyến nữa. Tham khảo: Các ứng dụng điện thoại tiện ích cho cuộc sống ở Nhật Bản (Phần công cụ giao tiếp) ② Tiền sinh hoạt Sau khi đến Nhật, chồng tôi đi làm thêm tại một cửa hàng sushi, 1 tuần làm việc độ 28 giờ làm. Mặc dù tôi có học bổng và tiền học của các con là miễn phí, nhưng việc đi học của các cháu cũng có nhiều thứ phải trang trải. Nhờ có thêm thu nhập của chồng mà chúng tôi có thể dần dần mua sắm đủ đồ dùng học tập cho các cháu. Tóm lược Trong bài viết này, chúng tôi đã giới thiệu về quá trình làm thủ tục để đón gia đình sang Nhật chung sống của những người Việt Nam là kỹ sư hoặc du học sinh đang ở Nhật Bản cũng như những trải nghiệm ở trường học của con cái họ. Gần đây, các trường tiểu học, trung học ở Nhật cũng có nhiều cơ chế hỗ trợ học sinh người nước ngoài. Tùy từng trường mà hình thức hỗ trợ có khác nhau nhưng nhiều em học sinh, với sự hỗ trợ nhiệt tình của thầy cô mà chỉ sau 2 hoặc 3 năm là đã có trình độ tiếng Nhật tốt, đủ để hiểu bài giảng. Chúng tôi mong các bạn Việt Nam đang sinh sống tại Nhật có thể tham khảo bài viết khi muốn đón gia đình sang đoàn tụ và nếu có bạn bè cần tìm hiểu thông tin, mong các bạn cùng chia sẻ, giới thiệu với họ bài viết này nhé.

