Cuộc sống - Visa

6 hành vi vi phạm pháp luật dễ mắc phải khi đi xe đạp và tầm quan trọng của bảo hiểm xe đạp

001
20/12/2023

Các con đường ở Nhật bản thường được bảo trì rất tốt nên việc di chuyển bằng xe đạp khá là thuận tiện. Tuy nhiên, nếu vi phạm luật giao thông dành cho xe đạp và gây ra tai nạn thì bạn cũng có thể bị đòi bồi thường thiệt hại một số tiền lớn cho nạn nhân. Hơn nữa, việc không biết luật có thể dẫn đến việc bị cảnh sát bắt giữ và xử phạt. Để các bạn có thể đi xe đạp an toàn và thoải mái tại Nhật Bản, chúng tôi xin được giới thiệu về luật giao thông và bảo hiểm xe đạp thông qua nhiều hình ảnh và minh họa.”

1.Ở Nhật thì xe đạp cũng được coi như một loại ô tô

Ở Nhật Bản, xe đạp được phân loại là “xe thô sơ” và có các quy tắc lái xe được quy định rõ trong luật giao thông đường bộ. “Xe thô sơ” cũng được coi như là một loại ô tô và sẽ bị phạt nếu vi phạm quy tắc lái xe.

Xe đạp thông thường (dài không quá 190 cm, rộng không quá 60 cm) thường được gọi là “xe đạp thông thường”. Đi xe đạp thông thường thì không cần bằng lái. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giải thích về luật giao thông dành cho xe đạp thông thường.”

2.6 hành vi vi phạm pháp luật dễ mắc phải khi đi xe đạp

① Lái xe khi sử dụng rượu bia là hành vi vi phạm pháp luật

Lái xe khi sử dụng rượu bia là hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi này được phân loại thành hai nhóm.

Lái xe trong tình trạng có hơi rượu
Lái xe trong tình trạng 1 lít hơi thở hơi thở chứa hơn 0.15mg cồn
Lái xe khi say rượu
Lái xe trong tình trạng say xỉn, bất kể nồng độ cồn trong hơi thở là bao nhiêu đi chăng nữa.

Nếu đi xe đạp trong trạng thái “lái xe khi say rượu”, bạn có thể bị phạt với mức “tù dưới 5 năm hoặc phạt tiền dưới 1 triệu yên” ở Nhật Bản. Ở Nhật Bản, việc cảnh sát dừng xe đạp trên đường lại để kiểm tra khá phổ biến. Nếu lỗi “lái xe say rượu” bị phát hiện và xử phạt trong quá trình kiểm tra thì có thể gây ảnh hưởng đến việc gia hạn thị thực cư trú và các vấn đề khác.

Mặc dù không có hình phạt cụ thể dành cho việc đi xe đạp trong tình trạng “lái xe trong tình trạng có hơi rượu” nhưng việc này vẫn bị cấm theo luật giao thông đường bộ.

② Phải bật đèn khi lái xe vào ban đêm

Đi xe đạp vào buổi tối mà không bật đèn hoặc đèn bị hỏng nên không bật là hành vi vi phạm pháp luật. Ngay cả khi đang di chuyển ở những khu vực sáng sủa như các khu phố sầm uất thì bạn cũng phải bật đèn vào buổi tối.

③ Sử dụng điện thoại khi đang lái xe là hành vi vi phạm pháp luật

Việc vừa đi xe đạp bằng một tay vừa nghe điện thoại, hoặc nhìn màn hình điện thoại di động là hành vi vi phạm pháp luật.

Nếu sử dụng điện thoại di động khi đi xe đạp thì khi xảy ra tai nạn, bạn sẽ phải chịu trách nhiệm nhiều hơn và có thể phải bồi thường một số tiền lớn cho nạn nhân.

Nhất định phải dừng xe lại khi bạn muốn xem màn hình hoặc khi gọi điện thoại.

Vừa lái xe vừa cầm ô bằng một tay là hành vi vi phạm pháp luật

Khi đi xe đạp vào ngày mưa mà dùng một tay để giữ ô, một tay giữ ghi đông là hành vi vi phạm pháp luật. Vì thế hãy mặc áo mưa khi lái xe nhé.

  • Lái xe bằng một tay làm cho việc di chuyển trở nên không ổn định.
  • Lái xe bằng một tay sẽ khiến cho bạn khó phanh lại hơn.
  • Ô sẽ gây cản trở tầm nhìn của bạn.

Chở người khác bằng xe đạp là hành vi vi phạm pháp luật (trừ trường hợp chở trẻ nhỏ)

Về nguyên tắc thì việc chở người khác bằng xe đạp là hành vi bị cấm.

