Thực tập kỹ năng - Kỹ năng đặc định

★ Thông tin cơ bản: Tổng hợp về tư cách “Thực tập kỹ năng”

★基本情報=技能実習(総まとめ)2
06/01/2022

Đây là bài viết tổng hợp về chế độ thực tập kỹ năng. Để thực hiện ước mơ của mình bằng việc đi thực tập kỹ năng, trước hết, chúng ta hãy cùng hiểu đúng về bức tranh toàn cảnh của việc thực tập kỹ năng.

Tư cách lưu trú “hot” để đi làm

◆ Người nước ngoài sinh sống tại Nhật Bản (các tư cách lưu trú chính)

Năm 2017 Năm 2018 Năm 2019 Năm 2020 Năm 2021 Tỉ lệ
Tổng 2,561,848 2,731,093 2,933,137 2,887,116 2,823,565 100.0
Người vĩnh trú 749,191 771,568 793,164 807,517 817,805 29.0
Thực tập kỹ năng 274,233 328,360 410,972 378,200 354,104 12.5
Kỹ thuật – Tri thức nhân văn – Nghiệp vụ quốc tế 189,273 225,724 271,999 283,380 283,259 10.0
Du học 311,505 337,000 345,791 280,901 227,844 8.1
Người định trú 179,834 192,014 204,787 201,329 199,288 7.1
Sống cùng gia đình 166,561 182,452 201,423 196,622 190,010 6.7
Vợ/chồng của người Nhật v.v. 140,839 142,381 145,254 142,735 140,987 5.0
Kỹ năng đặc định 1,621 15,663 29,144 1.0

Số liệu thống kê vào tháng 12, riêng năm 2021 là vào tháng 6 (Thống kê của Bộ Tư Pháp)
Không bao gồm những người có thời gian lưu trú ngắn hạn dưới 3 tháng

Số người nước ngoài sinh sống tại Nhật Bản là 2.823.565 người (tháng 6/2021), trong đó có 354.104 người là thực tập sinh kỹ năng, trừ tư cách người vĩnh trú đặc biệt và vĩnh trú thì đây là tư cách chiếm số lượng lớn nhất trong số các tư cách lưu trú còn lại.

Do ảnh hưởng của COVID19, trong năm 2020 và 2021 số lượng thực tập sinh giảm mạnh, tuy nhiên con số này đã liên tục tăng nhanh cho tới trước thời điểm bùng phát dịch bệnh.

Quốc tịch và ngành nghề của thực tập sinh kỹ năng

◆ Quốc tịch của thực tập sinh kỹ năng

Quốc tịch Số người Tỉ lệ
Tổng 354,104 100.0%
Việt Nam 202,365 57.1%
Trung Quốc/td>

55,522 15.7%
Indonesia 30,978 8.7%
Philippines 28,132 7.9%
Thái Lan 9,511 2.7%

・ Những quốc gia có nhiều thực tập sinh kỹ năng tại Nhật được xếp theo thứ tự như sau: Việt Nam, Trung Quốc, Indonesia.

・ Ngành nghề của thực tập sinh kỹ năng đã được quyết định sẵn. Ba ngành nghề tiếp nhận nhiều đó là: xây dựng, chế biến thực phẩm, gia công cơ khí – kim khí, sau đó đến các ngành như nông nghiệp, dệt may v.v.

Điểm cần chú ý trong thời gian thực tập kỹ năng!

・ Thực tập kỹ năng bao gồm các loại như sau: số 1 (năm thứ nhất), số 2 (năm thứ hai, thứ ba), số 3 (năm thứ tư, thứ năm). Phần lớn thực tập sinh sẽ thuộc loại số 1 và số 2, tổng thời gian thực tập là 3 năm.

・ Để chuyển sang giai đoạn tiếp theo, thực tập sinh phải đỗ kì thi kiểm tra tay nghề.

Số 1 → Số 2 (chuyên môn + tay nghề)
Số 2 → Số 3 (tay nghề)

・ Đại đa số các ngành nghề (có 85 ngành tới thời điểm năm 2021) có thể chuyển từ thực tập kỹ năng số 1 sang số 2, tuy nhiên cũng có ngành chỉ có thể làm 1 năm với tư cách số 1. Nếu thực tập sinh không biết về điều này và ứng tuyển những ngành như thế thì sau khi sang Nhật sẽ gặp khó khăn. Các bạn hãy kiểm tra thật kỹ trước khi phỏng vấn ở Việt Nam xem ngành nghề mình định ứng tuyển có thể làm 3 năm hay không nhé.

・ Cũng có điểm cần chú ý đối với những bạn muốn làm 5 năm. Chỉ có 77 ngành (tới thời điểm năm 2021) được chuyển từ thực tập kỹ năng số 2 sang số 3. Thêm vào đó còn có một điều kiện nữa, đó là nghiệp đoàn cũng như công ty của bạn cần nhận được đánh giá “tốt” của Hiệp hội thực tập kỹ năng quốc tế (OTIT).

Công ty phái cử và đoàn thể quản lý (Nghiệp đoàn)

Chế độ thực tập kỹ năng có sự tham gia của công ty phái cử (nước của thực tập sinh) và đoàn thể quản lý (Nhật Bản). Nếu có nhiều đoàn thể quản lý thì sẽ được gọi là “Hợp tác xã” (thường gọi là “Nghiệp đoàn”). Sau đây là vai trò của tổ chức đó cũng như quy trình thực tập kỹ năng.

