Cuộc sống - Visa

Vật giá và chi phí sinh hoạt ở Nhật Bản

blog_3112_img1
29/11/2020

 

Bài viết này sẽ giải thích cụ thể về vật giá và chi phí sinh hoạt ở Nhật Bản – nơi vốn nổi tiếng thế giới là đắt đỏ. Ngoài ra, mục “Kinh nghiệm của tôi” của KOKORO cũng đăng những câu chuyện thực tế của khá nhiều nhân vật, bao gồm du học sinh, thực tập sinh kỹ năng, kỹ sư v.v… trong đó có phần giới thiệu chi phí sinh hoạt của từng người trong một tháng ở Nhật Bản (có diễn giải thu nhập và chi phí). Các bạn có thể tham khảo mục này để biết các thông tin chi tiết hơn.

KOKORO: Kinh nghiệm của tôi

※ Tỷ giá áp dụng trong phần này là tỷ giá ngày 23/11/2020 (100 yên = 22.345VND).

1. Tiền nhà/Tiền điện, nước, ga

Chỗ ở của thực tập sinh kỹ năng

Nguyên nhân chủ yếu khiến vật giá ở Nhật Bản bị đẩy lên cao là do mức giá thuê nhà, phí sử dụng dữ liệu và nghe gọi điện thoại di động, tiền tàu điện, xe buýt v.v. đều cao. Tuy nhiên, đối với thực tập sinh kỹ năng, hầu hết các công ty đều chuẩn bị sẵn kí túc xá. Thế nhưng, tuỳ từng công ty mà kiểu kí túc xá và chi phí lại rất khác nhau nên khi lựa chọn công ty, các bạn cũng nên chú ý cả tiện nghi bên trong và chi phí kí túc xá, tiền điện, nước, ga hay tiền Wi-Fi v.v..

Chỗ ở của du học sinh

Du học sinh đa phần là tự tìm nhà ở

Hơn 70% du học sinh tự tìm nhà ở. Cũng có nhiều du học sinh ở chung nhà với bạn bè. Cách tìm người ở chung nhà gồm có nhờ bạn bè giới thiệu hoặc đăng tin tìm trên Facebook v.v.. Nếu du học sinh trao đổi với các sempai trước khi sang Nhật thì chắc là sẽ thuận lợi hơn.

Tiền thuê nhà và tiền điện, nước, ga của du học sinh

Theo trang web Expatistan, bình quân tiền thuê một phòng có diện tích 45 m2 ở Nhật là 79.815 yên/1 tháng (17.832.861 VND). Ngoài ra, theo kết quả khảo sát về du học sinh người nước ngoài do Tổ chức hỗ trợ sinh viên Nhật Bản (JASSO) thực hiện tháng 1/2018 thì tiền thuê nhà là như sau.

◆ Tiền thuê nhà 1 tháng của du học sinh

Yên Nhật VND
Bình quân cả nước 34.000 7.594.403 Các thành phố lớn
Hokkaido 31.000 6.924.308 Sapporo
Tohoku 25.000 5.584.120 Sendai
Kanto 39.000 8.711.226 Yokohama
Tokyo 43.000 9.604.686 Tokyo
Chubu 26.000 5.807.484 Nagoya
Kinki 35.000 7.817.767 Osaka
Chukoku 24.000 5.360.755 Hiroshima
Shikoku 23.000 5.137.390 Matsuyama
Kyushu 24.000 5.360.755 Fukuoka

(Theo khảo sát do JASSO thực hiện tháng 1/2018)

Tiền đặt cọc・Tiền lễ

Ở Nhật, khi thuê nhà, ngoài tiền thuê nhà mỗi tháng, thông thường phải trả thêm một số khoản phí như tiền đặt cọc, tiền lễ… khi chuyển vào ở. Một phần tiền đặt cọc sẽ được trả lại khi bạn chuyển đi nơi khác. Bài viết trong link dưới đây sẽ giới thiệu chi tiết về các chi phí này.

Blog: Thông tin từ A đến Z khi thuê nhà ở Nhật Bản

Tiền điện, nước, ga

Nếu bạn sống một mình, tiền điện, nước, ga bình quân mỗi tháng sẽ vào khoảng từ 6.000 đến 8.000 yên. Mùa Hè dùng máy lạnh, mùa Đông bật sưởi thì chi phí có thể sẽ cao hơn một chút.

2. Giá cả các mặt hàng chủ yếu ngoài tiền nhà

Giá cả các mặt hàng chủ yếu ngoài tiền nhà

Theo trang Expatistan, các chi phí khác ngoài tiền nhà được trình bày trong bảng dưới đây. Tuy nhiên, nếu chọn đúng cửa hàng thì có nhiều trường hợp bạn sẽ mua được với mức giá rẻ hơn nữa.