    07/09/2022

  • Tiện ích của cửa hàng tiện lợi! 〜Chi phí sinh hoạt, ATM, chuyển phát nhanh〜

    Cửa hàng tiện lợi (Combini) ở Nhật quả đúng thật tiện lợi nhỉ? Dù mình biết là chúng rất tiện lợi đó nhưng mà mình lại không biết mình có thể làm được những gì ở đấy? Mình có thể tận dụng tối đa 100% chức năng của nó không nhỉ? Trong một bài viết khác, chúng mình đã giới thiệu về cách sử dụng máy photo ở cửa hàng tiện lợi (dùng để photo, nhận giấy chứng nhận cư trú, v.v.). Đến với với bài viết lần này, chúng mình sẽ giới thiệu tới các bạn cách trả các loại phí sinh hoạt, cách trả tiền bảo hiểm sức khỏe quốc dân, cách nhận hàng đã đặt online, cách sử dụng máy ATM, v.v… Chúng mình cùng nhau tận dụng tối đa tiện ích cửa hàng tiện lợi ở Nhật nhé! Tiện ích của cửa hàng tiện lợi! ~Cách dùng máy photocopy~ <Nội dung> ・ Mua cà phê phin ・ Nhận hàng giao tới tận nơi ・ Trả tiền bảo hiểm sức khỏe quốc dân ・ Trả phí sinh hoạt ・ Rút tiền bằng ATM ・ Sử dụng quầy ăn uống ・ Điểm lưu ý khi sử dụng nhà vệ sinh ・ Tổng kết Mua cà phê phin Ở cửa hàng tiện lợi, ngoài loại cà phê được đựng trong lon hay hộp giấy ra thì còn có loại khác nữa đấy! Bạn có biết rằng chúng ta có thể mua cà phê phin hoặc cà phê đá ngay tại cửa hàng không? Cafe phin ở cửa hàng tiện lợi giá dễ chịu hơn hẳn so với cà phê ở quán cà phê đấy! Sau đây, mình (Ngọc Anh – du học sinh tại một trường đại học ở Nhật) sẽ hướng dẫn các bước mua cà phê nóng và cà phê latte đá ở cửa hàng tiện lợi thông qua video. Cách mua cà phê nóng và lạnh có chút khác nhau đấy. Vì thế, hãy cùng mình xem video dưới đây nào! <Video>Cách mua cà phê phin ở cửa hàng tiện lợi Nhận hàng giao tới tận nơi Bạn đã từng mua đồ trên các trang thương mại điện tử như Amazon, v.v. sau đó nhờ họ giao tới tận nhà chưa? Tuy nhiên, nếu mình không thể nhận đồ vì không có ở nhà thì sao? Minh sẽ vừa cảm thấy có lỗi với nhân viên chuyển phát, vừa nhận đồ trễ nữa. Cảm giác cứ tiêng tiếc thế nào ấy nhỉ? Để không xảy ra những trường hợp như thế, bạn có thể đổi địa điểm nhận hàng thành cửa hàng tiện lợi gần nhà. Nếu vậy, bạn có thể nhận đồ bất cứ khi nào bạn muốn! Mình sẽ giới thiệu với các bạn cách chọn cửa hàng tiện lợi là nơi nhận đồ đặt trên Amazon và cách nhận đồ ở cửa hàng tiện lợi thông qua video dưới đây. <Video> nhận đồ đã đặt online trên amazon Trả tiền bảo hiểm sức khỏe quốc dân Bạn có thể trả các loại phí sinh hoạt như tiền điện thoại, gas, điện, v.v. tại cửa hàng tiện lợi. Ngoài ra, bạn còn có thể trả cả tiền bảo hiểm sức khỏe quốc dân nhé. Nếu bạn đăng ký “Bảo hiểm sức khỏe quốc dân” hay “bảo hiểm sức khỏe” thì bạn sẽ nhận được thẻ bảo hiểm. Trong nhiều trường hợp, khi bạn trình thẻ bảo hiểm tại các cơ quan y tế, tiền khám bệnh có thể được giảm 70%. Những bạn người nước ngoài đang làm việc ở Nhật theo dạng Kỹ năng đặc định, Thực tập sinh, làm việc với tư cách lưu trú là “Kỹ thuật - Tri thức nhân văn - Nghiệp vụ quốc tế” sẽ được công ty đăng ký “Bảo hiểm sức khỏe”, công ty và nhân viên – mỗi bên sẽ trả một nửa tiền bảo hiểm. Công ty sẽ lo phần thủ tục thanh toán và đăng ký. Tuy nhiên, các bạn du học sinh sẽ phải tham gia “Bảo hiểm sức khỏe quốc dân” và tự bản thân chi trả toàn bộ tiền bảo hiểm. Bảo hiểm Sức khỏe|KOKORO Để có thể trả tiền bảo hiểm sức khỏe quốc dân, bạn cần có giấy thanh toán (納入済通知書). Giấy này sẽ được tòa hành chính thành phố (shiyakusho) hoặc quận (kuyakusho) gửi về nhà bạn. Giấy thanh toán bảo hiểm sức khỏe quốc dân (Bên phải) Giấy yêu cầu nộp tiền sẽ được đựng trong một phong bì như ảnh trên rồi gửi tới bạn. Hãy cầm giấy đó tới cửa hàng tiện lợi nào. Khi thanh toán, bạn cần có mã code in trên giấy yêu cầu nộp tiền. Bạn đưa “giấy yêu cầu nộp tiền” cho nhân viên tại quầy thanh toán ở cửa hàng tiện lợi. Kể cả bạn không nói gì, nhân viên sẽ scan mã đó cho bạn. Sau đó, bạn cần thao tác trên màn hình của máy tính tiền theo chỉ dẫn của nhân viên và trả tiền. Có rất nhiều phương thức thanh toán nhưng mình đã chọn “trả bằng tiền mặt”. Sau đó mình đã cho tiền vào trong máy. Các bạn đừng quên ấn nhận tiền thừa nhé. Biên lai thanh toán sẽ đi ra từ máy tính tiền. Cùng với biên lai thanh toán này, nhân viên sẽ cắt một phần của giấy thanh toán, đóng dấu xác nhận và đưa cho bạn. Vì đây là giấy tờ chứng minh rằng bạn đã thanh toán rồi nên hãy giữ chúng thật kỹ nhé. Vậy là mình đã thanh toán xong tiền bảo hiểm rồi! Giấy thanh toán đã được đóng dấu của cửa hàng tiện lợi Trả phí sinh hoạt Giấy thanh toán tiền gas (Ảnh trên trang chủ của Tokyo Gas) Bạn có thể thanh toán các loại phí sinh hoạt như tiền điện thoại, tiền nước, tiền gas, tiền điện, v.v. tại cửa hàng tiện lợi. Quy trình thanh toán thì giống với cách thanh toán bảo hiểm sức khỏe quốc dân ở trên. Sau khi giấy thanh toán có mã code được gửi tới nhà, bạn hãy tới cửa hàng tiện lợi và đưa cho nhân viên thu ngân tờ giấy đó. Rút tiền bằng ATM Có rất nhiều người ngoại quốc rút tiền mặt tại cây ATM của ngân hàng Yucho. Tuy nhiên, bạn còn có thể rút tiền tại ATM trong cửa hàng tiện lợi đó. Tuỳ vào ngân hàng và loại ATM mà phí rút tiền sẽ có sự chênh lệch. Vì thế, khi bạn đút thẻ vào và thực hiện quy trình rút tiền mặt, hãy kiểm tra xem mình bị mất bao nhiêu tiền phí nhé. Mình muốn giới thiệu quy trình rút tiền mặt bằng ATM ở cửa hàng tiện lợi thông qua video dưới đây. <Video> Rút tiền bằng ATM ở cửa hàng tiện lợi Sử dụng quầy ăn uống Quầy ăn uống ở cửa hàng tiện lợi. Quầy ăn ở cửa hàng tiện lợi ở Nhật thì cũng giống với cửa hàng tiện lợi ở Việt Nam nhỉ. Tuy nhiên, cũng có cửa hàng tiện lợi không có quầy ăn như thế này. Theo kinh nghiệm của bản thân mình, những cửa hàng tiện lợi nằm trong ga thường khá nhỏ nên không có quầy ăn. Chỉ có khách hàng đã mua đồ tại cửa hàng tiện lợi đó mới có thể sử dụng quầy ăn. Nếu bạn mua đồ ăn, thức uống ở bên ngoài, bạn sẽ bị cấm không được mang vào ăn. Điểm lưu ý khi sử dụng nhà vệ sinh Nhà vệ sinh ở cửa hàng tiện lợi Hầu hết các cửa hàng tiện lợi to và khá to đều có nhà vệ sinh. Những cửa hàng tiện lợi nhỏ nằm ở trong ga tàu v.v. thì thường là không có nhà vệ sinh. Cũng có trường hợp dù là có nhà vệ sinh nhưng khách không thể sử dụng. Mình còn thắc mắc là “Đã mất công xây nhà vệ sinh mà lại không cho khách sử dụng là sao?”. Cái này thì cũng có nguyên do, bối cảnh của riêng nó. “Có rất nhiều khách hàng dùng nhà vệ sinh không sạch sẽ nên việc dọn dẹp vô cùng khổ cực. Vì thế, các bạn nhân viên thay nhau xin nghỉ việc”. Do những sự việc như thế diễn ra liên tục, cửa hàng buộc phải cấm sử dụng nhà vệ sinh sau khi cân nhắc kỹ lưỡng. Để những chuyện như thế không diễn ra, chúng ta hãy cùng nhau cố gắng sử dụng nhà vệ sinh sạch sẽ nào. Nhân tiện đây, nếu bạn muốn biết thêm về thao tác nút bấm trong nhà vệ sinh, hãy ghé qua bài viết dưới đây nhé! Ý nghĩa những nút bấm trong nhà vệ sinh Nhật Bản Một điểm nữa được coi là điều cần phải lưu ý khi sử dụng nhà vệ sinh ở Nhật, đó là: Nhà vệ sinh được lắp đặt để phục vụ cho khách hàng đã sử dụng dịch vụ, mua sản phẩm tại cửa hàng tiện lợi đó. Nếu bạn không mua gì cả nhưng lại sử dụng nhà vệ sinh thì điều đó đang đi ngược lại với phép lịch sự nên hãy hạn chế làm thế nhé. Nếu bạn rất muốn dùng nhà vệ sinh nhưng lại không có ý định mua gì ở cửa hàng tiện lợi, sau khi sử dụng xong nhà vệ sinh, bạn nên mua gì đó, kể cả mấy món đồ giá rẻ cũng được. Tổng kết Bạn cảm thấy bài viết này thế nào? Bạn đã hiểu thêm về cửa hàng tiện lợi chưa? Trong bài viết này, mình đã giới thiệu về cách sử dụng những dịch vụ, thiết bị tại cửa hàng tiện lợi thông qua các video. ・Cách mua cà phê phin ・Cách nhận hàng giao tới tận nơi ・Cách thanh toán phí sinh hoạt ví dụ như tiền bảo hiểm sức khỏe quốc dân ・Cách rút tiền bằng ATM ・Cách sử dụng quầy ăn uống ・Điểm lưu ý khi sử dụng nhà vệ sinh Những việc chúng ta có thể làm ở cửa hàng tiện lợi thật là ngoài sức tưởng tượng nhỉ. Để cuộc sống của bạn ngày càng thoải mái hơn, hãy thử tận dụng tối đa các tiện ích của cửa hàng tiện lợi mà bạn thường sử dụng nhé.

