Blog

Osechi ryori – Món ăn truyền thống trong ngày Tết của Nhật Bản

おせち(1)
21/12/2021

【Collaboration blog】

Sắp đến Tết tây (1/1) rồi các bạn nhỉ? Đã từ lâu, người Nhật chỉ đón Tết Dương lịch, những món ăn truyền thống mà các gia đình người Nhật ăn trong dịp này được gọi là “Osechi ryori” (gọi tắt là Osechi). Osechi gồm rất nhiều loại, mỗi món ăn trong đó lại mang theo những ý nghĩa riêng và gửi gắm nhiều tâm nguyện khác nhau. Trong bài viết này, mình sẽ giới thiệu những món tiêu biểu trong Osechi nhé.

Hiện nay mình đang học cao học tại Đại học Osaka, mình đã được trải nghiệm 2 cái Tết tại Nhật rồi đấy. Tết đầu tiên mình được một bạn người Nhật mời đến nhà riêng, mình được cùng gia đình bạn đó thưởng thức rất nhiều loại Osechi ngon và đẹp mắt. Mình rất muốn giới thiệu để các bạn cũng biết về những món ngon này.

Osechi ryori là gì

Hộp Jubako đựng osechi ryori

Osechi ryori là những món ăn truyền thống mà người Nhật thường ăn vào dịp tết, đây đều là những món hơi xa xỉ một chút. Trước đây, người Nhật thường tự tay làm những món này, nhưng hiện nay thì nhiều gia đình mua Osechi làm sẵn tại siêu thị hoặc đặt trên mạng. Họ mua hầu hết các món chính và tự làm những món phụ.

Osechi ryori thường được đựng trong Jubako. Jubako là một chiếc hộp có nhiều tầng, khi chưa thưởng thức các món trong đó thì các tầng hộp được xếp chồng lên nhau, ở tầng trên cùng sẽ có nắp đậy. Chiếc Jubako này cũng có ý nghĩa riêng của nó, đó là “hạnh phúc chồng hạnh phúc”. Trước đây, hộp thường có 5 tầng nhưng những năm trở lại đây, hộp 2, 3 tầng khá phổ biến.

“Đặc sản về Osechi” trên trang bán hàng online Rakuten ichiba

Sau khi đón Tết đầu tiên ở Nhật cùng gia đình bạn, mình trở về nhà và thử tìm hiểu trên mạng về giá của Osechi thì thấy rất bất ngờ vì giá một hộp khá cao. Những bạn thực tập sinh và du học sinh như mình khó có thể mua Osechi với mức giá đó, nhưng nếu nhiều người cùng mua và chia nhau thì cũng có thể mua được nhỉ.

Ý nghĩa và nguồn gốc của Osechi

Osechi ryori vốn bắt nguồn từ “Osechiku”, đây là những món ăn được dâng lên các vị thần trong ngày đầu năm mới và 5 ngày tiết khí khác. Phong tục làm đồ cúng để dâng lên thần linh vào các ngày Sechiku (sechinichi) được lan rộng ra cả tầng lớp thường dân, mọi người chuẩn bị những bữa ăn thịnh soạn và xa xỉ trong ngày đầu năm mới – ngày quan trọng nhất năm và cả các ngày sechinichi, sau đó cùng nhau thưởng thức những món ăn này.

Hơn thế, để những người phụ nữ làm nội trợ quanh năm có thời gian nghỉ tết, Osechi bao gồm rất nhiều món ăn có hương vị đậm đà lại dễ bảo quản.

Ý nghĩa được gửi gắm trong từng nguyên liệu và món ăn

Đặc trưng của Osechi ryori là sự đa dạng về chủng loại. Hơn thế nữa, mỗi món ăn và nguyên liệu trong đó lại ẩn chứa một ý nghĩa riêng. Chúng mình cùng xem đó là những ý nghĩa gì nhé.

Kuromame (Đậu đen)

Đây là món đậu nành đen ninh nhừ với đường. Ở Nhật có cách nói “mame ni hataraku” để chỉ việc làm việc không ngừng, chăm chỉ, tận tụy với công việc. Món Kuromame này gửi gắm tâm nguyện “có một năm khỏe mạnh để có thể lao động và cống hiến”.

Thêm vào đó, trước đây, ở Nhật Bản có rất nhiều người làm việc ngoài trời, món ăn này cũng gửi gắm thêm một điều nữa, đó là “mong có nhiều sức khoẻ để chăm chỉ làm việc đến mức da bị sạm đen vì nắng”.

Kazunoko

Kazunoko là món trứng cá trích ngâm gia vị. Mỗi miếng trứng cá có rất nhiều trứng nhỏ, tượng trưng cho “con cháu đề huề”. Khi ăn món này bạn sẽ thấy trứng cá rất giòn và có tiếng tách tách.

Tazukuri = Gomame

Đây là món cá cơm khô được xào trên chảo với xì dầu, đường, mirin. Món này được rất nhiều trẻ em yêu thích.

Trước đây, cá cơm khô được dùng như là một loại phân bón cao cấp cho đồng ruộng, vì lẽ đó nên nó có tên gọi là “tazukuri” bởi nó là cá làm tốt đất trên ruộng lúa. Với mong ước mùa màng bội thu, món này được đưa vào Osechi ryori. Một số vùng gọi món này là “Gomame”.