◆ Giá thực phẩm, đồ uống

Yên Nhật VND
Bữa trưa (có kèm đồ uống, ở khu vực nhiều văn phòng) 1.008 225.152
Thịt ức gà (500g) 457 102.078
Sữa tươi (1 lít) 200 44.673
Trứng (cỡ to, 12 quả) 254 56.735
Cà chua (1kg) 443 98.951
Táo (1kg) 653 145.857
Khoai tây (1kg) 290 64.776
Bia nội địa (500ml) 279 62.319
Coca cola (2 lít) 183 40.876
Bánh mỳ (2 người ăn 1 ngày) 229 51.151

◆ Quần áo, chi phí đi lại, chi phí lặt vặt

Yên Nhật VND
Quần bò (Levis 501…) 8.322 1.858.842
Quần áo mùa Hè của nữ (như Zara…) 4.252 949.747
Giày thể thao (Nike, Adidas…) 7.881 1.760.338
Xăng (1 lít) 131 29.261
Vé tháng tàu điện, xe buýt (1 tháng) 10.556 2.357.839
Tiền khám bệnh (15 phút) 5.925 1.323.436
Giấy vệ sinh (4 cuộn) 166 37.079
Kem đánh răng 256 57.181
Tiền cắt tóc nam 2.818 629.442

◆ Chi phí giải trí

Yên Nhật VND
Vé xem phim (2 người) 3.680 821.982
Vé xem kịch (2 người) 12.136 2.710.755
Cà phê capuchino (1 cốc, ở khu dân cư cao cấp) 490 109.449
1 ly bia (500ml, trong quán nhậu izakaya) 558 124.638
iPad (128GB) 46.271 10.335.312
Phòng tập gym (phí 1 tháng, ở khu văn phòng) 8.164 1.823.550

3. Chi phí của du học sinh và thực tập sinh kỹ năng

Chi phí của thực tập sinh kỹ năng (chi phí sinh hoạt)

Đa số thực tập sinh kỹ năng mà ban biên tập KOKORO đã phỏng vấn có tổng chi phí ngoài tiền kí túc xá, tiền điện, nước, ga (bao gồm các khoản như tiền ăn, chi phí lặt vặt và đi lại) vào khoảng từ 25.000 yên đến 40.000 yên, chi tiêu rất tiết kiệm để gửi tiền về cho gia đình.

Nhiều thực tập sinh kỹ năng tự làm bento để giảm chi phí

Tuỳ theo mức lương mà khoản tiền các thực tập sinh gửi được về nước là rất khác nhau. Hãy lựa chọn công ty phái cử để sang Nhật không phải vay nợ hoặc chỉ vay số tiền ít nhất có thể. Hãy chú ý lựa chọn công ty phái cử và nơi thực tập, cố gắng học tiếng Nhật sao cho dễ đỗ phỏng vấn vào công ty mình muốn đến làm việc… Làm như vậy thì bạn sẽ có nhiều khả năng thành công hơn khi đi thực tập kỹ năng. Qua bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ chia sẻ với bạn sự khác nhau về chi phí liên quan đến công ty phái cử cũng như những điểm cần lưu ý khi lựa chọn công ty phái cử.

Chi phí trả cho các công ty phái cử khác nhau đến mức nào/So sánh chi tiết

Chi phí của du học sinh (Chi phí sinh hoạt + học phí)

Nếu du học sinh nhận được học bổng hoặc các khoản miễn giảm học phí thì sẽ tương đối đỡ vất vả hơn. Ngược lại, nếu chỉ trông cậy vào tiền làm baito để trang trải học phí và chi phí sinh hoạt thì sẽ rất khó khăn. Dưới đây là mức chi phí hằng tháng của du học sinh theo từng khu vực (bao gồm cả học phí) theo kết quả khảo sát mà JASSO thực hiện năm 2018.

◆ Chi phí bình quân 1 tháng của du học sinh

Yên Nhật VND
Bình quân cả nước 146.000 32.611.258 Các thành phố lớn
Hokkaido 130.000 29.037.422 Sapporo
Tohoku 126.000 28.143.963 Sendai
Kanto 157.000 35.068.271 Yokohama
Tokyo 163.000 36.408.459 Tokyo
Chubu 130.000 29.037.422 Nagoya
Kinki 143.000 31.941.164 Osaka
Chukoku 126.000 28.143.963 Hiroshima
Shikoku 117.000 26.133.679 Matsuyama
Kyushu 129.000 28.814.057 Fukuoka

(Theo khảo sát do JASSO thực hiện tháng 1/2018)

Thu nhập của du học sinh

Để trang trải cho mức chi phí trên, theo khảo sát của JASSO, trung bình số tiền được gia đình gửi sang hỗ trợ của mỗi du học sinh trường tiếng Nhật là 66.000 yên, du học sinh trường chuyên môn trở lên là 50.000 yên, và các học sinh này sẽ dùng từ 54.000 ~ 61.000 yên tiền lương baito để bù vào phí sinh hoạt. Theo kết quả phỏng vấn của ban biên tập, nhiều trường hợp nhận lương baito từ 70.000 ~ 110.000 yên.

