Blog

Tết Nhật – Tết Việt giống và khác nhau thế nào?

blog_2901_img1
29/01/2021

Cái Tết đã tạm biệt người Nhật được hơn một tháng và sắp “hạ cánh” xuống Việt Nam. Nhân dịp này, cùng tìm hiểu xem người Nhật và người Việt đón Tết có những điểm gì giống và khác nhau nhé.

Giống nhau

Tết luôn là dịp để chúng ta tưởng nhớ những người thân đã mãi mãi đi xa. Nét đẹp văn hóa này tồn tại trong cả cuộc sống của người Việt lẫn người Nhật.

Người Nhật cũng quây quần bên mâm cơm gia đình vào buổi tối cuối cùng trong năm. Tuy nhiên, nếu bữa cơm tất niên của người Việt thường rất phong phú trong thực đơn thì món ăn phổ biến nhất ở Nhật ngày giao thừa là mỳ trường thọ (toshikoshi soba). Tên của món ăn đã quá đủ để miêu tả về ý nghĩa của nó rồi.

Nhật Bản cũng có truyền thống mừng tuổi, cũng cúng bái, đi chùa đi đền thần đạo vào mùng 1, xin quẻ đầu năm, ăn một số món ăn truyền thống mang ý nghĩa may mắn vào dịp Tết như đậu đen ngào đường hay củ sen hầm. Tiện đây cũng xin được giải thích tại sao người Nhật lại ăn củ sen hầm vào mùng 1: Món ăn này mang ý nghĩa “nhìn thấy tương lai tươi sáng” do củ sen có lỗ và tiếng Nhật coi việc nhìn qua lỗ trên củ sen tương ứng với từ “Mitooshi” – nghĩa là nhìn thấu được tương lai. Món trứng cá Kazunoko cũng khá phổ biến vào dịp đầu năm với mong muốn có con đàn cháu đống.

Xếp hàng đi lễ đền Thần đạo ngày Tết ở Nhật

Mỳ Toshikoshi soba

Có rất nhiều người Việt tôi gặp từng đùa rằng, Táo quân là điều khiến Tết Việt độc nhất vô nhị trên khắp thế giới. Vậy thì nhầm rồi. Ở Nhật, vào đêm giao thừa cũng có một chương trình truyền hình ca nhạc tên là Kouhaku Uta Gassen, mô típ giống hệt như táo quân ở Việt Nam.

Khác nhau

Tết ở Việt Nam thường kéo theo sự đông lên bất thường ở các thành phố lớn do người dân đổ xô đi mua sắm, nhiều cơ quan ở các tỉnh lên thành phố để họp tổng kết, liên hoan, biếu xén. Tham gia giao thông vào những ngày cận Tết ở Hà Nội hoặc thành phố Hồ Chí Minh là cơn ác mộng đối với mọi người.

Ở Nhật thì sự đông lên chỉ diễn ra ở một số địa điểm nhất định, không ảnh hưởng gì đến cuộc sống thường ngày của người dân. Người Nhật có tập quán biếu quà cuối năm (oseibo), thường được gửi qua dịch vụ chuyển phát nên các quầy bán quà tặng cuối năm thường rất đông khách, và dịch vụ chuyển phát cũng rất bận rộn.

Ngoài ra thì một số ga tàu lớn cũng đông hơn bình thường. Mặc dù vậy sự gia tăng về số lượng người ở các địa điểm này diễn ra rất trật tự, ngăn nắp nên hầu như không có những lời than thở kiểu “do Tết mà ra”.

Cầu Thê Húc ngày 1 Tết

Nói tới chuyện sắm Tết cũng có sự khác biệt rất lớn giữa Việt và Nhật. Người Việt, đặc biệt là các tỉnh thành phố ngoài Bắc, coi Tết là ngày lễ quan trọng nhất năm nên mức độ mua sắm, trang hoàng nhà cửa cũng tương đương với tầm quan trọng đó. Có rất nhiều người chi ra cả trăm triệu để mua sắm cây cảnh đáp ứng đủ 2 yếu tố “đẹp và độc”, tậu những chai rượu đắt tiền, thậm chí sửa sang, thay mới nhiều vật dụng trong nhà. Ai ai cũng muốn sở hữu một cơ ngơi khang trang, sành điệu để đón khách tới chúc Tết.