Mặc dù là một con số nhỏ, nhưng cũng có chương trình đào tạo thực tập sinh kỹ năng chỉ dành cho một cá thể công ty, trong đó công nhân của các công ty con ở nước ngoài được đào tạo tại một công ty mẹ của Nhật Bản.

Quy trình tới khi bắt đầu thực tập kỹ năng (Toàn bộ)

Công ty phái cử Nghiệp đoàn Công ty tiếp nhận
① Tìm ứng cử viên ① Tìm đơn tuyển dụng (Làm việc với công ty tiếp nhận) ② Tìm nhân viên
④ Giới thiệu ứng cử viên ③ Nhờ giới thiệu ứng cử viên
⑤ Đào tạo ⑤ Phỏng vấn
⑥ Lấy tư cách lưu trú ⑦ Tập huấn sau khi sang Nhật ⑧ Bắt đầu thực tập

Làm việc → Đưa đơn tuyển dụng → Nhờ giới thiệu ứng viên

・ Nghiệp đoàn làm việc với công ty tiếp nhận, tìm đơn tuyển dụng.
・ Sau khi nhận được đơn tuyển dụng, nghiệp đoàn nhờ công ty phái cử giới thiệu ứng viên.

Tuyển ứng viên → Giới thiệu ứng viên

・ Thông thường, công ty phái cử sẽ tuyển ứng viên muốn làm thực tập sinh kỹ năng.

Có rất nhiều công ty phái cử nhờ những người có ảnh hưởng tại địa phương, giáo viên và cựu thực tập sinh giới thiệu ứng viên và khi công ty phái cử nhận được giới thiệu, họ sẽ gửi tiền cảm ơn cho người đã giới thiệu. Tác hại của phần tiền cảm ơn này sẽ được giải thích tại đường link bên dưới.

external link Chi phí trả cho các công ty phái cử khác nhau đến mức nào

・ Sau khi nhận đơn tuyển dụng từ nghiệp đoàn bên Nhật, công ty phái cử sẽ giới thiệu ứng viên.

Phỏng vấn – Tuyển dụng

・ Nếu tập hợp được các ứng viên, công ty tiếp nhận và nghiệp đoàn (hoặc chỉ có nghiệp đoàn) sẽ đến công ty phái cử để phỏng vấn và quyết định sẽ tuyển dụng ai.

Đào tạo → Cử đi Nhật

・ Công ty phái cử sẽ tiến hành dạy tiếng Nhật v.v. cho những người đã được tuyển (khoá học thường từ 3~6 tháng), sau khi ứng viên lấy được tư cách lưu trú (visa) sẽ cử những ứng viên đó sang Nhật. Thông thường, ứng viên sẽ học tập tại trung tâm tiếng Nhật nội trú.

・ Cũng có những công ty phái cử đào tạo cho ứng viên từ trước khi đỗ phỏng vấn.

Tập huấn sau khi sang Nhật

・ Nghiệp đoàn sẽ tiếp nhận thực tập sinh kỹ năng sang Nhật Bản rồi đưa về cơ sở lưu trú, sau đó tập huấn về tiếng Nhật và cuộc sống tại Nhật trong thời gian hơn 1 tháng.

Bắt đầu thực tập

・ Thực tập sinh sẽ đi đến công ty của mình, bắt đầu thực tập kỹ năng.

Vai trò của Nghiệp đoàn sau khi thực tập sinh sang Nhật

Sau khi thực tập sinh bắt đầu thực tập kỹ năng, đoàn thể quản lý (nghiệp đoàn) cũng có những vai trò (nghĩa vụ) sau đây.

  • Kiểm tra xem công ty có quản lý việc đào tạo thực tập sinh kỹ năng đúng cách hay không và báo cáo với Cục quản lý xuất nhập cảnh (hơn 1 lần trong 3 tháng).
  • Đối với công ty có thực tập sinh năm đầu tiên, tới công ty để kiểm tra hơn 1 lần mỗi tháng.
  • Trao đổi với thực tập sinh về nội dung công việc, chế độ đãi ngộ, cuộc sống, v.v. bằng tiếng mẹ đẻ của họ.

Nếu nghiệp đoàn không làm tròn vai trò như vậy sau khi bạn sang Nhật và để xảy ra sự cố, bạn hãy xem bài viết được liên kết bên dưới và tham khảo ý kiến ​​của Hiệp hội thực tập kỹ năng quốc tế (OTIT) hoặc các nhóm hỗ trợ.

external link Bài tổng hợp – Các tổ chức tư vấn dành cho người Việt

Điểm khác biệt với những tư cách lưu trú khác

Sống cùng gia đình

Vợ chồng và con cái của thực tập sinh không lấy được tư cách lưu trú “sống cùng gia đình” để cùng sống với thực tập sinh ở Nhật = Khác với tư cách Kỹ thuật – Tri thức nhân văn – Nghiệp vụ quốc tế và tư cách Kỹ năng đặc định số 2.

Chuyển việc

Về nguyên tắc là không thể chuyển nơi làm việc = Khác với tư cách Kỹ thuật – Tri thức nhân văn – Nghiệp vụ quốc tế và tư cách Kỹ năng đặc định số 1, số 2.

Chuyển việc (Ngoại lệ)

Nếu thực tập sinh gặp vấn đề với nghiệp đoàn và công ty tiếp nhận thì có thể đổi nơi thực tập. Hãy tham khảo bài viết trong đường link bên dưới.

external link Giải quyết rắc rối của thực tập kỹ năng (Sau khi sang Nhật)