Thực tập kỹ năng - Kỹ năng đặc định

★ Thông tin cơ bản: Giải đáp khúc mắc của thực tập sinh

★基本情報=技能実習のトラブル解決2
06/01/2022

Bài viết này sẽ giới thiệu đến các bạn những kiến thức cần thiết để giải quyết các vấn đề nảy sinh trong khi thực tập kỹ năng và nơi có thể nhận tư vấn khi gặp phải các vấn đề như ▽ Không được trả tiền lương làm tăng ca ▽ Không nhận được ngày nghỉ phép (nghỉ có lương) ▽ Muốn bỏ trốn và tìm công việc khác ▽ Có vẻ sẽ bị sa thải ▽ Muốn chuyển sang việc khác ▽ Mang thai v.v.

Các vấn đề thường gặp phải và nơi xin tư vấn

Thông qua việc thực tập kỹ năng, nhiều anh chị đi trước đã thực hiện được ước mơ của mình. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều vấn đề xảy ra xoay quanh việc thực tập này. Các vấn đề thường gặp phải là vấn đề về lương làm tăng ca, chịu bạo lực, bạo ngôn, ngày nghỉ phép (nghỉ có lương), bị sa thải, v.v. Ngoài ra vấn đề liên quan đến chuyện mang thai cũng đang tăng lên.

Cổng thông tin tư vấn của chính phủ

Với những vấn đề như không được nhận tiền lương làm tăng ca, chịu bạo lực, bạo ngôn, v.v. bạn có thể xin đoàn thể quản lý (nghiệp đoàn) tư vấn. Nếu vẫn không thể giải quyết được vấn đề, hãy liên lạc với Hiệp hội thực tập kỹ năng quốc tế (OTIT) nhé.

external link Trang tư vấn bằng tiếng Việt của OTIT

Nếu bạn phải chịu bất lợi từ công ty hay nghiệp đoàn vì đã báo cáo lên trên, hãy báo lại với OTIT một lần nữa hoặc thử xin lời khuyên từ các đoàn thể hỗ trợ phi chính phủ (được giới thiệu ở phía dưới). Ngoài ra, bạn cũng có thể xin Cục quản lý tiêu chuẩn lao động hoặc FRESC tư vấn. Ngoài ra, các trung tâm giao lưu văn hoá tại các địa phương cũng có khu vực tư vấn dành cho người nước ngoài đấy.

Dù chưa giải quyết được vấn đề sau một lần xin tư vấn, bạn cũng đừng bỏ trốn, hãy đến nhiều cơ quan và đoàn thể để xin tư vấn nhé.

external link Cục quản lý tiêu chuẩn lao động toàn Nhật Bản

external link FRESC

Các cơ quan, tổ chức hỗ trợ phi chính phủ

Ở Nhật Bản có rất nhiều đoàn thể hỗ trợ phi chính phủ. Mỗi đoàn thể, tổ chức có quy mô khác nhau, tuy nhiên bạn có thể xin tư vấn miễn phí về những vấn đề như lao động, việc làm, sinh hoạt, tư cách lưu trú (visa), tìm việc mới, mang thai v.v.

〈Ví dụ về các đoàn thể hỗ trợ〉

  • Cổng tư vấn cho thực tập sinh người nước ngoài (SNS)
  • Hội Hỗ trợ Cộng sinh Việt Nhật
  • Liên đoàn lao động Gifu chi nhánh người nước ngoài số 2
  • Hội người Việt Nam tại Nhật Bản (VAIJ)
  • Hội người Việt tại Sendai (SenTVA)
  • Hội người Việt tại tỉnh Ibaraki

Các bạn có thể tìm thấy các tổ chức tư vấn thông qua đường link dưới đây.

external link Bài tổng hợp – Các tổ chức tư vấn dành cho người Việt

Các vấn đề và cách giải quyết

Chúng ta hãy cùng tìm hiểu những tri thức cần thiết để giải quyết các vấn đề nảy sinh, tham khảo cách giải quyết để tránh bị rắc rối và bị thiệt nhé.

Muốn bỏ trốn và tìm việc khác

Có rất nhiều trường hợp “bất mãn với công ty tiếp nhận (do vấn đề lương làm tăng ca, bạo lực – bạo ngôn v.v.) nên muốn bỏ trốn và tìm việc khác”. Nếu bạn tư ý rời khỏi công ty mình thực tập, việc đó gọi là “bỏ trốn”. Ngoài ra, trên Facebook v.v. có nhiều bài viết giới thiệu các công việc có mức lương cao, làm cho việc bỏ trốn ngày càng ra tăng.