Ở Nhật thì hoạt động sắm Tết diễn ra vô cùng yên ả và đơn giản. Ngoài việc sắm sửa nguyên vật liệu để nấu những món ăn đầu năm thì người Nhật chỉ chi ra một số tiền nhỏ để mua Kadomatsu và Shimekazari treo trước cửa nhà.

Người dân ở Hà Nội treo cờ đón Tết

Shimekazari treo trước cửa nhà người Nhật

Kadomatsu có nghĩa là “Thông (ở) cửa” là một khối tròn, được kết bằng một loại cành thông đặc biệt cùng với 3 đoạn tre vạt chéo bên ngoài bện bằng rơm. Theo truyền thống ở Nhật sẽ được đặt trước cửa nhà vào dịp đầu năm mới, để chào đón linh hồn tổ tiên hoặc “Thần nông”, vì theo Thần đạo của Nhật Bản thì thần linh thường cư trú trong thân cây. Còn Shimekazari mang ý nghĩa xua đuổi tà mà, quỷ dữ. Đây hoàn toàn là những vật trang trí mang ý nghĩa tâm linh.

Thêm một sự khác biệt lớn nữa là về trang phục. Người Việt chúng ta thường dành những bộ trang phục đẹp nhất cho ngày Tết. Trẻ con thường mặc quần áo mới, đàn ông mặc âu phục, phụ nữ ăn diện hơn ngày thường.

Phụ nữ diện những bộ quần áo đẹp trong ngày Tết

Còn người Nhật thì ngày càng đơn giản hơn trong chuyện ăn mặc dịp Tết. Họ vẫn mặc những bộ trang phục như ngày bình thường. Điều này xuất phát từ sự khác nhau cơ bản về thời điểm Tết giữa 2 quốc gia. Ở Việt Nam, Tết là đón Xuân sang, còn Tết Nhật lại rơi vào thời điểm lạnh nhất trong năm nên mặc sao cho ấm quan trọng hơn mặc cho đẹp.

Cách thức chúc Tết giữa 2 quốc gia cũng khác nhau rất lớn. Người Nhật có thói quen viết thiệp chúc Tết (Nengajo) và gửi tới bạn bè, người thân. Những thiệp chúc Tết này, nếu được gửi đi trước ngày 25/12 thì sẽ đến tay người nhận vào đúng ngày 1 Tết, nếu gửi trước ngày 28 Tết thì bưu thiếp sẽ đến nơi từ ngày 3 trở đi. Nét đẹp văn hóa này thường được những người trung niên trở nên duy trì thường xuyên, chứ giới trẻ thời đại công nghệ thì việc gửi tin nhắn qua mạng xã hội hiện nay đã rất phổ biến.

Thiệp chúc Tết Nengajo

Trong khi đó, người Việt thì phải chờ năm mới sang mới bắt đầu đi chúc Tết. Như chúng ta đều biết thì hoạt động chúc Tết sẽ là những cuộc hành trình từ nhà này sang nhà khác, rất rôm rả, vui vẻ. Điều này hầu như không xảy ra ở Nhật. Lý do là người Nhật quan niệm Tết là thời điểm nghỉ ngơi, dành riêng cho gia đình. Nếu có đi “du xuân” thì người Nhật cũng chỉ giữ quy mô trong gia đình thôi.

Cảnh đi chúc Tết trong một gia đình ở Hà Nội

Ở Việt Nam, vào thời khắc giao thừa sẽ có bắn pháo hoa, đếm ngược, hái lộc đầu năm, vào chùa thắp hương, dâng lễ… Trong khi đó ở Nhật thì vào thời khắc chuyển giao giữa 2 năm, các chùa trên khắp đất nước sẽ đánh 108 tiếng chuông gọi là joya no kane. 108 tiếng chuông này được tin là sẽ giảm bớt 108 dục vọng và nỗi thống khổ của con người, đồng thời là dấu hiệu tiễn năm cũ đi để đón một năm mới tới với nhiều điều mới mẻ. Đa phần nhà chùa tổ chức cho người dân cùng đến đánh chuông.

Người dân cùng tham gia đánh chuông Joyanokane

Thạch Long