Thế nhưng, bạn có thể chở trẻ nhỏ bằng xe đạp. Để chở trẻ nhỏ thì cần phải thỏa mãn các điều kiện như ▽ Người lái xe phải trên 16 tuổi ▽ Người ngồi sau phải là trẻ em chưa đến tuổi học tiểu học ▽ Phải sử dụng ghế chuyên dụng dành cho trẻ nhỏ.

Nếu sử dụng “xe đạp chở được hai trẻ nhỏ cùng lúc” đáp ứng tiêu chuẩn an toàn, bạn có thể để mỗi bé ngồi một chỗ, một ở trước và một ở sau.

Hãy đội mũ bảo hiểm cho các bé khi đi xe.

Không được đeo tai nghe khi lái xe

Nếu vừa đạp xe vừa nghe nhạc bằng tai nghe headphone hoặc tai nghe earphone thì sẽ không thể nghe thấy những âm thanh xung quanh, khiến cho bạn khó nhận biết được nguy hiểm. Vì vậy đừng đeo tai nghe khi đi đi xe đạp nhé.

3.Luật dành cho xe đạp

Sau đây, chúng tôi xin giới thiệu những quy định cơ bản dành cho xe đạp khi lưu thông trên đường.

Nguyên tắc là đi trên làn đường dành cho xe ô tô

Xe đạp được phân loại là “xe thô sơ” theo luật giao thông đường bộ. Vì vậy, ở những khu vực có phân chia vỉa hè và đường dành cho xe ô tô thì về nguyên tắc, xe đạp phải đi trên làn đường dành cho ô tô.

Những trường hợp có thể đi trên vỉa hè

Xe đạp có thể chạy trên vỉa hè nếu có biển báo này.

Trường hợp nào xe đạp được phép đi trên vỉa hè?

Về nguyên tắc thì xe đạp phải đi trên đường, nhưng trong những trường hợp sau đây, xe đạp có thể di chuyển trên vỉa hè như một ngoại lệ.

  • Trường hợp biển báo giao thông chỉ rõ rằng xe đạp cũng có thể di chuyển trên vỉa hè
  • Trường hợp người lái xe dưới 12 tuổi hoặc trên 70 tuổi
  • Trường hợp người lái xe có khiếm khuyết trên cơ thể ở một mức độ nhất định
  • Trường hợp bị ảnh hưởng bởi công trường làm đường hoặc sự cản trở từ các phương tiện dừng đỗ, làm cho việc di chuyển trên đường trở nên khó khăn.

Những điểm cần chú ý khi chạy trên vỉa hè

Khi có người đi bộ thì hãy lái xe ở tốc độ chậm sao cho có thể dừng lại bất kì lúc nào nhé.

Khi có người đi bộ thì phải di chuyển với tốc độ có thể dừng lại bất cứ lúc nào. Nếu bạn dường như có vẻ gây cản trở việc di chuyển của họ thì phải dừng lại.

Không được sử dụng chuông xe đạp để yêu cầu người đi bộ nhường đường. Chỉ nên sử dụng chuông khi cần thiết để đảm bảo an toàn và tránh nguy hiểm.

・ Khi đi xe đạp trên vỉa hè, bạn có thể di chuyển theo bất kỳ hướng nào, nhưng phải đi ở phần gần đường cho xe chạy hơn so với giữa vỉa hè.

Chấp nhận việc xe đạp đi ngược chiều nhau (tức là hai xe đạp đi qua nhau) trên vỉa hè.

Làn đường dành cho xe đạp trên vỉa hè

Khi có làn đường dành cho xe đạp trên vỉa hè, bạn phải đi trên làn đó. Tuy nhiên, nếu có người đi bộ trên làn đường dành cho xe đạp thì bạn không được làm cản trở việc đi bộ của họ.

Cách di chuyển trên làn đường dành cho xe ô tô

Hãy di chuyển ở bên trái của làn đường dành cho ô tô

Đối với làn đường ô tô, xe đạp phải đi ở phía bên trái theo hướng di chuyển. Nếu vi phạm, có thể bị phạt “tù dưới 3 tháng hoặc phạt tiền dưới 50 nghìn yên”.

Chạy trên lề đường

Xe đạp chạy trên lề trái đường

Xe gắn máy không thể chạy trên lề đường, nhưng xe đạp có thể di chuyển trong khu vực này (cũng có thể di chuyển bên ngoài lề đường). Tuy nhiên, không được đạp xe ngược chiều nhau trong lề đường , vì vậy hãy đi ở lề đường bên trái hướng di chuyển.