Tataki gobo

Rễ ngưu bàng (gobou) có nhiều sợi và khá khó cắt nên sau khi luộc chín, bạn sẽ làm dập ngưu bàng bằng mặt trên của con dao hoặc một cây cán bột, rồi tách các sớ ngưu bàng ra và cắt theo chiều dọc thành các đoạn khoảng 4-5 cm. Sau đó, trộn rễ đã được cắt với mè đã nêm sẵn gia vị.

Cách chế biến theo kiểu đập rồi tách ra như thế này được cho là một hình thức “kaiun” (khai vận). Thêm vào đó, cây ngưu bàng có rễ đâm sâu xuống lòng đất nên người Nhật cũng gửi gắm vào đây mong ước có một nền tảng vững chắc để phát triển phồn vinh.

Iwai zakana sanshu

Mình đã giới thiệu với các bạn 4 món, đó là “Kuromame”, “Kazunoko”, “Tazukuri (Gomame)”, “Tataki gobo). Đây là những món tiêu biểu nhất để ăn mừng trong các dịp đặc biệt và trong này có những món được gọi là “Iwai zakana sanshu” của vùng Kanto và Kansai. “Iwai zakana sanshu” là 3 món không thể thiếu trong Osechi ryori, mỗi vùng lại có một cách lựa chọn khác nhau đấy.

Iwai zakana sanshu của vùng Kanto = Kuromame, Kazukono, Tazukuri
Iwai zakana sanshu của vùng Kansai = Kuromame, Kazukono, Tataki gobo

Kohaku kamaboko

Màu đỏ thể hiện cho “sự hạnh phúc”, “trừ tà ma”, màu trắng thể hiện cho “sự thiêng liêng”, “thanh sạch”. Ngoài ra, miếng kamaboko được cắt ra sẽ có hình dáng giống như “mặt trời mọc” vì là nửa hình tròn. Hình ảnh “mặt trời mọc” tượng trưng cho động lực và hi vọng. Hai sắc đỏ và trắng cũng rất đẹp mắt và làm cho hộp Osechi trở nên đa sắc màu nên Kouhaku kamaboko thường được xuất hiện trong Osechi ryori.

Buri no yakimono

Buri – cá cam là một loài cá có rất nhiều tên gọi tuỳ theo mức độ to nhỏ trong các giai đoạn phát triển. Nó còn được gọi là “Shusse uo”. Đây là món ăn điển hình trong Osechi, nó như là một “món duyên khởi” để cầu cho công việc hanh thông, sự nghiệp thăng tiến. Cá cam nướng ăn cùng cơm trắng rất ngon.

◆ Các tên gọi của Buri (tuỳ theo vùng)

Vùng Kanto = Wakashi → Inada → Warasa → Buri
Vùng Kansai = Tsubasu → Hamachi → Mejiro → Buri
Vùng Hokuriku = Tsubaiso → Fukuragi → Gando → Buri

Kouhaku namasu

Đây là món củ cải, cà rốt thái chỉ bóp muối, trộn dấm và đường. Ở Nhật, sắc hồng trắng của món này thể hiện sự hạnh phúc, đủ đầy.

Konbu maki

Konbu còn có cách phát âm khác là “Kobu”, đây là món ăn tốt cho “việc duyên khởi” vì kobu nằm trong từ “yorokobu” (nghĩa là hoan hỷ, vui mừng). Các loại cá như cá trích, cá thu đao sẽ được cuốn trong lá konbu này.

Trên đây, mình đã giới thiệu với các bạn ý nghĩa của các món ăn tiêu biểu rồi đấy. Osechi ryori được bán bên ngoài thường đính kèm theo danh sách món ăn, nếu bạn muốn hiểu thêm về món nào đó thì hãy thử tìm thêm thông tin nhé!

Ozoni

Món canh ăn cùng với Osechi trong dịp Tết được gọi là “Ozoni”. Trong canh này có một miếng bánh dày (mochi) đấy. Tuỳ theo từng vùng, từng nhà, canh Ozoni còn được gọi là “Suimono” hay “Shiromiso no misoshiru”. Ngoài ra, ở tỉnh Kagawa, trong miếng bánh dày còn có nhân ngọt.

Tổng kết

Trong bài viết này, mình đã giới thiệu với các bạn những món ăn và ý nghĩa của từng món có trong Osechi, tiêu biểu nhất là “Kuromame”, “Kazunoko”, “Tazukuri (Gomame)”, “Tataki gobo”, và cả canh ăn kèm Ozoni nữa.

Nhân đây mình xin kể thêm, trong lần đến nhà bạn người Nhật để thưởng thức Osechi, món mình ăn nhiều nhất là “Kuromame”. Món này ngọt hơn cả chè đậu đen của Việt Nam đấy. Kazunoko, tôm và các món hải sản khác cũng rất ngon, nhưng mình cảm thấy các món này đều “hơi ngọt quá”. Thế nhưng, nếu ăn cùng với nộm củ cải cà rốt chua (Kouhaku namasu) để đổi vị thì khá là hợp nhé.

Hơn nữa, mình còn có một phát hiện khá thú vị. Đấy là trong danh sách món ăn trong Osechi có cả các món thịt nguội. Mình nghĩ trong Osechi trước đây không có thịt nguội, các món ăn truyền thống cũng dần dần thay đổi theo thời gian nhỉ!

Hi vọng các bạn cũng sẽ có cơ hội được thưởng thức Osechi ryori của Nhật!