Thế nhưng, dù thực tập sinh có bỏ trốn và làm việc khác thì mức thu nhập cao ấy cũng không ổn định. Thêm vào đó, thực tập sinh còn phải chịu rất nhiều rủi ro và bất lợi như sau.

〈Bất lợi do bỏ trốn〉

  • Khi làm công việc khác thì bị coi là lưu trú bất hợp pháp, lao động bất hợp pháp.
  • Việc làm không ổn định, mức thu nhập lâu dài thấp hơn so với công ty ban đầu.
  • Khi bị bệnh, bị thương nặng thì không được bảo hiểm hỗ trợ.
  • Mặc dù bị thương nặng khi đang làm việc nhưng phần lớn là không được bồi thường.
  • Vì là lưu trú bất hợp pháp (tội phạm) nên không thể tự do đi lại.
  • Có thể bị lừa lấy tiền hoa hồng khi tìm việc làm mới.

external link Tình hình lao động bất hợp pháp trong thời gian bỏ trốn (Kinh nghiệm của tôi)

external link Bỏ trốn, lao động bất hợp pháp và mất việc (Kinh nghiệm của tôi)

Không được lợi gì khi bỏ trốn. Trước khi bỏ trốn, hãy xin OTIT và các đoàn thể tư vấn nhé.

Muốn chuyển sang việc khác

Nếu công ty tiếp nhận không trả tiền lương làm tăng ca, có những hành động vi phạm pháp luật như bạo lực v.v., sau khi nhận hỗ trợ từ OTIT, thực tập sinh có thể chuyển sang công ty khác.

external link Thực tập sinh chuyển việc sau khi nhận được sự hỗ trợ của đoàn thể hỗ trợ và OTIT (Kinh nghiệm của tôi)

Có vẻ sẽ bị sa thải (bị ép về nước)

Có trường hợp công ty tiếp nhận, nghiệp đoàn không thích thực tập sinh và cố tình để họ nghỉ việc, cho về nước giữa chừng. Chuyện kinh khủng hơn là có trường hợp bị dẫn ra tận sân bay để cho về nước. Phần lớn thực tập sinh phải viết một văn bản thể hiện là mình tự ý nghỉ việc và bị ép ký tên vào đó.

Tuy nhiên, luật pháp Nhật Bản quy định là nếu không có “lý do bất khả kháng”, công ty không được phép tự ý huỷ hợp đồng giữa chừng. Có nhiều thực tập sinh đã được các tổ chức hỗ trợ giúp đỡ và thoát khỏi việc bị ép về nước, hơn nữa còn tìm được việc mới.

external link Trường hợp bị ép về nước_01

external link Trường hợp bị ép về nước_02

Không nhận được ngày nghỉ phép

Chị Sim đã tự thương lượng với công ty và có được 1 tuần nghỉ có lương

Thực tập sinh kỹ năng có quyền lấy ngày nghỉ phép (nghỉ có lương). Bạn hãy tự thương lượng với công ty hoặc nhờ OTIT, các tổ chức hỗ trợ tư vấn nhé.

Bị giữ hộ chiếu, thẻ lưu trú

Có công ty tiếp nhận và nghiệp đoàn giữ hộ chiếu, thẻ lưu trú của thực tập sinh. Điều này là trái với pháp luật, bạn hãy liên lạc với OTIT nhé. OTIT sẽ giúp bạn giải quyết vấn đề này.

Nếu xin chứng nhận tị nạn thì có thể làm việc ở Nhật?

Người môi giới ác ý có thể đưa ra lời đề nghị là “6 tháng sau khi nộp đơn xin tị nạn, bạn sẽ được tự do làm việc tại Nhật Bản.” Tuy nhiên, hiện nay, những người không phải là người tị nạn khi xin chứng nhận sẽ không được cấp phép và có nguy cơ bị trục xuất về Việt Nam. Chưa có trường hợp thực tập sinh kỹ năng nào được công nhận là người tị nạn tại Nhật.

Mang thai

Số thực tập sinh mang thai trong thời gian thực tập đang tăng lên. Nhiều trường hợp bị nói là phải về nước và kết thúc thực tập giữa chừng nhưng pháp luật quy định không được lấy lý do là mang thai để huỷ hợp đồng với thực tập sinh. Có thể bạn sẽ cần ai đó giúp bạn chăm sóc cho con sau khi sinh, song bạn có thể nghỉ một thời gian rồi quay lại thực tập tiếp.

Tổ chức hỗ trợ “Hội Hỗ trợ Cộng Sinh Việt Nhật” đã có kinh nghiệm trong việc hỗ trợ này.