Làn đường dành cho xe đạp trên làn đường của xe ô tô

Nếu có làn đường dành cho xe đạp trên đường thì bạn phải di chuyển trong làn đó. Tuy nhiên, không được đi xe đạp ngược chiều nhau trong khu vực này, vì vậy hãy di chuyển ở bên trái của làn đường dành cho xe đạp theo hướng đi.

Đường một chiều

Nếu có biển báo trên đường một chiều có ghi “Ngoại trừ xe đạp” thì xe đạp có thể di chuyển theo hướng ngược lại của đường một chiều (di chuyển ngược chiều). Trong trường hợp này, xe đạp cũng phải di chuyển ở bên trái của hướng đi.

Rẽ phải bằng hai bước

Khi xe đạp rẽ phải tại ngã tư, bạn phải thực hiện hai bước rẽ phải ở bất kỳ ngã rẽ nào. Đầu tiên, đi thẳng qua ngã tư theo đèn tín hiệu trước mặt, sau đó quay sang phải và đi qua ngã tư một lần nữa theo đèn tín hiệu ở phía trước.

4.Hãy đội mũ bảo hiểm

Không có mức phạt nào dành cho việc không đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp. Tuy nhiên, theo luật bạn nên cố gắng đội mũ bảo hiểm.

Khoảng 70% số vụ tai nạn xe đạp khiến người lái xe tử vong là do chấn thương ở đầu. Vì vậy hãy đội mũ bảo hiểm bất cứ khi nào có thể. Ngoài ra, khi đi cùng trẻ em thì hãy đội mũ bảo hiểm cho cả các bé nhé.

5.Hãy tham gia bảo hiểm xe đạp để tránh các khoản bồi thường lớn!

Nếu bạn dùng xe đạp tông vào người đi bộ và làm người đó bị thương thì bạn có thể phải trả một khoản chi phí y tế và bồi thường lớn. Vì lý do này, nhiều chính quyền địa phương đã yêu cầu người đi xe đạp bắt buộc phải tham gia bảo hiểm xe đạp.

Những trường hợp mà bảo hiểm chi trả cho tai nạn xe đạp là những trường hợp dưới đây.

・ Điều khoản bảo hiểm thương tật được bán dưới những tên gọi như “bảo hiểm xe đạp”
・ Điều khoản bảo hiểm xe đạp
・ Điều khoản bảo hiểm hỏa hoạn
・ Bảo hiểm kèm theo thẻ tín dụng
・ Bảo hiểm trách nhiệm cá nhân (個人賠償責任保険), bảo hiểm trách nhiệm hàng ngày (日常賠償保険), bảo hiểm hỗ trợ trách nhiệm lẫn nhau (賠償責任共済)

Bảo hiểm của thực tập sinh kĩ năng

Đối với thực tập sinh kỹ năng, công ty tiếp nhận thường mua bảo hiểm cho họ và bảo hiểm đó cũng bao gồm cả tai nạn xe đạp.

Những trường hợp bồi thường cao do liên quan đến tai nạn xe đạp

Phán quyết của tòa án Kobe(Năm 2013)
Một học sinh tiểu học (11 tuổi) đang đạp xe đi về nhà buổi tối thì va chạm trực diện với một người đi bộ (62 tuổi) khiến cho người này bị đập đầu mạnh đến bất tỉnh.
→ Phán quyết ra lệnh bồi thường 95,21 triệu yên
Phán quyết của tòa án Tokyo (Năm 2003)
Một học sinh trung học đi xe đạp băng qua đường chéo vào ban ngày và va chạm với một người đàn ông (24 tuổi) đang đi xe đạp từ hướng ngược lại. Người đàn ông bị đập đầu mạnh xuống đất và không thể nói được.
→ Phán quyết ra lệnh bồi thường 92,66 triệu yên

6.Xe đạp cũng có thể bị đánh cắp ở Nhật Bản

Đăng ký chống trộm (nhãn màu cam)

Đăng ký chống trộm

Đăng ký chống trộm cho xe đạp giúp chứng minh rằng chiếc xe đạp đó là của chính bạn. Mặt khác cũng khiến cho việc tìm kiếm trở nên dễ dàng hơn nếu bị trộm mất.

Bắt buộc phải đăng ký chống trộm theo quy định của pháp luật. Ngay cả khi bạn mua hàng online hoặc được bạn bè nhượng lại xe đã qua sử dụng thì cũng hãy mang xe đến cửa tiệm và đăng ký chống trộm nhé.

Phí đăng ký

Phí đăng ký đăng ký chống trộm khác nhau tùy theo từng địa phương, nhưng ở Tokyo là 660 yên (miễn thuế) và ở Osaka là 600 yên (miễn thuế).

