Văn hoá

Việt Nam OK, Nhật Bản DAME_28: Sau khi tắm xong, đừng xả nước bồn tắm

001
06/04/2022

Ở Nhật Bản, khi đi tắm, người ta tắm rửa trước ở ngoài rồi mới vào ngâm ở bồn tắm và cả gia đình đều dùng chung nước nóng trong bồn. Trong số này chúng tôi sẽ giới thiệu về sự khác biệt trong cách tắm bồn ở Nhật, việc “dán giấy báo đỗ xe phạm luật” và “khi mua xe đạp nếu không đăng ký với cảnh sát sẽ ra sao”.【Thạch Long】

Tắm bồn ở Nhật Bản khác với ở Việt Nam

Ngày xưa nhà bà ngoại tôi có bồn tắm. Tôi và 2 đứa em chiều nào cũng đòi ngâm bồn. Bà tôi thường sắp xếp thế này: Bà xả đầy nước vào bồn tắm cho tôi ngâm (và nghịch) trước. Tôi xong thì bà xả hết nước trong bồn, tráng qua cho sạch rồi lại xả nước mới đầy bồn cho em tôi ngâm. Cứ mỗi lần có người cần tắm bồn lại là chu trình: Xả sạch nước cũ, tráng lại, xả nước mới rồi ngâm.

Có lẽ phải 99% người Việt có cách tắm bồn như vậy. Nhưng ở Nhật thì khác. Tôi có bà chị sống ở Nhật, có kể tôi nghe câu chuyện thế này. Có lần chị đón một người khách Việt Nam đến chơi ngủ lại. Vì là khách nên chị tôi bảo cậu ý đi tắm trước. Xong xuôi, cu cậu bảo em xả sạch nước trong bồn, cho nước mới vào để cho người sau tắm rồi. Chị tôi nghe chuyện phá lên cười.

Tắm bồn trong gia đình người Nhật cũng tuân theo chu trình như tắm onsen hoặc nhà tắm công cộng Sento vậy. Một ngày chỉ đun nước tắm bồn một lần. Các thành viên trong gia đình sẽ lần lượt vào tắm và ngâm người trong bồn nước nóng đó (giữa chừng có thể cho thêm nước nóng vào hoặc đun lại nếu bồn tắm có chức năng tự đun lại nước trong bồn). Để nước nóng trong bồn không bị bẩn, trước khi vào ngâm bồn, người ta thường làm như sau.

・ Trước khi vào bồn tắm, dùng gáo hoặc vòi sen tắm rửa qua.
・ Sau khi ngâm người trong bồn cho ấm người thì mới ra khỏi bồn để tắm rửa, gội đầu.
・ Sau đó lại vào bồn ngâm người thêm một lúc cho người ấm trở lại.

Tắm rửa gội đầu ở ngoài bồn tắm

Như vậy có thể nói nguyên tắc cơ bản trong cách tắm bồn ở Nhật là: Tắm rửa xong thì mới vào bồn để “ngâm người trong nước nóng”. Khi ngâm, lưu ý giữ không để cho nước bị bẩn để cả nhà lần lượt dùng chung. Chính vì cách tắm này mà phòng tắm của người Nhật thường thiết kế theo kiểu có bồn tắm và chỗ để ngồi tắm rửa gội đầu còn nhà vệ sinh sẽ nằm ở nơi tách biệt.

Ngoài ra, cách tắm bồn ở Nhật cũng có những đặc điểm khác như.

・ Nhà có trẻ em thì thường cả cha mẹ con cái đều vào tắm chung một lượt với nhau.
・ Vợ chồng cùng đi tắm với nhau cũng không phải là điều hiếm có.
・ Có thể tận dụng nước nóng ở bồn tắm để giặt giũ.

Ở Nhật, máy giặt có gắn bộ phận bơm nước từ bồn tắm lên để giặt khá phổ biến và người ta thường thiết kế chỗ để máy giặt sát với phòng tắm để tiện cho việc tái sử dụng nước trong bồn.

Vậy nên nếu bạn là khách của một gia đình Nhật thì bạn cứ việc đi tắm trước, nhưng tắm xong thì đừng xả sạch nước của nhà người ta nhé.

Dán thông điệp lên xe người khác. Đừng!!?

Dạo gần đây dân mạng Việt Nam tranh cãi vô cùng gay gắt về vụ một chiếc xe đỗ dưới lòng đường vô tình lại chắn tầm nhìn của một quán ăn vỉa hè. Chủ quán bức xúc lấy băng dính dán xung quanh xe cảnh cáo. Cư dân mạng chia làm 2 luồng ý kiến.

