Blog

Hội người Việt tại Niigata

DSC_0138
18/01/2022

Tại Niigata, các bạn trẻ người Việt thường vui vẻ tụ họp, đi tham quan, học nấu ăn hay cùng nhau ăn uống. Các bạn trẻ này là thành viên “Hội người Việt tại Niigata”. Từng tham gia một chuyến tham quan ngắn của hội nên trong bài viết này, tôi sẽ chia sẻ lại với các bạn trải nghiệm của mình.

Hội người Việt tại Niigata

Tại thành phố Niigata, tôi đã phỏng vấn chị Phạm Phương Linh (26 tuổi), hiện đang điều hành công ty sau khi tốt nghiệp cao học tại Niigata. Thời du học, chị Linh đã cùng bạn bè lập ra “Hội người Việt ở Niigata”, tổ chức rất nhiều sự kiện như Tết Nguyên đán hay lớp dạy nấu ăn mà người Nhật cũng có thể tham gia. Sau hôm phỏng vấn, các thành viên hội tổ chức cùng nhau lái xe đi du lịch nên tôi cũng được tham gia chuyến đi này.

Các thành viên đa dạng

Buổi sáng, chúng tôi tập trung tại ga JR Uchino cách ga JR Niigata hơn 20 phút. Chúng tôi khởi hành trên 3 chiếc xe riêng, dọc đường có thêm một xe nữa nhập hội. Có 15 người tham gia chuyến đi, một trong số đó là người Philippines. Trong đoàn có tôi và một người nữa là người Nhật.

Thành phần tham gia đoàn gồm có:

・Nhân viên công ty (cựu du học sinh, mới đi làm năm đầu tiên)
・ Kỹ sư (năm thứ 2 tại Nhật Bản)
・ Người có tư cách lưu trú kỹ năng đặc định (cựu thực tập sinh kỹ năng)
・ Học sinh trường senmon
・ Sinh viên đại học

・ Bác sĩ mới sang Nhật để du học

Từ ga Uchino đến Teradomari

Tôi ngồi xe của anh Tiến (29 tuổi), đang làm việc tại nghiệp đoàn (đoàn thể quản lý) có thực tập sinh kỹ năng. Anh Tiến giỏi tiếng Nhật, còn bạn kỹ sư tên là Giang đi cùng xe với tôi cũng cố gắng hết sức để trò chuyện với tôi bằng tiếng Nhật.

Nơi đầu tiên chúng tôi đến là “Khu phố chợ cá Teradomari” ở thành phố Nagaoka, tỉnh Niigata. Trên đường đến đó, khi dọc theo bờ biển, tôi nhìn thấy được đảo Sadoga ngoài khởi.

Khu phố chợ cá

Chúng tôi đã đến “Khu phố chợ cá”. Ở đây tập trung khoảng mười mấy cửa hàng bán hải sản và đồ ăn, trông như các quán hàng dựng lên vào dịp lễ hội. Có thể mang đồ ăn mua tại đây ra ghế băng và ghế ngồi ngoài trời để ăn.

Hôm đó là một ngày thứ Bảy cuối tháng 11. Khoảng thời gian đó, dịch COVID-19 đã lắng xuống nên khu chợ rất náo nhiệt.

Nào là cá, mực, tôm, gà nướng… Tôi phân vân chẳng biết nên mua gì.

Súp miso cua giá 200 yên!

Tụ tập trên vỉa hè để ăn bữa chính và đồ tráng miệng.

Khu chợ này giá cả nhìn chung là rẻ, và ngay cả lựa chọn đồ thôi cũng đã rất vui. Mọi người trong nhóm chọn mua món mình thích, từ sushi, sò điệp, gà nướng, đồ chiên cho đến kem và cùng nhau ăn trưa rất vui vẻ.

Đến đền Yahiko

Khi đã no bụng, chúng tôi đến điểm dừng chân tiếp theo là đền Yahiko (làng Yahiko, tỉnh Niigata). Theo ý của chị Linh là “để giao lưu được với nhiều người”, lần này, tôi ngồi xe của chị Giang, nhân viên công ty. Sau khi tốt nghiệp Đại học Quốc gia Hà Nội, chị Giang đi du học tại một trường đại học ở Tokyo và hiện nay đang làm việc tại một công ty sản xuất bánh kẹo.

Chị Giang (trái) và chị Linh (tại đền Yahiko)

Chúng tôi đến đền Yahiko. Đây là ngôi đền có nhiều người đến viếng nhất Niigata. Ngôi đền nằm giữa rừng cây xanh, tạo cảm giác rất linh thiêng.

Chụp ảnh kỉ niệm trước cổng Torii

“Bánh gấu trúc trắng nướng”

Có nhiều cửa hàng ở quảng trường trước cửa công viên

Chúng tôi đi sang “Công viên Yahiko”, một điểm ngắm lá thu nổi tiếng cách Đền Yahiko 10 phút đi bộ. Trước khi vào công viên, chúng tôi nghỉ chân ở quảng trường cạnh đó.

Gần đó còn có một quán bán “Bánh gấu trúc trắng nướng”, bên trong có nhân zunda (các loại đậu như đậu nành edamame, đậu răng ngựa soramame… nghiền nhỏ). Nghe nói rằng loại bánh này đã giành giải quán quân trên “Bảng xếp hạng đồ ăn nhẹ địa phương toàn Nhật Bản lần thứ 1”.

“Bánh gấu trúc trắng nướng” mà tôi mua đương nhiên là một chú gấu trúc trắng rồi. Nó dễ thương đến mức tôi chẳng nỡ ăn. Khi ăn thử sẽ thấy lớp vỏ làm từ bột gạo dai dai, tạo cảm giác ngon miệng, còn nhân “zunda” bên trong cũng rất tuyệt!

Công viên Yahiko

Trong Công viên Yahiko có cả dãy hàng quán đón du khách đến ngắm lá thu. Nhưng lá thu ở đây dường như đã vào độ đẹp nhất cách đó 1 tuần, nên thời điểm chúng tôi đến lá gần như đã héo hoặc rụng mất.

Tuy nhiên, chúng tôi trêu đùa nhau, rồi tươi cười chụp ảnh kỷ niệm. Vì có thể giao lưu được như thế nên mọi người đều không cảm thấy thất vọng.

Một chút lá thu thật đẹp còn sót lại.

Cửa hàng rượu sake

Chúng tôi chia tay nhau tại Công viên Yahiko. Những người có thời gian thì đi tiếp đến ga JR Niigata trên 3 xe ô tô.

Ponshukan

Có một cửa hàng lớn tên là “Ponshukan” bên trong ga Niigata. “Ponshu” có nghĩa là rượu sake. Tại đây bán rất nhiều rượu sake, đồ ngọt và thực phẩm làm từ sake.

Tại Ponshukan, bạn có thể nếm thử 5 loại rượu sake với giá 500 yên. Có khoảng 100 loại để khách nếm thử. Ba phụ nữ người Việt cũng uống thử, nhưng có vẻ không hợp khẩu vị cho lắm.

Bữa tối

Cuối cùng, 11 người còn lại trong đoàn cùng nhau dùng bữa tối. Chúng tôi uống vừa phải và trò chuyện rất nhiều.

Tôi đã có hẳn một ngày ở cùng các thành viên Hội người Việt ở Niigata. Mọi người đều vô cùng thân thiện. Tất cả những ai ở Niigata, những ai có kế hoạch đi Niigata, nếu thấy trên trang Facebook của hội có sự kiện nào mà bạn quan tâm, hãy thử liên hệ với họ xem sao nhé.

external link Hội người Việt Nam tại Niigata (Facebook)