    28/07/2022

Đơn vị vận hành

Nhà tài trợ Bạch Kim

Đơn vị hỗ trợ

  • Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam
  • Trung tâm Giao lưu Văn hoá Nhật Bản tại Việt Nam
  • Văn phòng JNTO Hà Nội
  • Liên đoàn kinh tế vùng Kansai
  • Hội Việt Nam (JAVN)
  • Hội hỗ trợ Tomoiki Việt Nhật
  • Hiệp hội phát triển giao lưu nguồn nhân lực quốc tế

Đơn vị hợp tác

Tổ chức hỗ trợ du học sinh
Nhật Bản (JASSO)

Mạng lưới luật sư cho lao động người nước ngoài

WA.SA.Bi.

Danh mục

  • Khác biệt văn hoá

    Khác biệt văn hoá

  • Sinh hoạt - Chi phí

    Sinh hoạt - Chi phí

  • Xuất nhập cảnh - Visa

    Xuất nhập cảnh - Visa

  • Làm thêm - Xin việc

    Làm thêm - Xin việc

  • Bốn mùa - Du lịch

    Bốn mùa - Du lịch

  • Hỗ trợ người nước ngoài

    Hỗ trợ người nước ngoài

  • Cộng đồng

    Cộng đồng

  • Bí quyết học tiếng Nhật

    Bí quyết học tiếng Nhật

  • Y tế - Sức khoẻ

    Y tế - Sức khoẻ

  • Nhà hàng - Siêu thị Việt

    Nhà hàng - Siêu thị Việt

  • Thực tập kỹ năng

    Thực tập kỹ năng

  • Kỹ năng đặc định

    Kỹ năng đặc định

  • Nhân lực chất lượng cao

    Nhân lực chất lượng cao

  • Du học

    Du học

  • Phòng chống thiên tai

    Phòng chống thiên tai