Người bênh thì cho rằng chiếc xe đỗ thiếu ý thức. Người phản đối thì lập luận rằng, kể cả chiếc xe đỗ có sai đi chăng nữa, chủ quán ăn cũng không được phép lấy băng dính tự tiện dán chằng chịt lên xe của người khác. Như vậy có khả năng phạm tội phá họai tài sản.

Lấy băng dính dán chằng chịt lên xe người khác thì đúng là hơi quá. Nhưng ở Việt Nam, chuyện xe ô tô đỗ dưới lòng đường bị dán giấy nhắc nhở là quá bình thường.
Nhẹ nhàng thì là một tờ giấy A4 dán vào kính xe ghi dòng chữ: “Không đỗ xe ở đây”. Nặng hơn có thể bị đổ rác lên xe để cảnh cáo.

Ở Nhật thì không được tuỳ tiện kiểu này. Đa phần ai cũng hiểu là việc tự tiện dán giấy lên xe của người khác có thể dẫn tới những rắc rối. Cùng lắm thì họ kẹp một mảnh giấy ở cần gạt nước, hoặc đa phần thì im lặng chịu. Khi thấy xe đỗ sai quy định, đa phần người Nhật sẽ gọi điện báo cho cảnh sát biết để cảnh sát giải quyết theo luật. Nếu bạn gặp trường hợp khó chịu như vậy, hãy gọi điện cho cảnh sát nhé.

Mua xe đạp cũng phải đăng ký

Mua xe đạp ở Việt Nam đơn giản như bạn ra cửa hàng mua cái quần, cái áo vậy. Mua về là dùng thôi. Ở Việt Nam, xe đạp được coi là phương tiện thô sơ nên không cần phải có thủ tục gì về mặt pháp lý.

Ở Nhật, xe đạp cũng là một phương tiện giao thông đơn giản, giá cả phải chăng và không cần có bằng lái xe và người Việt Nam ở Nhật cũng nhiều người sử dụng xe đạp. Tuy nhiên, khi mua xe đạp ở Nhật, phải được “Bohan Toroku” – tức là đăng ký để phòng chống mất cắp. Đây là quy định bắt buộc theo luật ở Nhật, chúng ta đừng quên nhé.

Cách đăng ký thì không có gì phức tạp. Thông thường các cửa hàng bán xe đạp đều có dịch vụ đăng ký giúp khi bạn mua xe ở đó. Tùy địa phương mà phí đăng ký có khác nhau. Ví dụ ở Tokyo thì phí là 660 yên (không phải mất thuế tiêu dùng).

Nhãn số xe được đăng ký Bohan Toroku

Trường hợp mua xe qua mạng hoặc mua xe cũ qua ứng dụng Free market thì cần phải tự đi đăng ký. Khi đi đăng ký, cần mang theo những thứ như sau.

① Xe đạp
② Giấy bảo hành hoặc giấy chứng nhận mua xe.
③ Thẻ lưu trú hoặc giấy tờ tùy thân

Trường hợp mua xe qua ứng dụng Free market thì thường sẽ không có giấy tờ ở mục ② nhưng cần phải có giấy bán lại (trong đó có thông tin người bán và có đóng dấu). Trường hợp được bạn hoặc các sempai nhường lại thì cần có giấy nhượng quyền và nếu cùng người cho xe tới cửa hàng nhờ đăng ký thì sẽ rất tiện lợi.

Cảnh sát đang chất vất (ảnh minh họa)

Vậy tại sao lại cần phải Bohan Toroku khi mua xe đạp? Ở Nhật luật quy định là khi mua xe đạp cần phải đăng ký đề phòng mất cắp. Nhưng nếu không đăng ký cũng không vì thế mà bị phạt. Tuy nhiên nếu không đăng ký có sẽ gặp phải vài trường hợp sau.

Trường hợp bị mất xe và bạn ra trình báo với cảnh sát mà nếu xe không có đăng ký thì xác xuất tìm được rất thấp. Nếu có đăng ký thì nhãn đăng ký dán trên xe sẽ là đặc điểm để nhận dạng.

Có trường hợp, đang đi thì có thể bị cảnh sát dừng xe lại để chất vấn. Nếu xe không có đăng ký thì sẽ bị hỏi lý do vì sao và cảnh sát sẽ phải xác nhận xe không phải là đồ ăn cắp và như vậy rất mất thời gian. Tôi cũng đã từng bị cảnh sát dừng xe và bị chất vấn rất phiền phức.

Việc đăng ký xe đạp hết sức đơn giản nên khi xin xe đạp từ người khác bạn đừng quên yêu cầu họ đưa cho bạn giấy tờ, rồi đi đăng ký Bohan Toroku để tránh gặp các rắc rối nhé.