Thời hạn có hiệu lực của đăng ký chống trộm

Hạn hiệu lực của đăng ký chống trộm ở Tokyo và Osaka là 10 năm. Sau khi hết hạn cần đăng ký chống trộm lại một lần nữa.

Lợi ích của việc đăng ký chống trộm

Khi chiếc xe đạp bị mất và được báo cáo cho cảnh sát thì họ sẽ tìm kiếm chiếc xe dựa trên số đăng ký an ninh, do đó việc đăng ký an ninh cho xe đạp sẽ giúp nó được tìm thấy dễ dàng hơn.

Ở Nhật Bản, việc người lái xe đạp bị cảnh sát dừng lại để kiểm tra và đặt câu hỏi trong lúc làm nhiệm vụ xảy ra khá thường xuyên. Trong trường hợp đó, nếu chiếc xe không được đăng ký an ninh, thì thời gian kiểm tra của cảnh sát sẽ dài hơn so với trường hợp có đăng ký an ninh.

・ Khi kiểm tra làm nhiệm vụ, cảnh sát sẽ dựa vào số đăng ký an ninh của chiếc xe đạp để kiểm tra thông tin chủ sở hữu, vì vậy nếu chiếc xe là xe bị đánh cắp thì sẽ được phát hiện ngay lập tức. Do đó, người muốn đánh cắp xe đạp thường tránh xa những chiếc xe đã đăng ký an ninh, chính vì vậy những chiếc xe này khó bị mất trộm hơn.

Ổ khóa

Vì xe đạp ở Nhật Bản dễ bị mất trộm nên hãy nhớ phải khóa xe vào nhé.

external link Câu chuyện trải nghiệm của du học sinh bị mất trộm xe đạp ở Nhật Bản|KOKORO

7.Cần có bằng lái khi lái xe gắn máy

Sự khác biệt giữa xe đạp trợ lực điện và xe đạp điện

Xe đạp trợ lực điện thì không cần bằng lái

“Xe đạp trợ lực điện” là một loại xe đạp thông thường nên không cần có bằng lái xe. Đây là dòng xe đạp sử dụng động cơ điện để hỗ trợ cho việc chạy xe, giúp bạn dễ dàng đạp khi xuất phát hoặc lên dốc. Tuy nhiên, cũng có thể lái xe mà không cần động cơ điện.

Xe đạp điện thì phải có bằng lái

“Xe đạp điện” là loại xe đạp sử dụng động cơ (mô tơ) để tự chạy mà không cần phải đạp. Tên chính thức là “xe đạp gắn động cơ có bàn đạp”, và theo luật pháp Nhật Bản, nó được phân loại giống như xe đạp có động cơ (xe gắn máy).

Xe đạp điện còn được gọi là “xe gắn máy”, “xe đạp điện có bàn đạp” và “xe đạp điện hoàn chỉnh”. Người nước ngoài thường mua xe đạp điện thông qua mạng internet, nhưng để lái xe đạp điện ở Nhật Bản, bạn cần phải có bằng lái xe gắn máy.

8.Tóm lược

Bằng lái xe

Khi đi xe đạp bình thường thì không cần phải có bằng lái. Tuy nhiên, nếu như đi xe đạp điện loại mà không cần phải đạp cũng có thể tự di chuyển như “xe gắn máy” thì bắt buộc phải có bằng lái.

6 hành vi vi phạm pháp luật mà người đi xe đạp dễ mắc phải

  • Sử dụng rượu bia khi lái xe
  • Lái xe vào ban đêm mà không bật đèn phía trước
  • Vừa đi xe vừa sử dụng điện thoại
  • Vừa đi xe vừa che ô bằng một tay
  • Chở người khác bằng xe đạp
  • Vừa đi xe vừa sử dụng tai nghe

Những luật cơ bản dành cho người đi xe đạp

  • Về nguyên tắc phải chạy trên đường ô tô. Có thể chạy trong lề đường. Thường thì sẽ đi về bên trái theo hướng di chuyển.
  • Cũng có những trường hợp được phép chạy xe trên vỉa hè nhưng phải ưu tiên người đi bộ.
  • Không được bấm chuông để yêu cầu người đi bộ nhường đường cho mình.
  • Khi rẽ phải tại các giao lộ thì phải thực hiện hai bước rẽ phải.

Bảo hiểm xe đạp

Có nhiều quy định của các chính quyền địa phương yêu cầu phải tham gia bảo hiểm xe đạp. Hãy tham gia bảo hiểm xe đạp để tránh bị yêu cầu các khoản bồi thường lớn khi xảy ra tai nạn nhé.