4. Có thật là “Chỉ làm baito là đủ trang trải chi phí du học”?

Nếu chỉ làm baito thì không thể đủ tiền

Trong số các công ty môi giới du học, có cả những nơi tư vấn rằng “chỉ cần làm baito cũng đủ trang trải chi phí du học”. Dĩ nhiên, nếu so sánh với các nước như Mỹ chẳng hạn thì chi phí du học ở Nhật thấp hơn và được phép làm thêm mỗi tuần không quá 28 giờ. Tuy nhiên, khi so sánh “chi phí bình quân 1 tháng của du học sinh” và thu nhập từ baito ước tính thì có thể thấy rằng chỉ làm baito không thể đủ trang trải chi phí. Các bạn hãy xem bảng tính dưới đây.

◆ Chi phí và thu nhập ước tính từ baito trong 1 tháng của du học sinh

A. Chi phí B. Thu nhập ước tính từ baito Mức chênh lệch B-A Các tỉnh có nhiều du học sinh Lương tối thiểu bình quân
Hokkaido 130.000 94.710 -35.290 Hokkaido 861
Tohoku 126.000 89.833 -36.167 Miyagi, Fukushima 817
Kanto 157.000 101.970 -55.030 Saitama, Chiba 927
Tokyo 163.000 111.430 -51.570 Tokyo 1.013
Chubu 130.000 100.430 -29.570 Aichi, Shizuoka 913
Kinki 143.000 104.023 -38.977 Osaka, Kyoto 946
Chukoku 126.000 94.453 -31.547 Hiroshima, Okayama 859
Shikoku 117.000 89.210 -27.790 Kagawa, Ehime 811
Kyushu 129.000 90.787 -38.213 Fukuoka, Oita 825

※Lương tối thiểu các vùng (bình quân) = (Lương tối thiểu của tỉnh có nhiều du học sinh nhất x 2 + lương tối thiểu của tỉnh có nhiều du học sinh thứ nhì)÷3

※Thu nhập ước tính từ baito = lương tối thiểu (bình quân) x 110 tiếng

Du học sinh được phép làm thêm không quá 28 giờ mỗi tuần (trong thời gian nghỉ dài thì được làm 40 giờ một tuần). Như vậy, tính ra mỗi tháng được làm khoảng 120 giờ. Tuy nhiên, do phải sắp xếp làm việc theo ca, kíp nên nhiều trường hợp thời gian làm việc không lên tới 120 tiếng. Bảng trên đây giả định thời gian làm việc 1 tháng là 110 giờ để so sánh giữa chi phí và thu nhập từ baito. Tính theo cách này thì như trong bảng, số tiền thiếu hụt mỗi tháng sẽ là từ 28.000 ~ 55.000 yên (mức chênh lệch B – A).

Như vậy, nếu chỉ trông cậy vào tiền baito thì du học sinh khó mà trang trải được học phí và chi phí sinh hoạt. Theo khảo sát của JASSO, trung bình khoản tiền hỗ trợ nhận được từ gia đình để trang trải cuộc sống của du học sinh trường tiếng Nhật là 66.000 yên, du học sinh trường chuyên môn trở lên là 50.000 yên. Có cả trường hợp du học sinh tự đứng ra vay tiền làm vốn đi du học từ trước khi sang Nhật.

Kinh nghiệm của tôi: Sempai tự vay tiền để đi du học

“Làm quá giờ” sẽ bị lộ

Có thể có bạn nghĩ rằng “Nếu cứ làm việc nhiều hơn 28 giờ một tuần thì chẳng cần tiền gia đình gửi sang hỗ trợ vẫn có thể trang trải chi phí được chứ nhỉ?”. Khi du học sinh người nước ngoài làm việc quá 28 giờ một tuần thì bị gọi là “làm quá giờ”. Nếu Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh biết được điều này, có thể bạn sẽ gặp phải những hậu quả như sau: ① không gia hạn được tư cách lưu trú, ② bị từ chối khi cần chuyển đổi tư cách lưu trú để đi làm sau khi tốt nghiệp.

Có thể lại có bạn vẫn nghĩ rằng “làm quá giờ cũng không bị lộ”. Tuy nhiên, khi người nước ngoài làm việc tại Nhật Bản thì nơi tuyển dụng người đó sẽ phải nộp “báo cáo tình trạng tuyển dụng” cho Hellowork, và Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh cũng nắm bắt được thông tin tại Hellowork. Dù làm việc ở nhiều nơi khác nhau thì Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh cũng nắm bắt được toàn bộ tình hình. Không chỉ vậy, còn có trường hợp bị phát hiện làm quá giờ dựa trên thông tin từ giấy chứng nhận nộp thuế hay phiếu thu thuế tại nguồn. Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh ngày càng làm chặt hơn đối với tình trạng làm quá giờ của du học sinh nên chuyện “làm quá giờ hay làm hai nơi khác nhau không bị lộ” chỉ còn là quá khứ.

Blog: Làm quá giờ sẽ bị lộ

Kinh nghiệm của tôi: Đang học dở đại học phải ngừng giữa chừng và về nước